Dân 'lôi' chủ tịch xã đi bộ 20 km đòi công an thả người

Những bè cá ở xã Quang Húc trên sông Bứa mang lại kinh tế cao cho người dân
Những bè cá ở xã Quang Húc trên sông Bứa mang lại kinh tế cao cho người dân
TP - Sự việc người dân “lôi” chủ tịch xã lên huyện cùng đòi công an thả người bị bắt vì tội “cưỡng đoạt tài sản” đã nói lên thiếu sót của chính quyền và các sở ngành liên quan khi cấp phép khai thác cát sỏi trên sông Bứa (Tam Nông, Phú Thọ).

Chủ tịch xã cuốc bộ 20 cây số cùng dân lên huyện


Một chuyện xảy ra đầu tháng 5/2014 gây chấn động vùng quê. Chủ tịch xã Tề Lễ (huyện Tam Nông, Phú Thọ) cuốc bộ cùng cả ngàn người dân từ sân trụ sở xã lên huyện cách đó gần… 20km để đề nghị công an thả anh Nguyễn Công Thức, ở xã Tề Lễ, bị bắt trước đó ít ngày.

Anh Thức bị bắt vì “cưỡng đoạt tài sản” khi nhận 5 triệu đồng của ông Nguyễn Ngọc Thể, Giám đốc Cty TNHH Sông Vàng khai thác cát sỏi trên sông Bứa. Bãi trồng cỏ sữa và lạc nhà anh Thức bị sạt lở vì luồng lạch khai thác. Khi anh Thức đang nhận 5 triệu đồng của ông Thể thì bị công an bắt quả tang. Người thân cho rằng anh Thức bị doanh nghiệp “bẫy” đó là tiền bồi thường chứ không phải cưỡng đoạt (?).

Ngay sau đó, tỉnh Phú Thọ chỉ đạo nhiều cơ quan chức năng vào cuộc. Người dân viết đơn lên huyện, lên tỉnh nói rõ bãi hoa màu ổn định canh tác bao năm nay đang nguy cơ bị nước sông “liếm” mất vì luồng lạch do Cty Sông Vàng khai thác gây nên. Cán bộ xã trưng ra nhiều bằng chứng và biên bản xử phạt Sông Vàng vì khai thác gây sạt lở.

Người dân đưa PV Tiền Phong ra mép bãi lở nói từ ngày xuất hiện khai thác cát sỏi thì bãi lở lói khắp nơi, đến nỗi rặng tre rễ bám chắc ven sông cũng bị cuốn phăng. Xóm nhỏ cũng chả ưa gì xe tải hồng hộc suốt đêm ngày chở cát sỏi vương vãi cuốn bụi rú máy qua đường làng. Những lá đơn kiến nghị trong làng đồng loạt gửi lên tỉnh, rằng nhất định phải trả lại bình an cho sông Bứa.

Năm 2010, Cty Sông Vàng từng bị xử phạt hành chính 2 triệu đồng vì gây sạt lở do tàu hút cát ven bờ. Năm 2013, Cty lại bị lập biên bản xác định sạt lở đến cả trăm mét.

Con cá và hạt cát

Dọc tuyến sông Bứa chảy qua, ở xã Quang Húc (cạnh xã Tề Lễ), hai năm nay đang phát triển nghề nuôi cá lồng. Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản của chính nông dân trong xã thành lập ở cái làng nghèo sơn cước ven sông như gieo lên một sức sống mới. Đoạn sông nhỏ hẹp trải dài hàng chục bè cá, mỗi bè khoảng 10-20 lồng nuôi cá diêu hồng, cá lăng. Cá nuôi ở sông này thịt rất thơm và chắc, dân ở Việt Trì, Vĩnh Phúc, Hà Nội và cả Hưng Yên gần đây luôn tìm đến.

Nhưng trước khi những lồng cá được đầu tư đến cả tiền tỷ nơi đây, đoạn sông đã được cấp phép khai thác cát sỏi cho Cty TNHH Trung Thành. Âm ỉ một mâu thuẫn quyền lợi đang nguy cơ bùng lên khi bè cá chiếm diện tích khai thác của doanh nghiệp, còn doanh khiệp mỗi khi khai thác thì làm đục nước, thải dầu ảnh hưởng việc nuôi cá.

Anh Vũ Văn Hiệp, một nông dân xã Quang Húc đã đầu tư hàng tỷ đồng nuôi cá ở đây cho biết, nhà anh có hàng chục lồng cá (mỗi lồng có doanh thu từ 500 triệu - 1 tỷ đồng) và đang làm ăn có lãi trông thấy. Chính anh là người đầu tiên về tận Hưng Yên học nuôi cá lồng để mang nghề về quê hương, từ đó hàng chục người làng theo anh lên ngân hàng vay vốn cùng ra sông phát triển nghề này. Vốn đầu tư quá lớn mà nguy cơ rủi ro cũng không nhỏ. “Nước bị vẩn đục, bị dầu thải, cá nào sống nổi. Đầu tư thế này mà cá chết thì sạt nghiệp!” - anh Hiệp lo âu.

Chủ tịch huyện Tam Nông, ông Bùi Đình Thi, cho biết quyền lợi hợp pháp của người dân là trên hết. Xã nghèo Quang Húc đã tạo được một vùng sản xuất có thu nhập cao mà vẫn giữ được môi trường tự nhiên sạch, lại đứng trước mục tiêu cán đích xây dựng nông thôn mới vào năm 2018, lẽ nào chính quyền không lưu tâm, tiếp sức! 

Trao đổi với Tiền Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết đã chỉ đạo tổng rà soát, đánh giá, kiểm tra tất cả doanh nghiệp khai thác khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát sỏi, trong toàn tỉnh. Việc cấp phép hoặc thu hồi giấy phép đang được thực hiện rất chặt chẽ, nghiêm khắc để tránh những hậu quả đáng tiếc về môi trường, thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Thiết nghĩ vì quyền lợi của người dân, vì những tác động xấu đến môi trường, và đặc biệt cần đảm bảo an ninh nông thôn, hai Cty (Sông Vàng và Trung Thành) cần được xem xét chấm dứt khai thác tại đoạn sông Bứa chảy qua huyện Tam Nông.

UBND tỉnh Phú Thọ đã kịp thời ra văn bản tạm đình chỉ khai thác của Cty Sông Vàng trên sông Bứa. Công an huyện Tam Nông đã cho anh Thức tại ngoại sau ngày dân kéo lên huyện. Nhưng Công an tỉnh cho biết vẫn sẽ xử lý nghiêm hành vi có dấu hiệu hình sự liên quan anh Thức.


MỚI - NÓNG