Đằng sau nợ xấu

Đằng sau nợ xấu
TP - Mới đây cơ quan Thanh tra giám sát NHNN cho biết, lợi nhuận năm 2011 của nhiều ngân hàng không cao như công bố, thậm chí có tới 10% số lượng các tổ chức tín dụng thua lỗ.

> Ích kỷ và thiếu trách nhiệm

Ấy vậy mà, điệp khúc “doanh nghiệp lỗ nặng - ngân hàng lãi lớn” vẫn tiếp tục tái diễn ngay trong 6 tháng đầu năm 2012. Một số ngân hàng tiếp tục công bố lãi khủng hàng ngàn tỷ, tăng 14-15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nghịch lý trên đã được nhiều chuyên gia ngân hàng mổ xẻ, làm rõ. Ngoài việc ngân hàng tự đánh bóng tên tuổi, lãnh đạo có lý do để hưởng mức lương khủng còn có nguyên nhân quan trọng liên quan đến việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro.

Con số nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng vừa được Thanh tra giám sát NHNN công bố lên tới 202 ngàn tỷ đồng (8,6%), gần gấp đôi so với con số 117 ngàn tỷ do các ngân hàng tự báo cáo, đang gây bất ngờ và lo lắng trong dư luận.

Liệu tỷ lệ nợ xấu trên đã là con số cuối cùng? “Hành vi không báo cáo trung thực nợ xấu để trích lập dự phòng rủi ro là cực kỳ nguy hiểm cho cả hệ thống ngân hàng” - Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cảnh báo - Bởi một khi hệ thống ngân hàng không có trích lập dự phòng đầy đủ theo đúng quy định, hệ thống đó sẽ thực sự mất an toàn.

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính, tiền tệ Quốc gia đưa ra thông tin đáng lo ngại: hiện mới chỉ có 3 ngân hàng đã thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định.

Hàng trăm ngàn tỷ nợ xấu nói trên từ đâu ra ? Ngoài nguyên nhân khách quan như khủng hoảng kinh tế trên quy mô toàn cầu, còn có câu chuyện của bất động sản, của chứng khoán, mà không ít trong số đó chính là doanh nghiệp sân sau của các ngân hàng.

Tại một hội nghị ngành ngân hàng mới đây ở TPHCM, có doanh nghiệp than “ngân hàng cho vay không khác gì tiệm cầm đồ”, ý nói nghiệp vụ thẩm định, đánh giá dự án thì ít mà chỉ chăm chăm bắt thế chấp tài sản.

Như vậy liệu có chuyện cho vay dễ dãi với các DN sân sau, DN cánh hẩu, song lại khó khăn với các DN nhỏ nhưng làm ăn nghiêm túc? Liệu các ngân hàng đã làm tròn chức năng dẫn vốn, là mạch máu nuôi nền kinh tế phát triển hay lợi nhuận, lợi ích nhóm là mục tiêu trên hết?

Liên quan đến việc giải quyết “cục máu đông” hàng trăm ngàn tỷ nói trên, chuyên gia Bùi Kiến Thành bày tỏ rõ quan điểm “không thể bỏ tiền ngân sách, tức tiền thuế của nhân dân để đi mua nợ xấu của các NHTM. Khi buôn bán có lời thì bỏ túi, giờ buôn bán lỗ thì Nhà nước phải trả, làm sao có chuyện đó được”.

Ông Thành đặt câu hỏi : “Tại sao anh làm ra bao nhiêu nợ xấu mà anh không trích lập dự phòng? Rõ ràng trách nhiệm của anh. Nếu trích nộp dự phòng cho nhà nước thì Nhà nước sẽ lấy đó để giải quyết nợ xấu của anh chứ”. Việc giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động các NHTM, theo ông Thành, có phần trách nhiệm lớn thuộc về NHNN.

Đằng sau con số nợ xấu của các ngân hàng chính là câu chuyện của lợi ích nhóm, câu chuyện của quản lý và trách nhiệm. Và trên hết đó là tiền thuế và tiền tiết kiệm, là niềm tin của nhân dân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG