Việc ngân hàng phải đối mặt với "bẫy thanh khoản" ngoại tệ được các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách (VERP) đưa ra tại lễ công bố Báo cáo thường niên kinh tế 2016, diễn ra sáng 10/5 tại Hà Nội.
Dành một phần nhìn lại bối cảnh kinh tế, phát triển thị trường vốn, tiền tệ, tài sản... năm 2015, báo cáo được Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR trình bày đã đưa ra một số điểm đáng chú ý, trong đó cho rằng việc điều chỉnh chính sách tỷ giá ngoại hối, đặc biệt là việc “rút” lãi suất vay USD về 0% đã khiến hệ thống ngân hàng đối mặt với thách thức.
“Ngay cả khi lãi suất USD được hạ rất thấp, thậm chí về 0% thì người dân vẫn mua đôla hoặc doanh nghiệp vay tiền đồng, chứ không vay USD. Ngân hàng thương mại không thể cho vay đôla dù lãi suất đã hạ rất thấp... Cả hệ thống ngân hàng đối mặt với bẫy thanh khoản ngoại tệ”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.
Và hệ luỵ của “bẫy thanh khoản ngoại tệ” được đề cập chính là việc các nhà băng phải chuyển USD ra nước ngoài để thu lãi, trong khi chờ đợi phá giá. Đây cũng là lý giải cho sự xuất hiện dòng tiền gửi lớn bất thường trong quý III/2015. Theo chuyên gia này, lượng tiền gửi của các ngân hàng thương mại chuyển ra nước ngoài khi đó khoảng 7,3 tỷ USD, nếu tính gộp các khoản.
Lo lắng việc ngoại tệ “chảy” ra nước ngoài và mất tầm kiểm soát, song chuyên gia cũng trấn an: “Việt Nam kiểm soát tài khoản gửi ngoại tệ nên việc người Việt gửi tiền ra nước ngoài là không hề đơn giản. Bạn thử gửi 15 USD ra nước ngoài xem, không hề dễ dàng chút nào. Nhưng ở đây là tiền gửi của các ngân hàng tại nước ngoài để hưởng lãi suất chênh lệch chứ không phải người Việt hay đại gia nào. Các nhà băng lại có “cách” riêng của mình và hoạt động này nằm trong nghiệp vụ tài chính của ngân hàng”. Vị này cho biết tới quý IV/2015, dòng tiền này không “chảy” ra nước ngoài thêm do chính sách của Ngân hàng Nhà nước đã ổn định.
Cho rằng việc gọi hệ thống ngân hàng rơi vào “bẫy thanh khoản ngoại tệ” là chưa chính xác, Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận định việc các ngân hàng Việt gửi 7,3 tỷ USD trong một quý là bình thường do nhu cầu thanh toán xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, nền kinh tế vào cuối năm.
Ông Lực dẫn dụ mỗi năm, riêng “ông lớn” BIDV cần tới 15 tỷ USD để thanh toán xuất nhập khẩu, hay như Vietcombank cần tới 30 tỷ USD... Thêm vào đó, thời điểm quý III/2015, thị trường gặp phải rủi ro tỷ giá cao. “Chúng ta phải điều chỉnh chính sách tỷ giá tới 3 lần, và tâm lý người làm ngân hàng bao giờ cũng cần dự trữ ngoại tệ để đề phòng rủi ro tỷ giá”, ông Lực nói.
Còn chuyện gửi tiền ở nước ngoài, Phó tổng giám đốc BIDV cũng cho rằng, đây là tính toán kinh doanh của bất kỳ doanh nghiệp nào. “Trong khi mức lãi trong nước chỉ 0,25% một năm, rồi giảm về 0% một năm, ở nước ngoài lãi suất 0,5 - 0,6% một năm... thì việc các ngân hàng chọn gửi ở nước ngoài là hết sức bình thường. Làm kinh doanh thì “nước chảy chỗ trũng”, lãi suất ở đâu cao hơn thì gửi”, ông Lực phản biện.
“Theo thống kê của chúng tôi, cuối năm 2015, các ngân hàng vẫn cho vay mạnh ngoại tệ chứ không phải “kìm” lại. Một đồng ngoại tệ huy động vẫn cho vay 1,2 đồng. Như vậy là họ cho vay rất tốt, chứ không phải rơi vào bẫy thanh khoản ngoại tệ như báo cáo đưa ra...”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực chốt lại.
Ngoài câu chuyện tỷ giá, theo nhóm chuyên gia, dự trữ ngoại hối giảm trong năm 2015. Đặc biệt trong quý III, con số giảm lên tới 6,7 tỷ USD. Tỷ lệ dự trữ ngoại hối tính trên tháng nhập khẩu giảm xuống còn 2,1 tháng (dưới mức khuyến nghị của các tổ chức quốc tế là 3-4 tháng).
Tín dụng tăng cao và ổn định hơn năm 2014, đạt 17,3%. Huy động vốn thấp tạo ra chênh lệch cung – cầu, đã đẩy mặt bằng lãi suất tăng cả trên thị trường liên ngân hàng và lãi suất huy động tại các nhà băng thương mại. Năm 2015, cung tiền vẫn tăng chậm, chỉ đạt 16,23%. Tuy nhiên, mức tăng cao hơn các năm trước có thể gây sức ép lên lạm phát 2016. Lãi suất điều hành vẫn giữ ổn định trong năm và hoạt động hút ròng qua kênh tín phiếu diễn ra khá thường xuyên.
Trên cơ sở phân tích các dữ liệu của nền kinh tế năm 2015, các chuyên gia dự báo lạm phát năm 2016 sẽ tăng trở lại, ở mức 4-4,5% do tác động từ giá dầu, giá dịch vụ hành chính công... Tương ứng với mức lạm phát này là tăng trưởng GDP có thể đạt 6,05%. Ở kịch bản “rộng rãi” hơn, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh, tăng trưởng GDP năm 2016 có thể đạt khoảng 6,38%, nhưng khó đạt được 6,5% như mục tiêu đề ra của Quốc hội.
Để đạt được những con số ấn tượng này, chủ biên của báo cáo kiến nghị cần siết chặt kỷ luật tài khoá trong năm 2016 để giảm mức bội chi ngân sách, đồng thời cần có những giải pháp chính sách mạnh mẽ để cắt giảm chi tiêu thường xuyên, đẩy nhanh tiến độ thị trường hoá giá các loại hàng hoá, dịch vụ công.
Ngoài ra, cần kiểm soát tăng trưởng và chất lượng tín dụng, tránh việc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian quá dài, dẫn tới việc hình thành bong bóng tài sản có tính chu kỳ.
Góp quan điểm về công cụ điều hành tín dụng bất động sản, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright nhấn mạnh, nên kiểm soát vốn chảy vào thị trường bất động sản bằng chính sách lãi suất, chứ không phải chính sách hành chính. “Không nên dùng mệnh lệnh hành chính để kiểm toán tín dụng chảy vào bất động sản”, ông Thành lưu ý.
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2016 với chủ đề "Thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng" được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế đứng trước ngưỡng cửa thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020 và đang bước vào một chu kỳ hội nhập quốc tế mới.
Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang suy giảm năng suất liên tục trong 5 năm trước đó. Điều này cho thấy nhu cầu cấp bách phải thiết lập những nền tảng mới, thực sự hữu hiệu, cho tăng trưởng trong trung và dài hạn. Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2016 gồm 7 chương, được cập nhật thông tin và số liệu đến hết tháng 12/2015, một số vấn đề thời sự được cập nhật đến hết quý I/2016.