Đắk Lắk xử lý nghiêm trường hợp nhũng nhiễu doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dịch COVID-19 đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, phải hoạt động cầm chừng, thậm chí ngừng hoạt động. Tại Đắk Lắk, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa mong muốn tiếp cận được các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước như tiếp cận vốn vay tín dụng… một cách thuận lợi hơn.

Hỗ trợ doanh nghiệp

Trao đổi với Tiền Phong, ông Huỳnh Văn Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk lắk - cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 12.500 doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Sau dịch COVID-19, một số doanh nghiệp ngành dịch vụ như khách sạn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, vay vốn tín dụng.

Đắk Lắk xử lý nghiêm trường hợp nhũng nhiễu doanh nghiệp ảnh 1

Tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023.

“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk còn hoạt động rời rạc, chưa có sự liên kết. Hiện nay, có nhiều hiệp hội hoạt động dẫn đến phân tán nguồn lực, nhà nước cần gom lại để hoạt động hiệu quả”, ông Dũng cho biết thêm.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh mong muốn, thời gian tới tỉnh Đắk Lắk đẩy mạnh xúc tiến thương mại để các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận các doanh nghiệp ngoài tỉnh, nước ngoài để tiêu thụ nông sản.

Xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp

Ông Nguyễn Hải Đông - Bí thư Huyện ủy Krông Búk, Đắk Lắk - cho biết, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và tỉnh về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, những năm qua, huyện thường xuyên quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Bí thư Huyện ủy Krông Búk đề nghị các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn của huyện phải triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị cũng như thường xuyên quan tâm, chia sẻ đồng hành với doanh nghiệp. Thay vì quản lý hành chính cứng nhắc phải chuyển sang mô hình phục vụ, kiến tạo cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đắk Lắk xử lý nghiêm trường hợp nhũng nhiễu doanh nghiệp ảnh 2

Khởi công tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột nhằm phát triển giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

“Huyện kiên quyết xử lý nghiêm bất kỳ biểu hiện, hành vi gây khó khăn, ách tắc cho doanh nghiệp, làm kìm hãm sự phát triển, nguồn lực thu hút đầu tư vào huyện vì lợi ích cá nhân”, ông Nguyễn Hải Đông khẳng định.

Ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Đắk Lắk - cho biết, tháng 10 hàng năm, UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức ngày khởi nghiệp. Tuy nhiên năm nay, có một số điểm mới, tỉnh tổ chức hội thảo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn tình hình kinh tế thế giới suy giảm (ngày 7/10). Tại hội thảo này, có đề ra giải pháp ngắn hạn, qua đó giúp doanh nghiệp tiếp cận chính sách như: chính sách thuế, huy động vốn từ ngân hàng, nguồn lực con người, thị trường…

“Chúng ta phải tăng cường cải cách hành chính, nâng cao chỉ số môi trường kinh doanh để doanh nghiệp giảm bớt chi phí đầu vào. Chúng ta phải làm tốt công tác quy hoạch (quy hoạch đô thị, quy hoạch đất đai, quy hoạch kinh tế - xã hội) để doanh nghiệp có cơ sở đầu tư vào đâu. Ngoài ra, thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin để giúp doanh nghiệp tiếp cận đầu tư, sản xuất, lưu thông hàng hóa thuận lợi”, ông Nguyễn Tuấn Hà cho biết thêm.

Hưởng ứng ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm kết nối, hỗ trợ và tôn vinh các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Hội thảo kết nối cung cầu tiêu thụ hàng hóa sản xuất theo chuỗi cung ứng; Diễn đàn việc làm, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các tỉnh Tây Nguyên năm 2023; UBND huyện Krông Búk tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nhân và giới thiệu cơ hội đầu tư năm 2023…

MỚI - NÓNG