Đại học… “click chuột”

Học đại học theo hình thức đào tạo trực tuyến chỉ cần học, nghiên cứu tài liệu và làm bài kiểm tra trên hệ thống mạng của nhà trường. Ảnh: Gia đình và Xã hội.
Học đại học theo hình thức đào tạo trực tuyến chỉ cần học, nghiên cứu tài liệu và làm bài kiểm tra trên hệ thống mạng của nhà trường. Ảnh: Gia đình và Xã hội.
Chỉ cần máy tính, điện thoại có kết nối Internet là có thể tham gia học đại học, thông qua hình thức học trực tuyến của rất nhiều trường đại học trong và ngoài nước. Đây đang là hình thức học đại học mới, dần “soán ngôi” của hệ tại chức bởi cách trúng tuyển dễ dàng, học tập trực tuyến.

Dễ học, dễ trúng tuyển

Không khó để có thể tiếp cận một chương trình cử nhân đại học mà chỉ học trên mạng của một trường đại học, chỉ cần “lướt web” hay tìm vài từ khóa là hàng loạt chương trình xuất hiện. Học đại học từ xa theo phương thức trực tuyến (E-Learning) “tiết kiệm thời gian, chi phí”, “sinh viên học qua thiết bị máy tính, điện thoại”, “chỉ xét tuyển học bạ”, “cơ hội việc làm lớn khi ra trường”… là những lời quảng cáo hấp dẫn của hàng loạt trung tâm hay trường đại học được “rao” nhan nhản trên mạng.

Từ năm 2011, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) bắt đầu triển khai chương trình đào tạo từ xa qua mạng tin học viễn thông, bậc đại học ngành Công nghệ thông tin, thời gian đào tạo 5 năm.

Năm 2014, ĐH Bách khoa tuyển sinh đại học đào tạo từ xa qua mạng ngành Công nghệ thông tin (bằng cử nhân) với tổng chỉ tiêu 500 sinh viên. Trường xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc tương đương, kết quả học tập năm lớp 12 và qua đánh giá năng lực, thành tích cá nhân.

Tương tự, ĐH Kinh tế quốc dân cũng vừa tổ chức lễ khai giảng chương trình đào tạo cử nhân theo phương thức E-learning. Có 62 tân sinh viên trúng tuyển vào 3 chuyên ngành: Quản trị kinh doanh tổng hợp, Kế toán, Ngân hàng.

Theo nhà trường, vẫn còn hơn 100 sinh viên đang hoàn thiện thủ tục nhập học và sẽ tham gia học tập cùng đợt này. ĐH Ngoại thương cũng tiếp tục thông báo tuyển sinh hệ đào tạo từ xa đợt 3 năm 2014 với nhiều chỉ tiêu. Hình thức tuyển sinh thông qua xét tuyển.

Theo ghi nhận của PV, hiện tại có cả trăm trường đại học trên phạm vi cả nước đào tạo hệ từ xa, trong đó hàng chục trường đào tạo theo hình thức học trực tuyến. Người học không mấy khó khăn để trúng tuyển bởi các trường đều xét tuyển dựa trên học bạ THPT và điểm thi tốt nghiệp THPT.

Với những người có bằng trung cấp chuyên nghiệp hoặc cao đẳng thì sẽ được tuyển thẳng. Sinh viên học hệ trực tuyến hầu như không phải đến trường mà học và thi trên hệ thống mạng của nhà trường.

Học cốt chỉ để lên lương?

Học đại học từ xa, nhất là theo hình thức trực tuyến đang là một xu hướng mới, được xem là một giải pháp không tồi đối với những người muốn có bằng đại học. Chính vì thế, hình thức học tập này đang được khá nhiều người lựa chọn.

Anh Nguyễn Văn Thuận (32 tuổi, ở Trực Ninh, Nam Định) đang học chương trình đại học trực tuyến của một trường đại học ở Hà Nội chia sẻ: “Học đại học trực tuyến rất phù hợp với người đang đi làm cần tấm bằng đại học để có thể lên lương, bổ nhiệm... Tuy nhiên, với người chưa đi làm, sau khi ra trường rất khó xin việc vì nhiều đơn vị tuyển dụng từ chối bằng tại chức, từ xa”.

Đánh giá việc đào tạo đại học theo hình thức trực tuyến là một bước tiến mới, mở ra cơ hội học tập cho nhiều người, PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, hiện nay trình độ công nghệ thông tin là khá phổ biến, trước đây là học trực tiếp thầy đối diện với trò, nay thầy trò có thể không gặp nhau nhưng vẫn có thể dạy và trao đổi với nhau thông qua nhờ công nghệ. Đào tạo trực tuyến phương thức dạy và học cũng rất tiến bộ, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.

Tuy nhiên, cũng theo PGS Trần Xuân Nhĩ: “Dạy và học trực tuyến cũng có thể nảy sinh nhiều bất cập như: khó kiểm soát người học, đôi khi sinh viên không chịu học mà nhờ người khác học hộ, thi hộ... Do đó, bằng cấp của hệ đào tạo này khiến nhiều người nghi ngờ về những khả năng tiêu cực.

Hiện nay, cũng có một bộ phận người học đăng kí tham gia học chỉ lấy bằng cấp, nên càng cần phải kiểm tra, giám sát thật chặt về chất lượng, chống gian lận để bằng cấp có giá trị thật của nó”.

Trên thực tế, đào tạo từ xa hiện nay cũng đã nảy sinh những bất cập, rủi ro đối với người học theo chương trình liên kết “chui”, bằng cấp không được công nhận… Một số nơi có nội dung học phần lớn chỉ là lý thuyết suông, gần như không có thực hành, sinh viên chủ yếu là “tự bơi”, giáo viên không hướng dẫn gì nhiều. Sinh viên sau ngày ra trường không tìm được việc làm như mong muốn, gây lãng phí một nguồn lực không nhỏ của xã hội.

Mới đây, nhận thấy có nhiều “vấn đề” trong đào tạo đại học từ xa, Bộ GD&ĐT ban hành quyết định tạm dừng tuyển sinh đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, yêu cầu các trường rà soát lại chương trình đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, quy định hiện hành về đào tạo từ xa bậc đại học, cao đẳng vẫn áp dụng từ năm 2003, không còn phù hợp với thực tế, bộc lộ nhiều “kẽ hở” trong quy định đào tạo từ xa, nhất là đào tạo trực tuyến.

Theo Bộ GD&ĐT, đào tạo từ xa thuộc phương thức giáo dục không chính quy trong hệ thống giáo dục quốc dân, là hình thức đào tạo trong đó quá trình giảng dạy phần lớn không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa giảng viên và học viên.

Theo Bộ, mục đích của đào tạo từ xa để mở rộng cơ hội học tập cho những người có nhu cầu và mong muốn học tập để nâng cao trình độ. 

Theo Quang Anh
Theo Gia đình và Xã hội
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.