Trường ĐH Y dược TPHCM chính thức tự chủ từ năm 2020. Mức học phí ngành y đa khoa vừa được trường công bố là 6,8 triệu đồng/tháng/sinh viên, tương đương 68 triệu đồng/năm; ngành Răng – Hàm – Mặt học phí có nhỉnh hơn là 70 triệu đồng/năm. Mức học phí này cao gấp 4-5 lần so với trước khi trường tự chủ.
Khoa y dược, ĐH quốc gia TPHCM cũng cho biết, học phí ngành Dược chất lượng cao của trường là 8,8 triệu đồng/tháng/sinh viên, tức là 88 triệu đồng/năm/sinh viên.
Không phải y dược, học phí của trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng có ngành lên đến 80 triệu đồng/năm. Đó là ngành Khởi nghiệp và phát triển kinh doanh (B-BAE) – Viện Đào tạo quốc tế (Học phí của cả khóa học trong 4 năm là 240 triệu đồng, trong đó 2 năm đầu 80 triệu động/năm và 2 năm cuối là 40 triệu đồng/năm). Đối với nhóm ngành kỹ thuật, học phí của trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong năm học này là từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Với phụ huynh, điều ám ảnh nhất có lẽ là tự chủ. Bệnh viện tự chủ, trường ĐH tự chủ. Vì song song với tự chủ là tăng viện phí, tăng học phí. Khi tăng học phí, các trường ĐH đều khẳng định có quỹ để hỗ trợ sinh viên. Nhưng những quỹ đó của các trường giống như đá ném ao bèo.
Vì những sinh viên đủ điều kiện để hưởng không thể sánh được với những sinh viên gặp khó khăn về tài chính khi theo học. Phần lớn sinh viên thuộc diện gia đình cận nghèo hay có đời sống trung bình, trung bình khá.
Cái giá của đào tạo đúng là không phân biệt giàu nghèo, không biên giới. Muốn có chất lượng thì mọi điều kiện phải đạt chuẩn. Nhưng đằng sau cơn “lên đồng” của dư luận về học phí, có lẽ các trường cũng cần phải bình tĩnh để nhìn nhận lại.
Theo khảo sát, mức học phí đào tạo y dược của các trường ĐH tại Mỹ vào khoảng trên 60.000USSD/năm/sinh viên. Nhưng thu nhập bình quân đầu người của Mỹ năm 2019 là trên 65.000 USD/năm/người.
Còn tại Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 vào khoảng 3000 USD/năm/người nhưng mức học phí ngành y dược, kinh tế (đối với chương trình chất lượng cao, tự chủ) cao hơn mức thu nhập bình quân đầu người. Nếu cứ so sánh thì giá cả cũng thật vô cùng.
Nhưng xét cho cùng các trường cần người học và người học cũng cần các trường. Giáo dục cũng là một thị trường, nhưng là thị trường đặc biệt, không chỉ là chuyện thuận mua vừa bán mà ở trong giáo dục, sự công bằng, giảm thiểu mọi sự bất bình đẳng phải được đặt lên hàng đầu.
Mặt khác, khi các trường đưa ra mức học phí cao, có ý kiến cho rằng sinh viên Việt Nam chưa có thói quen vay để đi học. Nhưng thực tế hiện nay, tín dụng dành cho sinh viên mới chỉ là 2,5 triệu đồng/tháng/sinh viên, chỉ bằng 1/3 so với mức học phí yêu cầu. Đó còn chưa kể sinh hoạt phí.
Rồi lại có ý kiến cho rằng thí sinh có nhiều lựa chọn ở những trường có học phí thấp hơn. Xin thưa, những trường có học phí cao đều là những trường top.
Khi tăng học phí, các trường có tính đến sức chịu đựng của người dân? Hay chỉ tính để thu không bị lỗ?
Thật nếu chỉ dựa vào sào ruộng, con gà, con lợn hay con trâu, con bò thì người nông dân khó có thể cho con đi học ĐH.