Đại di dân tại Kinh thành Huế: Tất cả vì dân

Vụ lúa cuối cùng trên đồng ruộng Hương Sơ. Nơi này sẽ là một phần của khu tái định cư dân Thượng thành
Vụ lúa cuối cùng trên đồng ruộng Hương Sơ. Nơi này sẽ là một phần của khu tái định cư dân Thượng thành
TP - Di dân ra khỏi vùng 1 Kinh thành Huế từng được chính quyền tỉnh TT-Huế đặt vấn đề thực hiện từ gần 10 năm trước, kể từ sau cuộc di dân vạn đò sông Hương lịch sử. Tuy nhiên, do kinh phí đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, điều kiện ngân sách địa phương có hạn nên mục tiêu đó chậm thành hiện thực. Trong lần di dân này, mục tiêu của TT-Huế không dừng lại ở việc đưa dân ra khỏi di tích, mà còn lo đến sinh kế của họ mai này.

Nơi ở mới sẽ tốt hơn!

Phường Hương Sơ thuộc phía bắc thành phố Huế được chọn là điểm đến di dời 523 hộ gia đình “sống bám” di tích Thượng thành thuộc nhiều phường Thành Nội. Cuối tháng 4, cánh đồng bắc Hương Sơ của HTX nông nghiệp Thống Nhất trải dài một màu vàng của lúa chín trĩu. Chắc chắn, đây là vụ thu hoạch cuối cùng để nhường đất tái định cư cho cư dân Kinh thành Huế. Công tác xây dựng hạ tầng khu quy hoạch Hương Sơ để tái định cư dân Thượng thành Huế đang được chính quyền thành phố Huế khẩn trương triển khai, nhằm bảo đảm tiến độ di dân bắt đầu từ tháng 9 tới.

Trước khi là điểm đến của 523 hộ dân Thượng thành, vùng Hương Sơ từng được mệnh danh là “phường tái định cư”, là nơi tiếp nhận hơn 600 hộ dân vạn đò sông Hương và trên 200 hộ dân vùng di tích Eo Bầu Kinh thành Huế về đây an cư lâu dài. Chủ tịch UBND phường Hương Sơ Nguyễn Văn Tài là người đã trải qua nhiều đợt tiếp nhận dân các nơi về địa phương tái định cư như vậy.

Ông Tài tâm sự, dân vạn đò sông Hương với trình độ dân trí thấp, quen sống sông nước, khi lên bờ gặp nhiều khó khăn trong hòa nhập, tìm việc làm. Ấy vậy mà, sau 10 năm tái định cư, cuộc sống của họ đã cơ bản đâu vào đấy, thậm chí là tốt hơn khi lênh đênh bất định trên sóng nước sông Hương. “Có nhiều hộ vạn đò lên đây chăm chỉ chí thú làm ăn, giờ đời sống kinh tế của họ thậm chí còn khá hơn cả dân bản địa Hương Sơ”.

Ông Tài nhớ lại, hồi đó hầu hết các hộ dân tái định cư vạn đò khi lên bờ đều thiếu các giấy tờ tùy thân, khai sinh, hộ khẩu, hôn thú. Do mù chữ, nên các giấy tờ thủ tục khi đến phường để bổ sung đều được “ký” bằng điểm chỉ. “Phường đã phải làm lại tất cả các giấy tờ cho dân, nhằm bảo đảm quyền lợi cho họ. Rồi nhiều lớp xóa mù được tổ chức. Có chữ rồi, phường chuyển sang đào tạo nghề cho dân. Có nghề nghiệp, cuộc sống cứ thế mà ổn dần”.

Với kinh nghiệm của người đứng đầu của một phường chuyên “tái định cư”, ông Tài cho biết, trong đợt di dân lần này, chính quyền địa phương đã sẵn sàng tâm thế tiếp nhận 523 hộ dân Thượng thành Huế về cư trú lâu dài, như từng tiếp đón bà con vạn đò sông Hương dạo trước. “Nếu dân Thượng thành gặp khó khăn như bà con vạn đò, phường sẵn sàng đứng ra giải quyết, tạo mọi điều kiện để mong cuộc sống nơi mới tốt và thuận lợi hơn nơi cũ", ông Nguyễn Văn Tài cho hay.

Đại di dân tại Kinh thành Huế: Tất cả vì dân ảnh 1 Gấp rút hoàn thiện hạ tầng khu tái định cư 
Vẫn có thể quay về làm vườn, trồng hoa trên Thượng thành Huế

Hôm làm việc với chúng tôi, thi thoảng điện thoại ông Nguyễn Văn Tài  lại đổ chuông, cuộc nói chuyện với phóng viên tạm gián đoạn. “Dân Thượng thành xin số điện thoại rồi gọi hỏi tôi đấy. Họ hỏi ở khu tái định cư có xa Thượng thành không, đường sá đi lại thế nào, hiện việc xây dựng mặt bằng tái định cư ra sao rồi”, ông Tài chia sẻ.

Chợt nhớ lúc sáng, khi ghé thăm căn nhà treo trên Thượng thành của chị Thái Thị Nga, người này cũng hỏi tôi như vậy. Chị Nga chuyên buôn bán rau hành, củ quả trên đường Xuân 68, nên lo lắng khi chuyển chỗ ở mới thì mất nghề. Tôi chuyển lời của Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố (TTPTQĐTP) Huế, đến chị và nhiều bà con nơi đây. Theo đó, nơi ở mới cách điểm xa nhất của Thượng thành khoảng 5km, gần nhất chừng 1,8km, đường sá thuận lợi nên bà con có thể quay về nơi cũ để duy trì công việc mưu sinh trước đây nếu thấy phù hợp.

Qua thắc mắc của dân, ông Tuấn còn lưu ý, đối với những trường hợp khó khăn về giấy tờ chứng minh thời gian cư trú trên đất Thượng thành thì việc kiểm kê, đo đạc để thực hiện hỗ trợ theo khung chính sách “đặc biệt” và không kém phần nhân văn này sẽ được công khai minh bạch. “Phần lớn những hộ dân ở đây không có giấy tờ đất đai nên chúng tôi sẽ yêu cầu các hộ dân nộp những giấy tờ liên quan như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, hóa đơn tiền điện, nước… để chứng minh hộ gia đình có sinh sống trên thửa đất hiện tại. Đối với các hộ dân đủ điều kiện tách hộ thì xem xét tách hộ và hưởng chính sách của hộ phụ”, ông Tuấn cho hay…

Sáng đó, tại xóm của chị Nga, khi nói chuyện với tôi, anh Nguyễn Văn Ân, một cư dân Thượng thành khác thuộc phường Thuận Lộc, tỏ ra lạc quan: “Bọn tôi chuyên nghề phụ hồ, xe ôm, làm theo hội theo phường, nên khi về nơi ở mới cũng không lo mất đi cái công việc lao động phổ thông này. Ở nơi mới mà ổn định, chỗ sinh sống tốt hơn nơi cũ thì mình phải ủng hộ chứ. Vì còn tương lai đời con, đời cháu mình nữa mà”. Trước đó, cũng tại khu Thượng thành phường Thuận Lộc, bà Nguyễn Thị Truyền, chuyên nghề nấu chè Huế, bộc bạch: “Tui chỉ sợ chuyển vô ở chung cư thôi. Như vậy thì phải dẹp nghề chè Huế của gia đình, vì không thể đun nấu bằng củi tại chung cư được. Chứ qua khu tái định cư Hương Sơ thì không lo lắm”.

Còn một chuyện không kém phần quan trọng là việc học hành của con trẻ. Hôm rồi gặp các vị lãnh đạo tỉnh và thành phố Huế, cùng các phòng ban liên quan về cơ sở đối thoại di dân Thượng thành Huế, khi được hỏi chuyện bố trí học hành cho con em, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc TTPTQĐTP Huế, lưu ý: “Các hộ gia đình sau khi đến nơi tái định cư mà muốn con cái học chỗ cũ thì vẫn được theo học cho đến hết bậc THCS”. Vị lãnh đạo này cho biết thêm, đối với những người chuyên trồng hoa, rau màu trên Thượng thành Huế, sau này khi chuyển sang khu tái định cư ở phường khác, họ vẫn có thể được trở về trồng hoa nơi cũ mà không phải tốn tiền thuê đất, chính quyền sẽ miễn phí khoản này. Chẳng những vậy, chính quyền còn khuyến khích họ góp phần thực hiện chủ trương xây dựng Huế trở thành thành phố 4 mùa hoa, làm đẹp đô thị Huế.

Băn khoăn, lo lắng về thực hiện hồ sơ thủ tục cho người dân Thượng thành khi dời đi, Chủ tịch tỉnh Phan Ngọc Thọ từng cam kết: “Đây là một chủ trương lớn của Thủ tướng Chính phủ dành cho chúng ta. Bà con yên tâm, mỗi một hồ sơ của bà con có đến 12 chữ ký của cơ quan, bộ phận liên quan nên sẽ rất minh bạch, chặt chẽ”.

 
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.