Dân sống tạm bợ bên lề công trình trọng điểm quốc gia

Dân sống tạm bợ bên lề công trình trọng điểm quốc gia
TP- Những nông dân bị giải tỏa, thu hồi đất để xây dựng Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau vẫn sống tạm bợ suốt 5 năm qua. Những hộ bị giải tỏa trắng, nhường đất cho dự án cầu Cần Thơ được đưa vào các khu tái định cư nhưng đến nay vẫn rất hiu hắt.

Cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau khởi công ngày 10/3/2002. Hơn 170 hộ dân dời vô khu tái định cư tạm bên cạnh công trường, thuộc ấp 1, xã Khánh An (U Minh, Cà Mau). Những căn nhà liền kề, điện sáng choang, nước máy dồi dào nhưng chuyện kiếm miếng cơm manh áo của các hộ nông dân bấp bênh, suốt 5 năm qua.

Ông Đặng Công Tâm bị thu hồi 3,5 ha đất. Ông có 9 người con, được tái định cư tạm 4 căn nhà. Vợ chồng ông xuống huyện Cái Nước nuôi tôm, 4 căn nhà chia cho các con ở và nay các con của ông đã cho thuê lại 3 căn.

Vợ chồng anh Đặng Văn Tùng - con trai đầu của ông Tâm, sau khi đem nhà cho thuê đã cơi nới túp lều bên cạnh để ở. Anh Tùng tâm sự: “Tôi học lớp 4, không tay nghề, chỉ biết giăng lưới, cắm câu, còn vợ tôi bán quán cóc với 2 đứa con còn nhỏ đã nghỉ học. Cho thuê căn nhà kiếm một triệu đồng/tháng”.

Cty đầu tư cơ sở  hạ tầng Khánh An vừa thông báo giá bán nhà hoặc cho thuê nhà khu tái định cư tạm, dứt điểm cuối năm 2007. Ông Nguyễn Văn Phước, một người dân được tái định cư tạm, kêu trời: “Gia đình tôi làm gì còn tiền mà mua hoặc thuê nhà. 5 năm ở tạm thành trắng tay rồi!”.

Trong lúc Khu tái định cư Khánh An (Khu A) chỉ có 5 hộ dân cất nhà để ở. Ngôi nhà của bà Lê Thị Đính, 60 tuổi, đã rách nát. Bà Đính cùng 7 đứa con chưa gia đình, được giao 2 nền với giá 54 triệu đồng.

Bà Đính tâm sự: “Hơn 5 năm bà cất nhà ở đây chỉ có ăn mà không làm gì được. Điện kéo trước mặt nhà nhưng vẫn thắp đèn dầu vì chưa có tiền vô điện”.

Con trai của bà Đính là Nguyễn Văn Huyền, 26 tuổi, làm thuê cho các đơn vị thi công Khu tái định cư Khánh An. Huyền tâm sự: “Tôi đã 3 lần nộp đơn xin vào làm ở Cụm Khí - Điện- Đạm Cà Mau cho ổn định nhưng chưa được”.

Gần với bà Đính có căn nhà lá của ông Lê Văn Bồng, 61 tuổi. Ông Bồng thú thật: “Tôi bị giải tỏa 27 công đất, nhận tiền bồi thường 300 triệu đồng, phải chia đều cho các con. Gia đình tôi được giao 5 nền nhà tái định cư nhưng không có tiền đành cất nhà lá ở tạm!”.

Từ Khu tái định cư Khánh An đi vào Khu định canh không xa nhưng phải lội sình, đạp cỏ mà đi. Khu tái định canh có 87 hộ dân bị giải tỏa từ Cụm khí- điện- đạm Cà Mau nhận đất. Trong đó, có 42 lô đất ở, 70 lô đất sản xuất.

Ông Trần Quốc Phú là Tổ trưởng tổ sản xuất thí điểm ở đây, kể: “Tôi làm 10 công ruộng mà chỉ gặt được 30 giạ lúa lép. Cá đồng thả nuôi nhưng không chịu ở. Tôi bỏ về hơn một năm rồi, không thèm vô nữa. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hứa cho con giống mà không thấy. Chính quyền hứa kéo điện, vô nước cho dân cũng chỉ hứa suông”.

Hiu hắt đầu cầu Cần Thơ 

Dân sống tạm bợ bên lề công trình trọng điểm quốc gia ảnh 1

Hiu hắt khu tái định cư của cầu Cần Thơ ở phường Hưng Phú (Cái Răng, Cần Thơ). Ảnh: Kiến Giang.

PV Tiền phong đến khu tái định cư cho dân bị giải tỏa để xây cầu Cần Thơ phía bờ Vĩnh Long thuộc xã Đông Bình (Bình Minh, Vĩnh Long). Con đường trải đá dăm gồ ghề, hai bên từng đàn bò gặm cỏ. Khu tái định cũ đìu hiu như một bãi đất hoang.

Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Bình cho biết: Khu này hoàn thành năm 2002 có hơn 200 nền nhà cấp cho các hộ dân. Đến nay, chỉ có 20 hộ vào ở. Không có hệ thống xử lý nước thải, chẳng ai dám ở.

Anh Nguyễn Văn Hẳn, 40 tuổi, bị thu hồi 3 công đất ở ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Hòa, cất nhà ở đây, đang ngồi trong quán cóc bên đường, nói: “Cất nhà để chơi chớ có sống được gì đâu. Ngồi không mỗi ngày “ăn” hết mấy chục mét đất rồi”.

Khu tái định cư cho những hộ dân bị thu hồi đất để xây cầu Cần Thơ phía TP Cần Thơ nằm tại phường Hưng Phú (Cái Răng). Tổng cộng gần 200 nền nhưng đến nay mới 15 căn nhà được cất lên, 4 căn trong số đó đang rao bán.

Ông Nguyễn Minh Thuận, chủ nhân một căn nhà cho biết, nền đất tái định cư cấp cho bà con đã được bán lại gần hết rồi, bán cho người mua để dành, giá từ 100 đến 150 triệu đồng/ nền (60m2), cá biệt có người bán như bán lúa non chỉ với giá chưa đầy 20 triệu đồng/nền.

Bà Đoàn Thị Nết cũng ở khu tái định cư kể: Gia đình bà có 7 người, vào ở từ năm 2002. Nhà bà nhận được 40 triệu đồng tiền bồi hoàn, cất cái nhà nửa tôn nửa lá hết 17 triệu đồng. Hiện 5 người con của bà đi làm phụ hồ. Riêng bà mở quán nhỏ bán nước nhưng chẳng có khách.

Bà nói: “Hồi trước có ruộng vườn làm ăn, bây giờ vào đây không biết làm nghề gì”.

Ông Nguyễn Hữu Xuân, Chủ tịch UBND phường Hưng Phú cho biết, Sở  Lao động - Thương binh & Xã hội có chương trình đào tạo nghề cho con em các gia đình trong những khu tái định cư, nhưng học xong lại khó kiếm việc làm. Vậy nên dù có cho mỗi học viên 10.000 đồng/ngày học cũng không có nhiều người học.

MỚI - NÓNG