Đánh thuế lãi tiết kiệm: Người dân và ngân hàng đều lo

Đánh thuế lãi tiết kiệm: Người dân và ngân hàng đều lo
TP - Theo Dự luật Thuế thu nhập cá nhân, dự kiến khoản thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm trên 4-5 triệu đồng/tháng, tương ứng với khoản tiền gửi khoảng 700 – 800 triệu đồng trở lên, sẽ phải nộp thuế 5%.

Bà Hiền (khu đô thị Linh Đàm) đang có một sổ tiết kiệm gửi tại Vietcombank. Nghe tin nếu số tiền lãi thu được trên 4-5 triệu đồng/tháng sẽ bị tính thuế, bà rất buồn.

Theo lời bà, số tiền tiết kiệm này là một phần căn nhà trên phố ông bà đã bán để mua một căn hộ nhỏ hơn. Hai ông bà đều không có lương hưu, thu nhập từ các con cái đều thấp, dưới mức chịu thuế, số tiền lãi trên chính là khoản chi dùng không chỉ cho ông bà mà còn phụ thêm cho vợ chồng 2 cô con gái để cho các cháu học hành.

 “Căn cứ vào dự luật thì nhà tôi chẳng đứa con nào đủ mức nộp thuế để được giảm trừ gia cảnh cho nuôi con, bố mẹ già (phần này tối đa lên tới 10 triệu đồng/tháng). Chúng tôi không biết kinh doanh gì, phải bán nhà đi để lấy tiền đó gửi tiết kiệm sinh sống, nay lại còn bị tính thuế”. 

Một bác trung tuổi ngay tại trụ sở giao dịch VPbank thắc mắc: “Số tiền này là của con trai và con dâu tôi lao động tại nước ngoài gửi về. Thu nhập đó đã bị tính thuế, nay lại bị tính thêm lần nữa, có công bằng không?"

Khách hàng này nói tiếp: "Hơn nữa, đồng  tiền gửi vào tiết kiệm sinh lời cũng rất thấp (mặt bằng lãi suất tiền gửi các ngân hàng thương mại thường rơi vào khoảng 8,5 đến hơn 9%/năm với kỳ hạn 6 –12 tháng). Nếu so sánh với lãi cổ tức mà các Cty chia lời hàng năm mà thấp nhất cũng khoảng 15%, cao nhất có nơi đến 70% thì đúng là mức thuế “áp” cho những người dân đang gửi tiết kiệm cao hơn rất nhiều”.

Với những người dân không có thu nhập nào khác (đa phần từ bán đất, hay con cái đi lao động nước ngoài gửi về) phải “trông” nhiều vào lãi tiết kiệm để nuôi nấng con cái học hành đều cảm thấy thiệt thòi nếu dự luật quyết định điều chỉnh thu thuế lãi tiết kiệm.

Ban soạn thảo có tính đến điều này? Thứ trưởng Tài chính Trương Chí Trung trước đó đã thừa nhận: “Đúng là so sánh giữa lãi cổ tức và lãi tiết kiệm thì mức thuế áp cho lãi tiết kiệm như vậy có phần thiệt thòi hơn chongười gửi. Nhưng trong quá trình nghiên cứu, ban soạn thảo đã rất cân nhắc. Nói gì thì nói, đa phần những người gửi tiền tiết kiệm đều có thu nhập từ lương. Vì vậy, không thể không đánh thuế để đảm bảo công bằng xã hội”.

Theo tính toán của ban soạn thảo, với mức thuế 5%, giả dụ có 800 triệu đồng gửi tiết kiệm, nhận lãi 5,2 triệu đồng/tháng thì khi đó số tiền phải nộp thuế cũng chỉ mất có 60 ngàn đồng mà thôi.

Ngân hàng, Cty chứng khoán “lo” mất khách

Ngay khi thông tin này được đề cập, đại diện các ngân hàng thương mại đều mong sớm được đóng góp ý kiến vào dự luật.

Theo bà Trần Hải Anh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Phương Nam (PNB), ngân hàng rất lo ngại về việc đánh thuế thu nhập từ tiền lãi tiết kiệm. Nếu đến năm 2009 Luật có hiệu lực và quy định này không thay đổi, bà Hải Anh sợ rằng  có thể nhiều người dân sẽ không “hứng thú” với hình thức gửi tiết kiệm mà chuyển sang  kênh đầu tư khác.

Tuy chưa có một con số thống kê chính thức nhưng theo tìm hiểu của Tiền phong, hiện số lượng khách hàng gửi tiền trên 700 triệu đồng tại các ngân hàng thương mại cũng chiếm xấp xỉ gần 50% (PNB: 50-70%; Eximbank: trên 50%).

Đánh thuế lãi tiết kiệm đi kèm với việc phải “lộ” thông tin về khách hàng cho “nhà thuế”. Điều khiến các ngân hàng thương mại lại một phen lo sợ đó là rất sợ có thể sẽ mất đi một lượng khách hàng tiềm năng (các ngân hàng thương mại đã từng phản ứng trước Nghị định chống rửa tiền khi bắt buộc phải cung cấp thông tin về giao dịch trên 200 triệu đồng/khách hàng); hay để giữ khách, các ngân hàng phải tiếp tục chịu áp lực tăng lãi suất (nhưng trên thực tế sẽ rất khó vì tăng lãi suất đầu vào lại phải tăng lãi suất cho vay đầu ra, lại làm khó các doanh nghiệp và người dân vay vốn) hay buộc phải mở thêm các chương trình khuyến mại, tặng quà.

Còn  đối với người gửi, dù hình thức gửi tiền “lãi suất bậc thang” (gửi nhiều được tính lãi nối bậc cao hơn) vốn đang  rất thịnh hành nhưng khi đó chắc chắn họ sẽ buộc phải “khôn lỏi”, chia nhỏ tiền gửi để “tránh thuế” hay “bỏ”  ngân hàng để sang đầu tư vàng, cổ phiếu.

Mặc dù ngay trong buổi công bố thông tin về dự luật hôm qua 7/9 tại Tổng cục Thuế, đại diện ngành thuế nhấn mạnh: Thuế chuyển nhượng vốn sở dĩ được tính 25% là hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhưng quan điểm này đều không được các nhà đầu tư tán đồng (thậm chí có ý kiến thông tin này đã gián tiếp tác động khiến VN – Index ngày 6/9 giảm chút ít).

Anh Hoài (sàn Cty chứng khoán Sài Gòn), một nhà đầu tư cá nhân chia sẻ: Việc phải nộp thuế thu nhập cũng là phù hợp nhưng phải tính toán cả về thời điểm lẫn mức phải nộp. Theo anh, thị trường chứng khoán Việt Nam đang quá nhỏ lẻ, tăng giảm rất đột biến, vì vậy cần phải có thời gian cho nó ổn định và phát triển mới nên áp dụng. Còn lãi chuyển nhượng sẽ chịu thuế 25%, anh Hoài nhấn mạnh: “Đó là một tỷ lệ quá lớn. Không chỉ nhà đầu tư cá nhân mà cả những tổ chức đầu tư lớn, quỹ cũng sẽ phản ứng. Khi lãi đã vậy, còn những khi thị trường đi xuống, nhà đầu tư lỗ thì ai sẽ chịu cho...”.

MỚI - NÓNG