Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ có thêm 2 trường trực thuộc

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội vừa ra Nghị quyết thành lập 2 trường mới là Trường Hóa và Khoa học sự sống, và Trường Vật liệu.

Tại Hội nghị tập huấn công tác Đảng - Chính quyền - Công đoàn Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2023 vừa tổ chức, lãnh đạo ĐH này cho biết cùng 3 Trường: Cơ khí, Điện – Điện tử, CNTT&TT thành lập tháng 10/2021, Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 29/3 vừa qua, đã ra Nghị quyết thành lập 2 trường mới là Trường Hóa và Khoa học sự sống, và Trường Vật liệu.

Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ có thêm 2 trường trực thuộc ảnh 1

Ảnh: HUST

5 trường, 5 lĩnh vực mũi nhọn nghiên cứu sẽ đẩy mạnh hơn nữa năng lực nghiên cứu, năng lực giảng dạy của giảng viên, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tại Hội nghị, PGS. TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ rõ "3 chân kiềng" để Đại học này phát triển bền vững trong thời gian tới.

PGS Huỳnh Quyết Thắng khẳng định, Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục phát triển bền bỉ, bền vững, chất lượng các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo; Trong đó, công tác đào tạo đặt chất lượng và quy chuẩn lên hàng đầu. Nhà trường sẽ tiếp tục đồng hành với các đơn vị để thực hiện rà soát chương trình đào tạo, tìm giải pháp để phát triển nghiên cứu tốt hơn.

Hướng đi đột phá của Đại học Bách khoa Hà Nội trong thời gian tới sẽ đến từ hợp tác doanh nghiệp và hợp tác quốc tế. Hợp tác doanh nghiệp để đưa những ứng dụng, những nghiên cứu có hàm lượng chất xám cao của Bách khoa Hà Nội vào thẳng thực tế cuộc sống.

Thứ hai, trong giai đoạn từ 2023-2025, Đại học Bách khoa Hà Nội được góp mặt trong các chỉ đạo của Chính phủ đã được thể hiện bằng các Nghị quyết. Trong đó một trong những nội dung của Nghị quyết số 14 đặt hàng: Giai đoạn 2023-2025, phải xây dựng Đề án Phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội trong nhóm các cơ sở Giáo dục Đại học hàng đầu châu Á trình Chính phủ phê duyệt. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Thứ ba, các tham luận trình bày tại hội nghị, các đóng góp ý kiến, đề xuất… của lãnh đạo, cán bộ các Trường/phòng đều khẳng định quan điểm chỉ đạo xuyên suốt với triết lý "Một Bách khoa".

Tuy vậy, hiện còn một số khó khăn, tồn tại, như: nhóm chuyên môn không phải là đơn vị hành chính, các nhiệm vụ hành chính được phân công trực tiếp từ Khoa (quy mô lớn hơn bộ môn) dẫn tới giảm gắn kết giữa các thành viên trong nhóm chuyên môn trong quá trình hoạt động; mối liên hệ bổ trợ giữa các nhóm chuyên môn và các giám đốc chương trình đào tạo chưa rõ ràng; các chế tài/động lực chưa đủ mạnh để các nhóm chuyên môn chủ động và tập trung vào phát triển, cập nhật chuyên môn (bài giảng, giáo trình, phương pháp giảng dạy...)

Đại học Bách khoa Hà Nội là cơ sở giáo dục Đại học công lập đầu tiên của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi mô hình từ trường Đại học thành Đại học. Trước đó, Việt Nam chỉ có mô hình Đại học vùng và Đại học Quốc gia.

MỚI - NÓNG