Tuyên bố được đăng trên Facebook của quan chức đảng NLD - May Win Myint cũng kêu gọi thừa nhận kết quả của cuộc bầu cử tháng 11/2020 mà trong đó, đảng NLD của bà Suu Kyi giành chiến thắng.
“Hãy trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ, bao gồm cả Tổng thống Win Myint và Cố vấn Nhà nước Suu Kyi”, trích tuyên bố. “Chúng tôi coi đây là một vết nhơ trong lịch sử Myanmar và lịch sử quân đội.”
Sáng 2/2, các tướng quân đội của Myanmar đã xuất hiện trong vòng vây an ninh được thắt chặt. Những người này đề nghị giữ im lặng trước làn sóng lên án toàn cầu.
Có rất ít dấu hiệu về việc bổ sung lực lượng an ninh trên đường phố Yangon, cho thấy quân đội khác thoải mái vì không phải đối mặt với các cuộc biểu tình lớn.
“Chúng tôi muốn ra ngoài để thể hiện sự phản đối của mình. Nhưng Mẹ Suu (Cố vấn Suu Kyi) đang ở trong tay của họ. Chúng tôi không thể làm gì nhiều ngoài im lặng vào lúc này.”
Một nghị sĩ đảng NLD của bà Suu Kyi cho biết cuộc sống trong khu nhà nghỉ dành cho các nghị sĩ vẫn diễn ra bình thường. Nhưng khu nhà này hiện chẳng khác nào “một trung tâm giam giữ ngoài trời”.
"Chúng tôi không được phép ra ngoài", nữ nghị sĩ nói báo giới, yêu cầu giấu tên vì sợ quân đội. "Chúng tôi rất lo lắng."
Bà Suu Kyi và ông Win Myint, trong khi đó, đang bị quản thúc tại gia, một nghị sĩ NLD cho biết.
"Chúng tôi được thông báo là không nên lo lắng. Tuy nhiên, chúng tôi rất sốt ruột. Sẽ thật nhẹ nhõm nếu chúng tôi có thể xem ảnh của họ”, nghị sĩ giấu tên nói.
Bà Aung San Suu Kyi - Cố vấn Nhà nước Myanmar và nhiều quan chức cấp cao khác bị quân đội bắt giữ sáng sớm 1/2, trong một cuộc đảo chính sau nhiều năm chính quyền dân sự nắm vị trí lãnh đạo.
Trong một tuyên bố đưa ra sau đó cùng ngày, đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) cho biết bà Aung San Suu Kyi kêu gọi người dân không chấp nhận cuộc đảo chính của quân đội.
Theo một phát ngôn viên NLD, bà Suu Kyi “vẫn khỏe”, và đang bị giam lỏng trong dinh thực của chính mình.
“Bà ấy vẫn khỏe. Thường xuyên tản bộ trong khu nhà”, phát ngôn viên Kyi Toe cho biết trong một bài đăng trên trang Facebook cá nhân.
Ngay sau cuộc đảo chính, lãnh đạo quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm, chuyển giao mọi quyền lực cho Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing, bổ nhiệm Phó Tổng thống Myint Swe - một cựu tướng quân đội - làm quyền tổng thống.
24 bộ trưởng của chính quyền bà Suu Kyi đã bị loại bỏ, và thay thế bằng 11 người khác có nhiệm vụ giám sát các bộ bao gồm tài chính, quốc phòng, đối ngoại và nội vụ.
Chính quyền nhiều nước như Mỹ, Anh, Nhật Bản và Úc đã lên án quân đội Myanmar, đồng thời kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi cùng các quan chức khác.