Báo động rối loạn sức khỏe tâm thần học đường

Dang dở tuổi học trò

Bác sĩ thăm khám bệnh nhân điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia. Ảnh: K.N-N.H.
Bác sĩ thăm khám bệnh nhân điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia. Ảnh: K.N-N.H.
TP - Ngồi co mình trong một góc phòng của Bệnh viện Bạch Mai, một số học sinh đang điều trị về rối loạn sức khỏe tâm thần trò chuyện với chúng tôi bằng ánh mắt thất thần.

Bị bắt nạt ở lớp học

Ngồi thu mình một góc ở hành lang của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai), Th. (sinh năm 1997, quê ở Thị xã Tam Điệp, Ninh Bình) vẫn không thôi nghĩ về giấc mơ được phát triển sự nghiệp âm nhạc của mình. Th. được gia đình đưa lên điều trị ở viện cuối năm 2014 khi phát hiện có những biểu hiện rối loạn cảm xúc. Tuy nhiên, sau mỗi đợt điều trị, Th. được về nhà điều trị ngoại trú.

Th. sinh ra trong gia đình có mẹ là giáo viên, bố là bộ đội. Th. kể: “Nhà chỉ có em là con trai nên từ nhỏ được bố mẹ nuông chiều. Em từng rất ngoan, muốn gì được nấy. Nhưng rồi không hiểu sao thi thoảng, em không làm chủ được hành vi của mình. Lần gần đây nhất em chỉ nhớ mình đi ngủ, vậy mà khi tỉnh dậy đã nằm trong bệnh viện”. Theo tìm hiểu, Th. giấu hung khí trong ba lô rồi đi gây rối trật tự ở ngoài đường. Sau chuyện đó, Th. được gia đình đưa lên nhập viện.

Kể lại quãng thời gian tuổi học trò của mình, Th. cho biết, khi đến lớp thường xuyên bị các bạn bắt nạt. Th. thường âm thầm chịu đựng nhưng khi ức quá cũng đánh trả các bạn. Th. thường xem phim kinh dị với nhiều cảnh chém giết nên nhiều đêm bị ám ảnh, mất ngủ. Căng thẳng, kết quả học tập sa sút. “Biết bố mẹ kỳ vọng rất nhiều nhưng bản thân không đạt được, em đã dày vò mình nhiều lắm”, Th. tâm sự.

Chị G, mẹ Th. không kìm được những giọt nước mắt khi kể về con trai. Chị kể, từ nhỏ Th. vốn là đứa trẻ ngoan, có năng khiếu nghệ thuật. Mỗi khi trường có hoạt động tập thể nào, Th. tích cực tham gia rất vui vẻ. Tuy nhiên, đầu năm lớp 12, Th. vấp cú sốc khi mối tình đầu với cô bạn cùng lớp tan vỡ. Khi đó chị nhận thấy tâm tính, cảm xúc của con thay đổi. “Lắm lúc, bị ức chế, căng thẳng một điều gì đó Th. lại không kiểm soát được hành vi của mình. Th. cầm bất cứ vật gì rượt đuổi những người xung quanh. Khi đó, mẹ chỉ biết chạy trốn và sợ hãi”, chị G. nói.

Chị G. tâm sự, khi nhỏ, một đôi lần Th. bị lên cơn co giật. Vợ chồng bận đi làm, giao con cho giúp việc, khi về cũng không phát hiện con có tổn thương gì. Nhiều lần mang con đến các viện để điện não đồ đều không phát hiện tổn thương nên cũng yên tâm. “Cho đến gần đây, khi vào Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, bác sỹ kết luận con bị “biến đổi nhân cách”, gia đình mới choáng váng không hiểu nguyên nhân”, chị G. nghẹn ngào.

Phát bệnh vì học quá nhiều

X. là học sinh lớp 10 tại một trường của huyện Yên Mỹ (Hưng Yên). Mẹ X. cho biết, cả tuần em đi học, hết học ở trường lại đi học thêm, chỉ mỗi chiều thứ Bảy là được nghỉ. Mỗi khi đi học về, X. thường kêu đau đầu, chóng mặt, nhưng buổi tối vẫn đóng kín cửa để học bài. Gần đây, nghe tiếng X. nói lầm rầm đến khuya, người mẹ nghĩ con mình đang học bài nên để yên. Chẳng ngờ trong một bữa cơm, cả nhà phát hoảng khi thấy X. bỗng lẩm bẩm như người đang học bài, chẳng chịu ăn. Đưa con đến bệnh viện khám, X. được chẩn đoán bị rối loạn tâm thần. X. phải nghỉ học, được gia đình đưa đi điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần. Sau  một tháng, hiện bệnh X. đã có tiến triển, bớt nói lảm nhảm, ăn uống bắt đầu bình thường.

Khi bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia đưa chúng tôi vào thăm H. (24 tuổi, quê Nghệ An), bệnh nhân này co rúm người, nói lắp bắp: “Em biết lỗi rồi, em sẽ không thế nữa”. Bác sĩ Dũng vội đến bên vỗ về, an ủi. Lỗi mà H. nói ở đây chính là việc học tập quá nhiều, dẫn đến cuồng chữ. Trước đây H. học giỏi, nhưng thi trượt đại học, về sau trúng tuyển vào một trường trung cấp y. Ám ảnh bởi trước đây mình học chăm nhưng vẫn trượt đại học, H. lao vào học rất chăm chỉ, sau tốt nghiệp y sĩ đa khoa vào loại xuất sắc. Nhưng thời gian gần đây, H. thường xuyên kêu chóng mặt, nhìn lên bức tường luôn có cảm giác thấy những dòng chữ nhảy múa trên trang sách. “H. nhập viện đến nay được một tháng, đã bớt kêu đau đầu và nói không thấy chữ nhảy múa nữa”, bác sĩ Dũng cho biết.

L., quê Hải Phòng, học năm thứ 3 một trường nghệ thuật là trường hợp đặc biệt khác. Một ngày, L. bỗng mắc chứng hoang tưởng, lúc nào cũng tự coi mình là thần thánh, khi thì bảo mình là Lý Tiểu Long. Thỉnh thoảng L. lại múa hát, đánh võ rồi la hét. “Bố mẹ sau đó cho em đi gặp thầy để chữa bệnh, được thầy cúng bái rồi đưa cho em một chiếc dây này để đeo vào cổ”. L. vừa kể vừa kéo chiếc dây xỉn màu ra khỏi cổ khoe. Khi được hỏi: “Thế vì sao bây giờ em lại vào đây?”- L. ngẩn ngơ rồi trả lời: “Em không rõ nữa, hình như bệnh không đỡ”. “Thế bây giờ còn muốn trở thành Lý Tiểu Long không?”- “Em chán rồi”, L. đáp.

MỚI - NÓNG