Ban Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cũng vừa có buổi làm việc với Ban chỉ đạo Đề án Phát triển ĐHQGHN tới năm 2030.
Tại buổi làm việc, Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục Nghiêm Xuân Huy nêu một số vấn đề cần làm rõ trong quá trình xây dựng Đề án: Giải pháp gia tăng đột phá các chỉ số xếp hạng: uy tín học thuật, uy tín tuyển dụng, tỷ lệ trích dẫn/giảng viên, tỷ lệ giảng viên/sinh viên, xếp hạng theo lĩnh vực/nhóm lĩnh vực; giải pháp phát triển bền vững các mảng công tác: đào tạo, khoa học công nghệ, hạ tầng, quản trị.
Nghiên cứu trong phòng Lab của Trường Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội |
GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục chia sẻ, các vấn đề cốt lõi cần tập trung trong quá trình xây dựng Đề án là quy mô đào tạo, nghiên cứu; khai thác các nguồn lực từ quỹ đất hiện có để có hướng đầu tư phù hợp. Về mô hình đào tạo tài năng, ông Quý Thanh cho rằng ĐHQGHN cần tiếp tục triển khai theo hướng tìm kiếm, phát hiện học sinh tài năng để đào tạo, bồi dưỡng và định hướng trở thành nhà khoa học.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN cho rằng tổ soạn thảo Đề án cần làm rõ, khi nằm trong nhóm 500 thế giới, ĐHQGHN sẽ góp phần gia tăng chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Còn theo GS. TS Mai Trọng Nhuận, Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQGHN cần tăng cường quốc tế hóa trong đào tạo và nghiên cứu. Theo đó, cần nâng chuẩn giảng viên và có chính sách thu hút giảng viên, sinh viên quốc tế tới học tập, làm việc; đẩy mạnh công bố quốc tế và phát minh sáng chế… Ông Nhuận đề nghị cả bộ máy chính trị cần quyết tâm, đồng lòng, không phụ thuộc vào nhiệm kỳ của lãnh đạo; đồng thời làm rõ lợi ích của việc thực hiện nghị quyết đối với vị thế của ĐHQGHN.
GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo cho rằng không thể phát triển đỉnh cao một cách nhanh chóng, dàn trải mà phải vun bồi những lĩnh vực thế mạnh, mũi nhọn thành đỉnh cao. Nên ông khuyến nghị phát triển một số tạp chí khoa học trọng điểm thành tạp chí khoa học đạt chuẩn quốc tế.
Kết luận buổi làm việc, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân nhất trí với ý kiến tăng cường quốc tế hóa đào tạo, đầu tư theo nhu cầu người học. Với lợi thế đào tạo từ bậc phổ thông tới bậc tiến sĩ và sau tiến sĩ, ĐHQGHN tiếp tục duy trì mô hình đào tạo tài năng, bồi dưỡng nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành; tăng cường quy mô đào tạo chuẩn quốc tế.
Về khoa học công nghệ, người đứng đầu ĐHQGHN đề nghị rà soát các chính sách khoa học công nghệ, tính toán xem tập trung ưu tiên vào chính sách nào. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu phương án hợp tác với một số nhà xuất bản quốc tế để sử dụng các công cụ đo lường, đánh giá khoa học; xếp hạng nhà khoa học theo các tiêu chí quốc tế. Đặc biệt, Đề án cần nhấn mạnh vai trò tiên phong, nòng cốt của ĐHQGHN trong việc xây dựng đội ngũ trí thức, chuyên gia đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Ông Quân cho rằng Ban chỉ đạo Đề án cần làm rõ chương trình hành động cụ thể để phát triển ĐHQGHN tới năm 2030 và tranh thủ tối đa mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng ĐHQGHN tại Hòa Lạc.