Tại hội thảo “Sức khỏe tâm thần, bằng chứng từ các nghiên cứu ở cộng đồng người Việt Nam” tổ chức tại ĐH Y dược Huế ngày 9, 10/1 vừa qua, nhóm nghiên cứu của GS. Michael P. Dunne (Viện Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng ĐH Y Dược Huế, Trường Y tế công cộng và Công tác xã hội, ĐH Công nghệ Queensland) và Phạm Thị Thu Ba (Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD-ĐT) đã trình bày tham luận "Học sinh THPT Việt Nam, học bao nhiêu là quá nhiều?" thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học, HS và phụ huynh.
“Học thêm (còn được biết là học kèm/học gia sư và học thêm tại các trung tâm) là một hình thức học tập bổ trợ phổ biến trong HS Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Hiệu quả của việc học thêm và ảnh hưởng của việc học thêm quá nhiều là vấn đề được xã hội quan tâm và cũng là vấn đề gây tranh cãi tại các quốc gia châu Á” - GS Michael P.Dunne cho biết.
Theo đó, trong 2 năm, nhóm đã phỏng vấn sâu và điều tra bằng bộ câu hỏi, nghiên cứu chú trọng vào các đặc điểm của gánh nặng học thêm, những mối liên quan giữa học thêm và áp lực học tập, triệu chứng trầm cảm và lo lắng trên 1.600 HS cấp 3 ở 3 tỉnh thành là Hà Nội, Thừa Thiên - Huế và Cần Thơ.
Kết quả đã chỉ ra, 94% HS Việt Nam trả lời có học thêm, tỷ lệ này cao hơn tỷ lệ HS học thêm ở hầu hết các nước Đông Nam Á. HS ở thành thị, có cha mẹ có trình độ học vấn cao thì học thêm nhiều hơn, đặc biệt là học kèm gia sư.
Học thêm là một yếu tố quan trọng góp phần nâng cao thành tích học tập của HS (trong nghiên cứu đo bằng điểm trung bình môn học do HS tự báo cáo là Toán, Ngữ Văn và Ngoại ngữ). Nhưng điểm hạn chế của hiệu quả học thêm là: Điểm trung bình môn học cao hơn khi HS học thêm đến 2 giờ/ngày - nếu trên 2 giờ/ngày thì điểm sẽ không có cao hơn đáng kể.
Một kết quả rất thú vị là HS học thêm trung bình 2-3 giờ/ngày có sức khỏe tâm thần tốt nhất (có triệu chứng trầm cảm và lo lắng ít nhất). HS không học thêm hoặc học thêm nhiều hơn 3 giờ/ngày có sức khỏe tâm thần kém hơn như có nhiều triệu chứng trầm cảm, lo lắng. Tự học là cách học bổ trợ sau giờ học chính khóa hữu hiệu nhất so với đi học thêm.
“Rất nhiều HS thực hành cả 3 hình thức học tập bổ trợ sau giờ học chính khóa (tự học tại nhà, đi học thêm và học kèm gia sư). Đây là nghiên cứu đầu tiên phát hiện ra rằng với HS mà việc học bổ trợ sau giờ học chính khóa chủ yếu là đi học thêm thì không có điểm trung bình môn học cao hơn mà lại có sức khỏe tâm thần kém hơn đáng kể. Hơn nữa, HS có sức khỏe tâm thần kém nhất là những HS vừa đi học thêm và học kèm gia sư” - GS Michael P.Dunnne lưu ý nhấn mạnh.
Điểm cuối là các kết quả của cuộc nghiên cứu này cho thấy rằng: Cân bằng giữa tự học ở nhà và đi học thêm/học kèm gia sư là quan trọng. HS mà thời gian học bổ trợ sau giờ học chính khóa chủ yếu là đi học thêm (hơn 2/3 tổng thời gian học bổ trợ) có nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần hơn HS chủ yếu là tự học - hoặc cân bằng thời gian tự học và đi học thêm/học kèm gia sư.
Ngoài ra, một phát hiện quan trọng khác nữa là nhóm HS không hoặc học bổ trợ ít và có điểm trung bình môn học thấp thì có vấn đề về tâm lý như trầm cảm và lo lắng. Do vậy, việc tư vấn và hỗ trợ những HS này là cần thiết.
GS Michael P. Dunne cho rằng kết quả nghiên cứu có thể là thông tin tham khảo hữu hiệu cho HS cấp 3 và phụ huynh. Từ đó làm cơ sở cho câu hỏi “Phụ huynh sẽ quyết định như thế nào về việc học thêm cho con em để có hiệu quả cao nhất?”.
“Trên thực tế, nhiều phụ huynh cho con đi học thêm từ mẫu giáo. Đã có một nền công nghiệp dạy thêm ở Việt Nam. Nghiên cứu chỉ ra bằng chứng: nhóm học sinh có sức khỏe tâm thần xấu nhất là do đi học thêm quá nhiều sau giờ học; nhóm có sức khỏe tâm thần tốt nhất là cân bằng giữa việc học thêm và tự học” - GS Michael P. Dunne