Bà Aung San Suu Kyi - Cố vấn Nhà nước Myanmar và nhiều quan chức cấp cao khác bị quân đội bắt giữ sáng sớm 1/2, trong một cuộc đảo chính sau nhiều năm chính quyền dân sự nắm vị trí lãnh đạo.
Trong một tuyên bố đưa ra sau đó cùng ngày, đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) cho biết bà Aung San Suu Kyi kêu gọi người dân không chấp nhận cuộc đảo chính của quân đội.
“Hành động đảo chính của quân đội là hành động đưa đất nước trở lại chế độ độc tài”, NLD cho biết trong một tuyên bố kí tên bà Suu Kyi. “Tôi kêu gọi mọi người không chấp nhận điều này. Hãy phản ứng và kịch liệt phản đối cuộc đảo chính của quân đội.”
Bà Suu Kyi được cho là đã viết tuyên bố này trước khi bị bắt. Kể từ sau chính biến ngày 1/2 đến nay, nữ chính trị gia vẫn chưa chính thức lên tiếng.
Theo một phát ngôn viên NLD, bà Suu Kyi “vẫn khỏe”, và đang bị giam lỏng trong dinh thực của chính mình.
“Bà ấy vẫn khỏe. Thường xuyên tản bộ trong khu nhà”, phát ngôn viên Kyi Toe cho biết trong một bài đăng trên trang Facebook cá nhân.
Ngay sau cuộc đảo chính, lãnh đạo quân đội Myanmar ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm, chuyển giao mọi quyền lực cho Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing, bổ nhiệm Phó Tổng thống Myint Swe - một cựu tướng quân đội - làm quyền tổng thống.
24 bộ trưởng của chính quyền bà Suu Kyi đã bị loại bỏ, và thay thế bằng 11 người khác có nhiệm vụ giám sát các bộ bao gồm tài chính, quốc phòng, đối ngoại và nội vụ.
Chính quyền nhiều nước như Mỹ, Anh, Nhật Bản và Úc đã lên án quân đội Myanmar, đồng thời kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi cùng các quan chức khác.
Bà Aung San Suu Kyi đã dẫn dắt NLD tới chiến thắng bầu cử vang dội ngày 8/11/2020/ Đây là cuộc tổng tuyển cử lần 2 kể từ khi quân đội ngừng nắm quyền ở Myanmar năm 2011.
Theo Hiến pháp Myanmar, 25% số ghế trong quốc hội và quyền kiểm soát ba bộ chủ chốt trong chính quyền của bà Suu Kyi được dành cho quân đội.