Đảm bảo cấp điện ổn định cho Miền Nam

Triển khai xây dựng lưới điện phân phối khu vực miền Nam. Ảnh: Đình Hoàng
Triển khai xây dựng lưới điện phân phối khu vực miền Nam. Ảnh: Đình Hoàng
TP - Miền Nam đang bước vào giai đoạn nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), đơn vị quản lý lưới điện phân phối 21 tỉnh thành phía Nam, tập trung triển khai nhiều phương án để đảm bảo ổn định sản xuất, sinh hoạt của người dân toàn khu vực.

Căng thẳng nhưng không cắt cúp

Ông Lê Xuân Thái - Trưởng Ban quan hệ cộng đồng EVN SPC, cho biết, công suất đỉnh trong tháng 4 này (cũng là cao nhất từ đầu năm 2014 đến nay) là 6.942 MW, cao hơn công suất đỉnh cùng thời điểm năm 2013 13,8%.

Ông Quách Lâm Hưng - Trưởng Ban Kỹ thuật sản xuất của EVN SPC dự báo, công suất đỉnh phụ tải của EVN SPC trong mùa khô năm nay có thể đạt tới 7.147 MW. “Với phụ tải như dự báo, hệ thống điện truyền tải sẽ vận hành căng thẳng do phải truyền tải công suất cao” - ông Hưng đánh giá.

Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng, mặc dù nguồn điện khó khăn và hệ thống điện vận hành căng thẳng, nhưng không điều hòa tiết giảm phụ tải. Để đảm bảo cấp điện cho phụ tải khu vực miền Nam, trong năm 2013 EVN đã hoàn thành nhiều hạng mục quan trọng như: đường dây 220kV Phú Mỹ - Sông Mây, nâng dung lượng tụ bù trên các đường dây 500kV, các giải pháp vận hành…

Giữa tháng 3/2014, đã đóng điện đường dây 500kV Vĩnh Tân - Sông Mây, hiện đang khẩn trương để hoàn thành đóng điện đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông… song song với việc đẩy nhanh tiến độ các nhà máy ở Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) và Duyên Hải (Trà Vinh). Các Công ty Điện lực thành viên của EVN SPC cũng có nhiều công trình lưới điện 22kV để tăng cường kết nối giữa các trạm 110kV và đáp ứng nhu cầu phụ tải.

Ông Hưng cũng cho biết, EVN SPC cũng đã và đang triển khai đầu tư nhiều công trình cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới lưới điện để đảm bảo cung cấp điện trên địa bàn khu vực phía Nam. Cùng với các công trình lưới điện 110kV đang thi công chuyển tiếp từ 2013 với tổng kinh phí gần 81 tỷ đồng, năm 2014, EVN SPC triển khai 30 công trình với tổng kinh phí đầu tư gần 190 tỷ đồng. Ngoài ra còn đang xây dựng các phương án sửa chữa lưới 110kV; lắp tụ bù để giảm tổn thất điện năng, cải tạo chất lượng điện và tăng cường khả năng tải của lưới điện.

EVN SPC cũng đẩy mạnh các biện pháp quản lý vận hành lưới điện, trong đó làm việc khách hàng về nhu cầu dùng điện, khả năng tiết giảm, huy động nguồn riêng, rà soát, đề xuất các phương án tiết giảm nhu cầu điện tập trung vào các hộ sử dụng nhiều điện để dự phòng cho tình huống mất cân đối cung - cầu điện hệ thống điện miền Nam. Thường xuyên kiểm tra lưới điện để kịp thời phát hiện nguy cơ sự cố cũng như thực hiện các biện pháp ngăn chặn.

Vướng trong thi cônglưới điện

Theo ông Trần Tiến Sằn - Phó trưởng Ban Quản lý đầu tư EVN SPC, trong khi đang cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhằm đảm bảo nguồn cung cấp điện trong thời gian tới ở khu vực miền Nam thì EVN SPC gặp phải không ít trở ngại ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Khó khăn lớn nhất trong triển khai các công trình là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Nguyên nhân chủ yếu là trong các đề án quy hoạch điện lực, quỹ đất cho các công trình điện chưa được đề cập cụ thể rõ ràng, hoặc chưa đồng bộ với các công trình hạ tầng khác, do đó khi triển khai công trình điện gặp nhiều khó khăn vướng mắc như thủ tục đo vẽ giải thửa, kiểm đếm công trình tuyến mất nhiều thời gian, xử lý tranh chấp kéo dài với các chủ đầu tư khác, người dân tranh thủ thêm tiền đền bù hỗ trợ bằng nhiều cách như: trì hoãn thời gian thỏa thuận, trồng cây giống, dựng nhà tạm trong hành lang an toàn…

Cũng theo ông Sằn, một vài địa phương còn áp dụng chính sách hỗ trợ bồi thường hành lang tuyến thuộc đất nông nghiệp không liền kề đất ở, chưa nhất quán với quy định của Chính phủ làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Việc trồng trụ điện, quản lý vận hành và khắc phục sự cố lưới điện dọc đường giao thông cũng vấp phải nhiều trở ngại, gây chậm tiến độ thi công các công trình xây dựng lưới điện.

Thủ tục thỏa thuận, cam kết di dời, cấp giấy phép thi công cũng gặp nhiều vướng mắc, gây trở ngại trong công tác quản lý vận hành, khắc phục sự cố, sửa chữa cải tạo lưới điện quá tải xuống cấp trong hành lang an toàn đường bộ hiện hữu, từ đó gây khó khăn trong việc bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn, khó đáp ứng kịp thời nhu cầu điện phát triển kinh tế xã hội của các địa phương.

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.