Dàn vũ khí 'khủng' Nga để lại Syria sau khi rút quân

Một phi đội Su-24 sẽ tiếp tục hiện diện tại căn cứ Khmeimim, Syria và không kích khủng bố. Ảnh: RIA Novosti.
Một phi đội Su-24 sẽ tiếp tục hiện diện tại căn cứ Khmeimim, Syria và không kích khủng bố. Ảnh: RIA Novosti.
Sau khi phần lớn lực lượng Nga tại Syria về nước theo lệnh của Tổng thống Putin, vẫn sẽ còn khoảng 2000 quân nhân, gần 20 chiến đấu cơ, các hệ thống phòng không tối tân S-400, Pantsir-S1 cùng nhiều trực thăng tấn công sẵn sàng ứng phó mọi mối đe dọa.

Theo hãng tin Sputnik, toàn bộ lực lượng còn lại được tập trung tại căn cứ không quân Hmeymim, tại Syria. Lực lượng này được tin là đủ sức tiếp tục thực thi nhiều nhiệm vụ, bao gồm tấn công khủng bố, hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar Assad và kiểm soát khu vực.

Phát biểu trong một cuộc họp báo tuần này, Tổng thống Putin cho biết số cuộc xuất kích của Không quân Nga tại Syria đã giảm từ 60-80 lượt/ngày xuống còn 20 lượt. Ông cũng khẳng định lực lượng còn lại đủ khả năng hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, một phi đội máy bay ném bom chiến thuật Su-24, gồm từ 9-12 chiếc, sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ. Đây là lực lượng chịu trách nhiệm chính trong các chiến dịch không kích của Nga.

Ngoài ra, các chiến đấu cơ tối tân Su-30 và Su-35 sẽ tiếp tục hiện diện tại Hmeymim để làm nhiệm vụ cảnh giới trên không, một nguồn tin Bộ quốc phòng Nga khẳng định với tờ Vedomosti.

Dàn vũ khí 'khủng' Nga để lại Syria sau khi rút quân ảnh 1 Những chiếc Su-30 làm nhiệm vụ cảnh giới trên không tiếp tục bám trụ tại Syria. Ảnh: Sputnik.

Trước đó hôm 31/1, Bộ quốc phòng Nga cho biết 4 chiếc Su-35 đã được điều tới Syria. Đến nay chưa có thông tin về việc các chiến đấu cơ này được đưa về nước.

Ngoài ra, Nga sẽ tiếp tục duy trì các hệ thống tên lửa phòng không tại Syria. “Lực lượng phòng không Nga sẽ tiếp tục nhiệm vụ tác chiến tại Syria, và sẽ được triển khai trước mọi mục tiêu có thể đe dọa lực lượng Nga”, Tổng thống Putin khẳng định.

Cụ thể, một tổ hợp tên lửa tầm trung và xa S-400 cùng hệ thống phòng không Pantsir-S1 sẽ bám trụ tại Syria. Pantsir-S1 hay SA-22 Greyhound theo cách gọi của NATO, là hệ thống phòng không tầm ngắn và trung, có thể bắn hạ mục tiêu tại độ cao từ 5m đến 10.000m, với tầm bắn từ 200m đến 20.000m. Theo kênh RT, giá của mỗi hệ thống như vậy dao động từ 13-15,5 triệu USD.

Các trực thăng chiến đấu Ka-52 và Mi-28N cũng được nhìn thấy xuất hiện quanh căn cứ Hmeymim, nhưng số lượng chính xác không được công bố.

Dàn vũ khí 'khủng' Nga để lại Syria sau khi rút quân ảnh 2 Hệ thống phòng không tầm gần và tầm trung Pantsir-S1. Ảnh: Sputnik.

Nhà phân tích quân sự Viktor Litovkin khẳng định lực lượng trên là đủ để Nga thực hiện nhiều mục tiêu, trong đó có các mục tiêu chính như không kích các phần tử khủng bố, hỗ trợ quân đội Syria và các đồng minh, kiểm soát không phận trong khu vực.

“Toàn bộ 3 loại chiến đấu cơ đó đều có khả năng thực hiện các cuộc không kích khủng bố. Tuy nhiên Su-24 không được thiết kế để chiến đấu trên không, và cần có sự hỗ trợ của các chiến đấu cơ khác”, ông Litovkin trả lời tờ RBK.

Chuyên gia Ruslan Pukhov, giám đốc Trung tâm phân tích Chiến lược và Công nghệ thì tin rằng, hệ thống S-400 được duy trì tại căn cứ Hmeymim không những có thể lập vùng cấm bay bên trên căn cứ này, mà còn có thể bao phủ toàn bộ tỉnh Latakia, nơi phần lớn quân đội Syria đồn trú.

Dàn vũ khí 'khủng' Nga để lại Syria sau khi rút quân ảnh 3

Tổ hợp tên lửa phòng không tối tân S-400 tại căn cứ Hmeymim có tầm bắn 400km. Ảnh: Sputnik.

S-400 có thể bắt mục tiêu từ khoảng cách 600km và tiêu diệt ở cự ly 400km. “Trong bán kính đó, mọi máy bay đều có thể bị theo dõi và sau đó bị chiến đấu cơ áp giải”, ông Pukhov giải thích.

Trong khi đó, các trực thăng tấn công có thể được sử dụng để tiêu diệt những nhóm nhỏ đối phương cùng các mục tiêu bọc thép mà máy bay ném bom không thể tiêu diệt. “Ka-52 và Mi-28N được trang bị các tên lửa chống tăng Vikhr và Ataka, cùng với một đại bác 30mm”, vị chuyên gia cho biết thêm.

Về nhân sự, một căn cứ như Hmeymim cần khoảng 2000 người để vận hành, trong đó có khoảng 200-300 chuyên gia dân sự, đảm nhận các công việc bảo trì, bảo dưỡng máy bay.

Cả hai vị chuyên gia đều tin rằng số lượng nhân sự này là đủ để thực hiện các nhiệm vụ được giao. “Khi các cuộc đàm phán hòa bình diễn ra, cường độ các cuộc giao tranh đã giảm xuống. Đó là lí do vì sao lực lượng Nga hiện có tại Syria là đủ”, ông Litovkin nói.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG