Đăng ký đóng tàu vỏ thép: Vượt chỉ tiêu

Tàu vỏ thép Sang Fish 01 trong chuyến biển thử nghiệm giữa tháng 8. Ảnh: Nguyễn Huy
Tàu vỏ thép Sang Fish 01 trong chuyến biển thử nghiệm giữa tháng 8. Ảnh: Nguyễn Huy
TP - Gần 2 tuần sau khi Nghị định 67 của Chính phủ về phát triển thủy sản, trong đó cơ chế ưu đãi đột phá về phát triển tàu vỏ thép, đóng mới tàu gỗ công suất lớn… có hiệu lực, chỉ tính riêng các tỉnh, thành miền Trung, nhu cầu đăng ký của ngư dân đã vượt nhiều lần so với chỉ tiêu phân bổ.

Cầm trên tay tập hồ sơ (mẫu đơn đăng ký, đề án hoạt động tàu vỏ thép), anh Trần Văn Mười (37 tuổi, phường Mân Thái, Sơn Trà, Đà Nẵng), chủ tàu gỗ ĐNa 90567, nói: “Tôi suy nghĩ nhiều và quyết định nộp hồ sơ vay vốn ưu đãi theo Nghị định 67”.

Mẫu tàu vỏ thép được đóng mới tại Cty Ứng phó sự cố tràn dầu dịch vụ hàng hải Bảo Duy (gọi tắt là Cty Bảo Duy) ở Sơn Trà, Đà Nẵng. Tàu dài gần 30m, công suất hơn 1.000CV, chuyên hành nghề chụp mực xà đại dương. 

Từng là thuyền trưởng tàu vỏ gỗ chuyên nghề mực xà, anh Phạm Hoàng Thanh Sơn (Thăng Bình, Quảng Nam) tranh thủ thời gian nghỉ chuyến biển trên tàu vỏ thép Sang Fish 01 để nộp hồ sơ đăng ký nhu cầu đóng mới tàu vỏ thép cho riêng mình. 

“Tôi nghiên cứu kỹ về tính năng, cách thức vận hành và trực tiếp đi “học việc” trên tàu Sang Fish 01 của anh Lê Văn Sang (Thuận Phước, Đà Nẵng). Mình làm nghề biển cả đời, cũng mong một ngày được tận tay sở hữu những chiếc tàu thép hiện đại”, anh Sơn tâm sự.

Theo thống kê sơ bộ từ Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng, Sở đã tiếp nhận đơn đăng ký vay vốn đóng mới trên 160 tàu công suất lớn, trong đó, hơn 70 tàu vỏ thép, 80 tàu vỏ gỗ và gần chục tàu dùng vật liệu khác. Chủ yếu là các loại tàu khai thác. 

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đỗ Tám nhận định, số đơn đăng ký sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Tuy nhiên, thành phố hiện chỉ được Bộ NN&PTNT hướng dẫn phân bổ chỉ tiêu 47 chiếc tàu đóng mới theo Nghị định 67. 

Dự kiến, cuối năm 2016 sẽ sơ kết giai đoạn đầu chủ trương này. Đà Nẵng đang đề xuất tăng số chỉ tiêu lên 120 chiếc, trong đó 100 chiếc tàu khai thác, 20 chiếc làm dịch vụ hậu cần. Nhưng con số này cũng khó đáp ứng hết nhu cầu của ngư dân. 

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, Quảng Nam ông Võ Văn Năm, cho hay, huyện Thăng Bình được phân bổ chỉ tiêu khoảng 120 tàu, tuy nhiên, đã có đến cả trăm đơn đăng ký. “Cơ chế, chính sách của Nghị định 67 được đánh giá hợp với những kỳ vọng của người dân nên chắc chắn nhu cầu rất cao”, ông Năm nói. 

Quảng Ngãi hiện có gần 2.700 chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Từ đầu năm đến nay, có khoảng 120 tàu cá công suất lớn (từ 400CV) hạ thủy. Tuy nhiên, phong trào đóng tàu vỏ thép, tàu gỗ công suất lớn vẫn sôi nổi. 

Ông Ngô Văn Hưng, Chi cục phó Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi, cho hay, đơn vị đang phát hành mẫu đơn đăng ký chính thức và hướng dẫn ngư dân lập phương án sản xuất, kinh doanh tàu theo Nghị định 67. Theo khảo sát sơ bộ, số đơn đăng ký đóng mới tàu cá theo diện này lên đến 260, trong khi tỉnh chỉ được phân bổ 189 tàu (174 tàu đánh bắt, 15 tàu hậu cần).

Kiểm loại hồ sơ “phong trào”   

Theo ông Ngô Văn Hưng, Quảng Ngãi vừa họp chuyên đề về triển khai Nghị định 67. Quy trình nộp hồ sơ đòi hỏi ngư dân có đơn, phương án kinh doanh nộp cấp xã phê duyệt sau đó chuyển cấp huyện kiểm duyệt, thẩm định và tiếp tục đến cấp Sở NN&PTNT trước khi được UBND tỉnh ra quyết định. Lực lượng chức năng và ngành ngân hàng cùng “soi” hồ sơ của ngư dân. 

“Nhiều hộ đang nhầm tưởng. Không phải ai làm hồ sơ đăng ký vay vốn ưu đãi đóng tàu cũng được, phải là các ngư dân đang hoạt động khai thác thủy sản có hiệu quả. Ngư dân bỏ biển nay thấy chính sách hay quay lại nghề xin vay vốn ưu đãi cũng không được. Chúng tôi sẽ kiểm loại các hồ sơ hưởng ứng mang tính “phong trào” để chủ trương lớn thực sự đúng người, đúng đối tượng và phát huy hiệu quả”, ông Hưng nói. 

Theo ông Hưng, ngư dân hoàn toàn có quyền quyết định các mẫu tàu vỏ gỗ, vỏ thép (trong khuôn khổ kiểm định), nơi đóng tàu, công suất… Ông Võ Văn Năm nhận định: tùy ngư trường, ngành nghề, ngư dân nên quyết định chọn tàu gỗ, thép hay các vật liệu khác. Với tàu hậu cần, chỉ nên đóng tàu composite vì nhẹ, lướt, nhanh, tiết kiệm chi phí. 

Ông Nguyễn Đỗ Tám cho hay, chỉ tiêu phân bổ thấp, nên việc kiểm duyệt, thẩm định hồ sơ sẽ khắt khe. Đây đang là thời kỳ thí điểm, các mẫu tàu thép lần đầu áp dụng nên đòi hỏi ngư dân phải có kỹ năng, tiềm năng kinh tế, năng suất đánh bắt hiệu quả.

Trước Nghị định 67, Đà Nẵng từng tiên phong triển khai chương trình 7068 hỗ trợ đóng mới tàu cá công suất lớn. Trong đó, tàu 400-600CV được hỗ trợ 500 triệu đồng, 600-800CV hỗ trợ 600 triệu đồng, trên 800CV hỗ trợ 800 triệu đồng; hỗ trợ phí, lệ phí đăng kiểm (khoảng 10 triệu đồng)…

Theo ông Tám, cả hai cơ chế, chính sách này vẫn tiếp tục được triển khai song song, nhưng ngư dân chỉ được chọn 1 trong 2. Năm 2014, Đà Nẵng có khoảng 20-22 trường hợp hỗ trợ diện chương trình 7068.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.