Một người ủng hộ cầm banner in phác hoạ chân dung lãnh đạo đảng Tiến bước Pita Limjaroenrat ở Bangkok ngày 19/7. (Ảnh: Reuters) |
Nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á rơi vào tình trạng bế tắc về chính trị kể từ cuộc bầu cử hồi tháng 5, khi đảng Tiến bước giành được nhiều phiếu nhất, tiếp nối là Pheu Thai.
Pheu Thai, hiện thân mới nhất của đảng do ông trùm viễn thông Thaksin Shinawatra lập ra, cho biết họ sẽ đề cử doanh nhân Srettha Thavisin trong cuộc bỏ phiếu tại quốc hội ngày 4/8 tới, nhằm thành lập một chính phủ mà không có đảng Tiến bước.
“Sau khi tham khảo ý kiến của đảng Tiến bước, đảng Pheu Thai sẽ rút khỏi quan hệ hợp tác và đề cử bà Srettha Thavisin làm thủ tướng", đảng Pheu Thai thông báo.
Người phát ngôn của đảng Tiến bước cho biết đảng này sẽ phát biểu sau khi các nghị sĩ họp vào cuối ngày 2/8.
Đảng Tiến bước đi đầu trong nỗ lực thành lập chính phủ mới sau cuộc bầu cử ngày 14/5, với sự ủng hộ của đa số cử tri nhằm chấm dứt hơn một thập kỷ lãnh đạo của quân đội và chính phủ do quân đội hậu thuẫn.
Tuy nhiên, hai lần nỗ lực của đảng Tiến bước nhằm đưa ông Pita Limjaroenrat lên làm thủ tướng đều bị Thượng viện do quân đội bầu ra ngăn cản.
Phe bảo thủ không ủng hộ Tiến bước vì chủ trương của đảng này bị giới quân sự bảo hoàng coi là mối đe dọa, nhất là lời hứa sửa đổi Luật Khi quân.
Phó chủ tịch đảng Pheu Thai, ông Phumtham Wechayachai, cho biết chính phủ do đảng của ông lãnh đạo sẽ không ủng hộ việc sửa đổi Luật Khi quân mà sẽ tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế và chính trị.
Chonlanan Srikaew, một nhà lãnh đạo khác của Pheu Thai, nói trong một cuộc họp báo ở Bangkok rằng đảng của ông không có lựa chọn nào khác ngoài việc đoạn tuyệt với đồng minh của mình vì không thể vượt qua phe bảo thủ.
“Pheu Thai đã hỗ trợ đảng Tiến bước hết khả năng của chúng tôi”, Chonlanan nói.