Hội đồng Bảo an LHQ sắp họp về đảo chính Myanmar

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
TPO - Liên Hợp quốc sợ rằng cuộc đảo chính ở Myanmar sẽ khiến số phận của khoảng 600.000 người Hồi giáo Rohingya càng tồi tệ hơn. Phát ngôn viên của Liên Hợp quốc (LHQ) cho biết Hội đồng Bảo an sẽ họp trong ngày 2/2 để bàn về các diễn biến mới nhất.

Quân đội Myanmar chiếm quyền điều hành đất nước trong cuộc đảo chính ngày 1/2 , bắt gữi bà Aung San Suu Kyi và nhiều lãnh đạo dân sự khác.

Một chiến dịch truy quét của quân đội Myanmar hồi năm 2017 ở bang Rakhine đã khiến hơn 700.000 người Hồi giáo Rohingya phải chạy sang Bangladesh, đến giờ họ vẫn mắc kẹt trong các trại tị nạn. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và các nước phương Tây cáo buộc quân đội Myanmar thanh trừng sắc tộc, nhưng Myanmar bác bỏ.

“Có khoảng 600.000 người Rohingya vẫn ở bang Rakhine, trong đó 120.000 người bị giam trong các trại. Họ không thể di chuyển tự do và bị hạn chế tiếp cận các dịch vụ giáo dục và y tế. Vì thế, chúng tôi sợ rằng những sự kiện vừa qua có thể khiến tình trạng của họ tồi tệ hơn”, phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric hôm nay nói với báo giới.

Hội đồng Bảo an với 15 thành viên sẽ bàn về tình hình Myanmar trong cuộc họp kín vào ngày 2/2, các nhà ngoại giao cho biết.

“Chúng tôi muốn giải quyết những mối đe dọa lâu dài đối với hòa bình và an ninh, tất nhiên phải làm việc chặt chẽ với châu Á và các nước láng giềng trong ASEAN của Myanmar”, Đại sứ Anh tại LHQ Barbara Woodward, chủ tịch HĐBA trong tháng 2, nói với báo giới.

Có quyền phủ quyết, Trung Quốc và Nga bảo vệ Myanmar trước bất kỳ hành động đáng kể nào của HĐBA kể từ chiến dịch truy quét của quân đội năm 2017.

Phái đoàn Trung Quốc tại LHQ hôm qua nói rằng họ hy vọng sẽ hiểu thêm về những diễn biến mới nhất ở Myanmar từ cuộc họp của HĐBA ngày 2/2.

“Chúng tôi cũng hy vọng rằng bất kỳ bước đi nào của Hội đồng cũng sẽ đóng góp tích cực cho sự ổn định của Myanmar thay vì khiến tình hình phức tạp hơn”, phát ngôn viên phái đoàn Trung Quốc cho biết.

Quân đội Myanmar đã bắt giữ Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo khác để xử lý tình trạng “gian lận bầu cử”, chuyển giao chuyển lực cho tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing và ban bố tình trạng khẩn cấp trong 1 năm.

LHQ kêu gọi thả tất cả những người bị bắt, ông Dujarric nói. Ông cho biết đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ Christine Schraner Burgener “vẫn tích cực làm việc” và sẽ báo cáo tình hình với HĐBA.

Theo theo Reuters
MỚI - NÓNG