Ðánh thức tiềm năng du lịch của “hòn ngọc” hồ Tây

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khu vực hồ Tây là một danh lam thắng cảnh đặc thù mang đậm dấu ấn của ngàn năm xây dựng và phát triển Thủ đô mà hiếm thấy đô thị nào trên thế giới có được. Quận Tây Hồ đang đề xuất quản lý tổng thể hồ Tây để quản lý, khai thác tối đa các lợi thế, tiềm năng của hồ Tây nhằm xây dựng hồ Tây thành nơi vui chơi giải trí, du lịch và đặc biệt là nơi phục vụ khách du lịch trọng điểm của Thủ đô.
Ðánh thức tiềm năng du lịch của “hòn ngọc” hồ Tây ảnh 1
Không gian du lịch hồ Tây đang cần một “cú hích” để phát triển

Với vị trí địa lý và bề dày lịch sử, ngay từ khi thành lập, Đảng bộ quận Tây Hồ đã xác định “Quyết tâm phát huy nội lực, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế, xây dựng quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ - du lịch văn hóa của Thủ đô”. Trong có nhiều đề án về phát triển các điểm di tích, ẩm thực quanh hồ Tây.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học nhiều năm tâm huyết với Hà Nội thì việc khai thác các di sản hồ Tây vẫn còn những tồn tại, chưa phát huy được hết giá trị hồ Tây.

Thực tế, từ tháng 9/2016 đến nay, công tác quản lý, khai thác hồ Tây được thực hiện theo Quy định về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Theo đó, việc quản lý hồ Tây được giao cho 7 sở ngành quản lý, không có đầu mối thống nhất. Việc có nhiều sở ngành cùng quản lý nên công tác nghiên cứu các giải pháp có tính sáng tạo, tổng thể nhằm khai thác hồ Tây chưa thực hiện được.

Dù nhiều đơn vị cùng tham gia quản lý hồ Tây nhưng vẫn có những lĩnh vực chưa rõ ai quản lý và quy trình thực hiện, như: Hoạt động của các phương tiện thủy trên hồ; hoạt động đánh bắt cá, chèo thuyền... dẫn đến việc quản lý, cứu hộ gặp khó. Ngoài ra, ngân sách nhà nước cũng đang bị thất thu do từ năm 2016 không thu phí khai thác sử dụng mặt nước hồ Tây.

Ðầu tư 8 bến thuyền ở hồ Tây

Từ thực tế đó, quận Tây Hồ đề xuất UBND thành phố Hà Nội giao quận Tây Hồ tổ chức thực hiện việc quản lý, khai thác hồ Tây. Việc này đảm bảo nguyên tắc “một việc, một đầu mối xuyên suốt” đảm bảo phù hợp với thực tiễn.

Trên cơ sở được chấp thuận, UBND quận sẽ xây dựng đề án tổng thể để quản lý, khai thác tối đa các lợi thế, tiềm năng của hồ Tây nhằm xây dựng hồ Tây thành nơi vui chơi giải trí, du lịch và đặc biệt là nơi phục vụ khách du lịch trọng điểm của Thủ đô. Dự kiến, quận Tây Hồ sẽ nghiên cứu phương án triển khai nạo vét bùn trầm tích tổng thể hồ Tây để cải thiện chất lượng, môi trường nước hồ, cải thiện không gian sinh sống các loài thủy sản. Nghiên cứu đầu tư xây dựng quản lý sau đầu tư đối với 8 bến thuyền và tuyến du lịch thủy (theo quy hoạch phân khu đô thị A6) để xây dựng thành khu vui chơi giải trí và du lịch khai thác không gian mặt nước và vùng phụ cận, tạo luồng, tuyến du lịch đến một số điểm vui chơi. Nghiên cứu bổ sung hệ thống chiếu sáng trang trí nghệ thuật xung quanh và trên mặt hồ Tây.

Đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ trên hồ Tây, UBND quận dự kiến xây dựng phương án kinh doanh trên hồ Tây theo hướng: Hoạt động văn hóa giải trí trên hồ phục vụ du lịch; giải khát, đồ ăn nhẹ... không gây ô nhiễm môi trường nước hồ. Nghiên cứu cột nước kết hợp với ánh sáng trên hồ Tây nhằm tạo điểm nhấn du lịch, ngắm cảnh và vừa cung cấp nguồn ô xy cho nước hồ, cải thiện môi trường.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn cho biết, nhằm sớm đưa quận Tây Hồ thành trung tâm dịch vụ - du lịch, văn hóa của Thủ đô, quận Tây Hồ đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Phát triển Công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của công nghiệp văn hóa đối với phát triển kinh tế - xã hội của quận. Kết hợp các biện pháp phục hồi du lịch văn hóa với nhiệm vụ phòng, chống dịch, xây dựng hình ảnh Tây Hồ là điểm đến an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn.

MỚI - NÓNG