Niềm mong ước đặc biệt
Những ngày cư ngụ cuối của dân Thượng thành Huế mang sắc thái phấn chấn và hy vọng. Thấy khách lạ cùng cán bộ phường Thuận Lộc (Huế) đi vào con hẻm nhỏ loằng ngoằng tăm tối dẫn lên Thượng thành, một chị bán bún đầu hẻm ở khu di tích Eo Bầu bên đường Xuân 68 hồ hởi: “Chú ở côi (trên) thành phố về kiểm tra việc bà con nơi đây kê khai đo đạc nhà cửa khu Thượng thành à? Làm thủ tục cho dân nhanh chú nhé, trong xóm ai cũng mong ngóng cuộc di dời đặc biệt này hết đó”.
Hôm nay, trong xóm nhỏ có một lễ cưới. Nhà nhỏ, đường cũng nhỏ vừa đủ một người bê tráp lễ vật, nên khách khứa vào ra mừng hỷ sự cũng bị hạn chế. Ðây có lẽ là đám cưới đặc biệt - một trong những đám cưới cuối cùng của cư dân Thượng thành thuộc tổ 14 phường Thuận Lộc, Huế, trước khi dời đến nơi tái định cư mới. Gần nơi diễn ra lễ cưới là căn lều tôn chật chội, xiêu vẹo nằm ở nơi cao nhất Thượng thành của vợ chồng anh Nguyễn Văn Ân. Hai vợ chồng anh từ vùng Phú Hòa lên đây cư ngụ ngót gần 30 năm.
Cả nhà anh Ân 5 người nhưng chỉ có mỗi chiếc giường cũ ọp ẹp. Ðêm về, dù nắng nóng hay rét mướt, cả nhà phải tùy nghi tìm nơi ngả lưng. Cậu con trai anh Ân chừng 30 tuổi dõi sang đám cưới, mặt đầy ưu tư nỗi niềm: “Nếu nhà cửa đường hoàng, em đã lấy vợ lâu rồi anh ạ, chứ không phải đơn chiếc như này đâu anh. Nhưng thử hỏi, nhà cửa giường chiếu thế này, khi cưới vợ về thì phải nằm ở đâu? May cũng nhờ có chính sách di dân đặc biệt lần này, tất cả các hộ dân tạm cư như nhà em đây đều được cấp đất tái định cư. Ðến lúc đó, em sẽ làm một ngôi nhà nhỏ và lấy vợ. Em mong sao ngày đó đến sớm”.
Tôi thấy có điều đặc biệt ở cái xóm sống khổ của anh Ân. Trong một khoảnh đất nhỏ trên sống lưng Thượng thành Huế rộng chưa đầy 100m2 từ lâu đã “gánh” đến 7 căn lều của dân tạm cư, với hàng chục nhân khẩu chen chúc sinh sống. Tất cả nhà cửa xập xệ nơi đây đều xây dựng trên đất lấn chiếm di tích. Theo năm tháng, lều mẹ “đẻ” lều con, như trường hợp hộ anh Thái Văn Biểu sống cạnh vách nhà anh Ân. Con anh Biểu lấy vợ năm ngoái, không thể ở chung với bố mẹ vì nhà chỉ có mỗi chiếc giường, nên anh Biểu cho con trai tách chòi “ra riêng”, với diện tích nơi ở rộng vài mét vuông, áp lưng vào căn chòi cũ. “Tui lên đây 34 năm rồi, từ thuở chạy bão 85 (cơn bão thảm khốc số 8 năm 1985 - NV). Lúc mới có cháu đầu, giờ đã con đàn cháu đống. Bảy hộ ở trong khu đất này chỉ rộng chưa đầy 100m2, vậy mà mai mốt dời về khu quy hoạch Hương Sơ, mỗi nhà lại được cấp đất ở chí ít là 60 hoặc 100m2. Ðiều đó thật đặc biệt và kỳ diệu, có mơ cũng không tin nổi anh ạ”.
Ghé về UBND phường Thuận Lộc, Chủ tịch Trần Thị Cúc đang tất bật tiếp dân liên quan di dân Thượng thành, một chốc không thấy chị đâu, hỏi ra mới biết, nữ Chủ tịch phường lại về cơ sở để tiếp tục thực hiện công tác chuẩn bị di dân. Ðược biết, gần như tất cả các hộ dân Thượng thành ở phường Thuận Lộc đều đồng thuận di dời - một điều đặc biệt hiếm thấy.
Không một ai phải dời đến chung cư
Huế từng có nhiều cuộc di dân vùng vạn đò sông nước, với cuộc cuối dứt điểm cách đây chừng 10 năm. Ngoài việc được cấp đất tái định cư, vẫn có hàng trăm hộ vạn đò phải vào ở nhà chung cư cao tầng, chung cư liền kề để rồi nảy sinh bao hệ lụy.
Nhìn lại cuộc di dân vạn đò sông Hương cũng từng được xem là lịch sử đó, nhiều người sống bám trên Thượng thành Huế khi được dời đi lần này luôn có mong muốn không phải đi trên “vệt xe đổ” vào ở chung cư với bao phiền toái hệ lụy, mà đề nghị thẳng với chính quyền là được cấp đất định cư lâu dài. Ðề nghị đặc biệt này từng được nhiều người nhắc lại tại hôm hội nghị đối thoại gặp gỡ 523 hộ dân sống “khổ” trong Kinh thành Huế diễn ra sáng 22/3/2019. Tại đây, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, cam kết rằng khi đến nơi ở mới, bà con sẽ được bố trí ở những khu đất riêng, chứ không phải ở chung cư. Tất cả hơn 4.000 hộ dân Kinh thành Huế khi di dời đều được hưởng chính sách đặc biệt như vậy.
Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố Huế, sau khi có kết quả khảo sát, với 100% hộ dân mong muốn được cấp đất ở thay vì ở chung cư, đơn vị đã thu hồi 73 ha đất ở phường Hương Sơ để bố trí 3.526 lô đất tái định cư cho người dân (bao gồm cả dự phòng), diện tích mỗi lô đất rộng từ 60m2 đến 200m2.
Từng có rất nhiều cuộc họp dân liên quan giải phóng mặt bằng, nhưng hiếm cuộc gặp gỡ nào lại diễn ra “hòa bình”, nhẹ nhàng, được nhiều người đồng tình với cách xử lý của chính quyền như buổi đối thoại 22/3. Không vòng vo “phi lộ”, tại hôm đối thoại, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, đi thẳng vào vấn đề: Ðây là dự án đặc biệt, lớn nhất từ trước đến nay của địa phương, lớn về cả quy mô kinh phí và quy mô dân cư, mang tầm quốc gia, rất được Chính phủ quan tâm hỗ trợ.
Ông Thọ lưu ý: “Từ nay đến năm 2021, tỉnh sẽ thực hiện di dời dân cư ở khu vực Thượng thành, Eo Bầu, Tuyến Phòng lộ, Hộ Thành hào. Chính phủ đã có khung chính sách ưu đãi, hỗ trợ tốt nhất cho người dân nên bà con yên tâm về đề án này”.
Tại đối thoại 22/3, ông Nguyễn Ðức Thọ, người sống bám trên Thượng thành khu vực phường Thuận Lộc nhiều năm nay, bày tỏ tâm tư: Gia đình này được cấp giấy tờ đất năm 1984, nhưng có kèm ghi chú sau này khi nhà nước giải tỏa không được hưởng đền bù. Vậy, chính quyền sẽ xử lý vấn đề này ra sao? Ông Nguyễn Anh Tuấn giải thích, trường hợp này không được đền bù nếu căn cứ luật đất đai, nhưng theo khung chính sách đặc biệt được Chính phủ thông qua lại được hỗ trợ bằng 100% so với giá trị sẽ đền bù. Hôm đó, nghe ông Tuấn giải thích về nội dung này, gần như cả hội trường buổi đối thoại rào rạt tiếng vỗ tay.
(Còn nữa)"Di sản cố đô Huế là tài sản quý giá của quốc gia, việc bảo tồn và gìn giữ là trách nhiệm chung của cả nước. Tỉnh TT-Huế đề xuất cơ chế đặc thù về di dời, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân trong phạm vi khu vực 1 di tích Huế. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ kinh phí phù hợp”.
(Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc)