Đảng bộ Hà Nội xem xét Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (khóa XVII) sẽ xem xét nhiều nội dung quan trọng liên quan đến sửa đổi Luật Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 .

Chiều 23/2, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (khóa XVII) tiến hành Hội nghị lần thứ 7 xem xét, cho ý kiến một số nội dung quan trọng.

Hội nghị này xem xét, cho ý kiến về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong giai đoạn 2011-2020; Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô và báo cáo tổng hợp đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); Báo cáo rà soát, đánh giá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt và định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với định hướng phát triển đô thị thành phố Hà Nội; sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy khóa XVII.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh và gợi ý một số nội dung để các đại biểu nghiên cứu, thảo luận, xem xét và quyết định những vấn đề quan trọng được trình tại Hội nghị.

Về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô trong giai đoạn 2011- 2020, Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung thảo luận, tham gia đóng góp cụ thể vào báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết, đặc biệt cần đánh giá kỹ vào những nguyên nhân chủ quan, khách quan của 6 nhóm hạn chế, yếu kém; từ đó bàn kỹ, bàn sâu về các quan điểm và 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó, nhận định và đưa ra được những vấn đề có tính đột phá, những nội dung gì của dự thảo Nghị quyết mới này có tính vượt trội về cơ chế, chính sách, về phân cấp, ủy quyền cho Thủ đô, để Thủ đô thực sự là nơi hội tụ các nguồn lực, là động lực dẫn dắt, đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng trong cả nước...

Đảng bộ Hà Nội xem xét Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô ảnh 1

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Viết Thành

Đối với Báo cáo đánh giá tình hình thi hành Luật Thủ đô năm 2012 và đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu góp ý thẳng vào các chính sách, giải pháp được đề xuất nhằm hoàn thiện cơ bản Luật Thủ đô sửa đổi, tạo thể chế đặc thù, vượt trội, thuận lợi cho Thủ đô phát triển trong giai đoạn 10 năm tới và những năm tiếp theo.

Về định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn với quy hoạch thành phố Hà Nội và định hướng phát triển đô thị thành phố Hà Nội, ông Đinh Tiến Dũng đề nghị tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá và tham gia cụ thể về những mục tiêu, quan điểm, định hướng và các giải pháp trọng tâm, nhất là 5 định hướng chính được Ban Cán sự đảng UBND thành phố nhấn mạnh trong báo cáo, cụ thể là: Nghiên cứu định hướng dự báo dân số; nghiên cứu định hướng mô hình “Thành phố trong thành phố” tại khu vực phía Bắc và phía Tây thành phố; nghiên cứu định hướng cấu trúc không gian lấy trục sông Hồng là trục xanh làm trung tâm; nghiên cứu định hướng phát triển đô thị hai bên trục đường Vành đai 4; nghiên cứu định hướng sân bay thứ hai cho vùng Thủ đô Hà Nội tại khu vực phía Nam Hà Nội.

Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy khóa XVII, Bí thư Thành ủy cho biết, những đề xuất sửa đổi, bổ sung chủ yếu gồm các nội dung cho chủ trương thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy liên quan đến công tác quy hoạch; chủ trương đối với một số dự án đầu tư; những cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND thành phố và việc sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Trung ương và địa phương; tham gia ý kiến của Thành ủy về các chương trình, kế hoạch, báo cáo, đề án… do các ban, bộ, ngành trung ương đề nghị.

Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, những vấn đề trình hội nghị lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển của Thủ đô Hà Nội không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cho nhiều năm tiếp theo.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.