Đại học VN : Bao giờ lọt vào top 500?

Đại học VN : Bao giờ lọt vào top 500?
TP -  Đến năm 2020, phải phấn đấu có một trường ĐH Việt Nam lọt vào top 500 theo bảng xếp hạng các trường ĐH trên thế giới. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bành Tiến Long phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về chất lượng giáo dục đại học Việt Nam ngày 5/1 tại TPHCM.
Đại học VN : Bao giờ lọt vào top 500? ảnh 1
Học sinh trong giờ thi.  Ảnh: Hồng Vĩnh

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết: Đến năm 2020 cố gắng sẽ có 20 ĐH chuyên về nghiên cứu để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH và đáp ứng mục tiêu này. Nhưng trong hội nghị, trước những phân tích về chất lượng giáo dục ĐH hiện nay, chưa ai dám chắc chắn về mục tiêu này.

Bài toán chưa có lời giải

PGS.TS Thái Bá Cần - Hiệu trưởng ĐH SPKT TPHCM, “chủ nhà” của Hội nghị - thẳng thắn: “Chúng tôi đã có nhiều cuộc trao đổi với nhau nhưng cùng đi đến một kết luận: Các trường đang được giao giải một bài toán mà không có lời giải.

Chúng ta muốn nâng cao chất lượng giáo dục (CLGD) nhưng nhân lực thì không thể đáp ứng được. Chúng ta có những cố gắng cải thiện CLGD như mở các chương trình tiên tiến, cử nhân tài năng… Những việc làm này tuy có hiệu quả nhưng chỉ là “sửa đầu bài”. Nhà nước đổ vào đây số tiền lớn hơn nhiều so với các mục khác. Nên cân đối  việc “sửa đầu bài” này hơn nữa”.

Đề cập đến vấn đề CLGD, trong báo cáo tại hội nghị của Bộ GD&ĐT, có chỉ ra các nguyên nhân làm hạn chế chất lượng giáo dục ĐH tại Việt Nam. Đó là, chưa chú trọng đến nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong các trường ĐH, thiếu các nhà khoa học đầu ngành trong các trường, hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học còn nhiều hạn chế, trao đổi giữa giảng viên – sinh viên chưa được mở rộng, đội ngũ nhà giáo và quản lý giáo dục còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ và chưa đồng bộ về cơ cấu…

Tại Hội nghị, có một số khách mời khá đặc biệt như lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, các cơ quan kiểm định nước ngoài… và họ đã có một số ý kiến đáng quan tâm. PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế: “Theo tôi, CLGD xuống thấp bởi thứ nhất, nguyên nhân của mọi nguyên nhân là học phí quá thấp, trói buộc hết hiệu trưởng và các cơ sở đào tạo.

Thứ hai, do ngoại ngữ không tốt, chúng ta hội nhập chẳng giống ai, dẫn đến hội nhập không tốt.

Thứ ba, các hiệu trưởng hiện nay chưa được giao quyền tự chủ. Nên nhớ một điều, càng phân quyền hiệu trưởng sẽ càng năng động. Hiệu trưởng cũng như giám đốc, không nên quá quan trọng về học hàm, học vị…”.

GS.TS Đào Xuân Học - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: “Khi cơ sở vật chất còn thiếu và chưa có mục tiêu, CLGD sẽ xuống thấp. Bộ GD&ĐT cũng nên xem xét tình trạng hằng năm có rất ít thí sinh thi vào ngành của chúng tôi. Nên cân bằng hơn để giáo dục phát triển đồng đều!”.

Nhìn bảng xếp hạng: Buồn!

Đại học VN : Bao giờ lọt vào top 500? ảnh 2
ĐH Việt Nam vào top 500/1.000 trường ĐH hàng đầu thế giới - còn quá nhiều việc phải làm!              Ảnh: Hồng Vĩnh

Theo thống kê, thể hiện rõ nhất có 4 tổ chức, tạp chí khoa học uy tín trên thế giới thực hiện bảng xếp hạng vị trí các trường ĐH (dựa vào 4 tiêu chí) đó là: ĐH Giao thông vận tải Thượng Hải (Trung Quốc), Tạp chí Times Higher Education Supplement, Hội đồng đánh giá và Kiểm định giáo dục ĐH của Đài Loan và Webometrics, thì ĐH Việt Nam vẫn chưa có gì nổi bật.

Theo đó, nếu xếp hạng theo thành tích học thuật và nghiên cứu (ĐH GTVT Thượng Hải, Trung Quốc) với 2.000 trường được nghiên cứu và 1.000 trường được xếp hạng thì cả trong bảng xếp hạng Top 500 trường ĐH hàng đầu thế giới và 100 trường ĐH khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đều không có tên bất kỳ trường ĐH nào của Việt Nam.

Nếu xếp hạng dựa trên Chất lượng đào tạo (Times Higher Education Supplement) như đội ngũ giáo viên, kết quả nghiên cứu khoa học và dịch vụ trong giáo dục, Việt Nam cũng không có tên trong danh sách.

Ngay cả dựa trên cơ sở chất lượng nghiên cứu với các tiêu chí về năng lực nghiên cứu, mức độ tác động của sản phẩm khoa học và mức độ thành công trong các công trình nghiên cứu (Hội đồng đánh giá và Kiểm định giáo dục ĐH Đài Loan) và dựa trên phân tích nội dung học thuật và nghiên cứu khoa học được đăng tải trên website của các trường ĐH trên mạng internet (Webometrics) thì Việt Nam cũng không thể góp mặt.

Việc công bố các bảng xếp hạng này đã chỉ rõ ra những yếu kém trong nền giáo dục ĐH tại Việt Nam cũng như giúp các trường ĐH tại Việt Nam tìm ra hướng đi mới nếu muốn góp mặt trong bảng xếp hạng, sự nhìn nhận của thế giới.

Các đại biểu tại hội nghị đều nhất trí cho rằng: Việc xác định các trường ĐH Việt Nam đang đứng ở đâu, đang làm gì và việc xếp hạng là rất cần thiết để thúc đẩy phát triển. Điều này đòi hỏi Bộ GD&ĐT phải có chiến lược mới để tìm lối đi cho các trường ĐH trong giai đoạn mới.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: “Bộ xác định với hơn 300 trường ĐH, CĐ hiện nay, phải có những ĐH nghiên cứu.

Dự kiến, đến năm 2020 sẽ có 20 ĐH nghiên cứu. Số lượng này một phần dựa trên nhóm các trường ĐH đang chuyên về nghiên cứu hiện nay như: ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng, ĐH Bách khoa Hà Nội…

Một phần, 2 ĐH mới là ĐH Việt - Đức và ĐH Khoa học công nghệ Hà Nội sẽ được tổ chức hoạt động theo mô hình của trường ĐH đẳng cấp quốc tế với kinh phí khoảng 100 triệu USD.

Cũng theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ trình chính phủ quy hoạch khu đô thị Hưng Yên để triển khai các trường ĐH trong khu đô thị này. Năm 2008, Nhà nước cũng sẽ đưa đi đào tạo 50 tiến sĩ, là lực lượng chính cho việc nghiên cứu và chi ngân sách để nâng cấp các phòng thí nghiệm…”.

Tại hội nghị, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra các nhiệm vụ để nâng cao CLGD ĐH giai đoạn 2008-2020: Hoàn chỉnh cơ cấu hệ thống và mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH; Đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo; Tăng cường đầu tư tài chính, cơ sở vật chất và học phí; Nghiên cứu và triển khai xếp hạng các trường ĐH…

MỚI - NÓNG