Đằng sau cuộc duyệt binh hoành tráng của Triều Tiên

Nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông Kim Jong-un, trong lễ duyệt binh nhân kỷ niệm lần thứ 70 ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên. Ảnh: AP.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông Kim Jong-un, trong lễ duyệt binh nhân kỷ niệm lần thứ 70 ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên. Ảnh: AP.
Ông Kim Jong-un xuất hiện với phong thái thoải mái và tự tin đưa ra bài phát biểu được cho là hùng hồn hơn cả các bình luận công khai trước đây.

Ngày 10/10, CHDCND Triều Tiên đã kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng Lao động cầm quyền với màn duyệt binh quân đội quy mô lớn dưới sự chứng kiến của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Hàng nghìn binh sĩ xếp hàng dọc tại quảng trường Kim Nhật Thành- nơi được đặt theo tên của nhà lập quốc Triều Tiên và là ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Đằng sau cuộc duyệt binh hoành tráng của Triều Tiên ảnh 1

Sự kiện này có thể được coi là một trong những màn thể hiện sức mạnh quân sự lớn của Triều Tiên.

Đằng sau cuộc duyệt binh hoành tráng của Triều Tiên ảnh 2

Mặc dù các màn duyệt binh đã trở nên lỗi thời, song màn trình diễn hôm 10/10 có phần hoành tráng hơn sự kiện kỷ niệm tương tự được tổ chức 2 năm trước.

Đằng sau cuộc duyệt binh hoành tráng của Triều Tiên ảnh 3

Ông Kim Jong-un xuất hiện với phong thái thoải mái và tự tin đưa ra bài phát biểu được cho là hùng hồn hơn cả các bình luận công khai trước đây.

Ca ngợi những thắng lợi của các nhà lãnh đạo đi trước và đảng cầm quyền, ông Kim Jong-un nói: “Lực lượng cách mạng vũ trang của đảng mang ý nghĩa rằng chúng ta luôn sẵn sàng chống lại bất kỳ cuộc chiến nào do đế quốc Mỹ phát động”.

Mặc dù Nhà Trắng từ chối đưa ra bình luận song hôm 10/10, Lầu Năm Góc đã kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế hành vi khiêu khích và nói rằng họ đang theo dõi sát sao tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Bill Urban nói: “Chúng tôi vẫn liên lạc thường xuyên với đồng minh Đại Hàn Dân Quốc (ROK) và giữ nguyên cam kết bảo vệ ROK. Những tuyên bố khiêu khích mới đây làm gia tăng căng thẳng và chúng tôi kêu gọi Bình Nhưỡng kiềm chế hành động cũng như phát ngôn đe dọa hòa bình và an ninh khu vực”.

Ông Kim Jong-un không đề cập trực tiếp đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên, điều được cho là động thái ngoại giao hòa giải để kêu gọi Trung Quốc trao cho Bình Nhưỡng ưu đãi kinh tế để đổi lấy việc nước này hạn chế tham vọng hạt nhân.

Sau bài phát biểu của ông Kim Jong-un là màn duyệt binh, đầu tiên là của quân đoàn mặc trang phục của lực lượng cách mạng chiến đấu chống phát xít Nhật Bản thời Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, và sau đó là màn phô trương sức mạnh quân sự.

Màn trình diễn tên lửa đạn đạo liên lục địa là phần nổi bật nhất trong màn phô trương vũ khí, mặc dù hiện vẫn chưa rõ chúng đã được thử nghiệm thành công hay chưa.

Mặc dù các màn duyệt binh đã trở nên lỗi thời, song màn trình diễn hôm 10/10 có phần hoành tráng hơn sự kiện kỷ niệm tương tự được tổ chức 2 năm trước. Đây là dấu hiệu cho thấy việc các xe tăng và tên lửa diễu hành qua trung tâm thủ đô vẫn được chính quyền Triều Tiên coi là cách thu hút sự chú ý.

Tuy nhiên, không một nhà lãnh đạo thế giới nào có mặt tại buổi lễ. Ông Lưu Vân Sơn- nhân vật thứ 5 trong Đảng Cộng sản Trung Quốc- là quan chức nước ngoài cấp cao nhất tham dự sự kiện.

Theo Tân Hoa Xã (THX), trong bức thư được ông Lưu Vân Sơn gửi tới Triều Tiên, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc đánh giá cao tầm quan trọng của mối quan hệ với Triều Tiên. Trung Quốc là đồng minh và đối tác thương mại chính của Triều Tiên, dù quan hệ hai bên cũng cẳng thẳng do chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Bức thư có đoạn: “Trung Quốc cố gắng nuôi dưỡng mối quan hệ song phương từ phạm vi chiến lược và lâu dài… Trung Quốc muốn tìm kiếm sự trao đổi mật thiết hơn và sự hợp tác sâu sắc hơn, thúc đẩy sự phát triển lâu dài, ổn định trong mối quan hệ Trung Quốc- Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái, hàng trên) chủ trì lễ kỷ niệm. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Cũng theo THX, ông Lưu Vân Sơn nói với ông Kim Jong-un rằng Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Triều Tiên để nhanh chóng nối lại vòng đàm phán 6 bên về hạt nhân. Vòng đàm phán này- nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Triều Tiên và cũng có sự tham gia của Mỹ, Hàn Quốc, Nga và Nhật Bản- đã trì hoãn 7 năm trước. Bắc Kinh đã ngày càng lớn tiếng quan ngại về các tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Jin Moo Kim, chuyên gia tại Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc ở Seoul, nói rằng Triều Tiên đã phô trương bệ phóng rocket 300 mm mới, các máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo KN-08, với tầm bắn ước tính 10.000 km đã từng được phô diễn hồi năm 2012.

Chuyên gia Kim cho rằng sự hiện diện của ông Lưu Vân Sơn có thể đã khiến Triều Tiên không hé lộ các vũ khí tối tân nhất của họ. Mặc dù vậy, các nghiên cứu thêm về tên lửa và các vũ khí khác được trình diễn có thể cho các chuyên gia những manh mối về năng lực thực sự của Triều Tiên.

Một số nhà phân tích nước ngoài cũng tin rằng với việc đặc biệt chú trọng tổ chức lễ kỷ niệm thành lập Đảng Lao động trong năm nay với buổi lễ hoành tráng và bài phát biểu dài, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang cố gắng tăng cường vị thế của ông và đảng cầm quyền tương xứng với quy mô quân đội.

Triều Tiên vẫn cho rằng “chính sách quân đội là số 1” là cần thiết để đối phó với các mối đe dọa từ Hàn Quốc và Mỹ, song các quan chức mới đây cũng nhấn mạnh vai trò của đảng trong việc cải thiện đời sống người dân- những người ngày càng nhận thức rằng họ đã bị tụt hậu như thế nào so với những người bà con ở phía Nam của Vùng Phi quân sự và ở Trung Quốc.

Theo Theo Tin tức/TTXVN
MỚI - NÓNG