Kỳ 1: Ám ảnh chết xấu
Dù được nhà nước đầu tư kéo điện về tận làng, làm đường bê tông, hệ thống nước sạch khang trang, nhưng hàng chục hộ dân ở xã Trà Nam huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) vẫn bỏ làng, bỏ nhà cửa để đến nơi ở mới chấp nhận thiếu thốn chỉ vì hủ tục, quan niệm lạc hậu.
Từ đầu năm đến nay, ở hai xã Trà Cang và Trà Nam (Nam Trà My) có gần 20 người tự tử một cách khó hiểu. Theo Công an huyện Nam Trà My, trong năm nay riêng xã Trà Nam có tới 12 vụ tự tử mà chủ yếu là treo cổ và ăn lá ngón. Cá biệt tháng 8/2015, có 3 vụ treo cổ xảy ra cùng một thôn. Theo quan niệm của người dân, tự tử là chết xấu, nên nhiều nóc làng sống ổn định mấy chục năm qua đã di dời đến nơi ở mới không điện, đường dù rằng chính quyền đã nỗ lực vận động. Nhưng, “phép nước thua lệ làng”, dân đi vẫn cứ đi.
Nóc Măng Dí 4 thuộc thôn 1 được xem là “khu đất vàng” ở xã Trà Nam, bởi nằm ngay trước trụ sở UBND xã Trà Nam. Cuộc sống vui nhộn của Măng Dí 4 trước đây nay thay vào đó là sự hoang tàn, u ám và trở thành nỗi ám ảnh của người dân địa phương. Vào đầu tháng 8 vừa qua, 17 hộ của nóc Măng Dí 4 phải di dời đi nơi ở mới bởi trước đó liên tiếp chỉ trong tháng 5, trong nóc có 3 người treo cổ chết.
Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch xã Trà Nam dẫn chúng tôi qua khu đất thôn Măng Dí 4, không khỏi buồn lòng và tiếc nuối vì sự đầu tư của nhà nước vào đây không hề nhỏ. Nóc có 17 hộ thì 8 hộ đơn thân vì có vợ hoặc chồng tự tử. “Nếu như ở xuôi, khu này là đất vàng, cao giá lắm vì ở trung tâm xã, điện, đường, trường trạm không thiếu thứ gì. Nhưng làng có người treo cổ chết, họ cho là chết xấu, nên bỏ đi. Cái lý của người dân, nếu ở lại có người tự tử chết ai chịu trách nhiệm?”, ông Tuấn thở dài.
Hai bên cổng chào vào nóc Măng Dí 4 là 2 tấm pano tuyên truyền xây dựng nông thôn mới với khẩu hiệu “Xây dựng để được 5 có”, “Phấn đấu để được 5 không”. Ấy nhưng phía sau 2 tấm pano đó tất cả đều trống trơn, không một bóng người. Cả nóc chỉ còn 2 căn nhà có người treo cổ tự tử còn để nguyên, hoang tàn không ai dám vào. Theo quan niệm của người dân, dân làng chuyển nhà cửa đi, riêng nhà nào có người treo cổ phải để lại đó dù gia chủ có khó khăn đến mấy.
Ông Tuấn cho hay, trước khi dân làng đi, trưởng nóc ra báo cáo xã. Xã biết chuyện, báo cáo huyện. Cán bộ huyện vào, cùng xã và các đoàn thể ban ngành ngày đêm họp dân, tuyên truyền, vận động hết lời nhưng người dân vẫn không nghe. Dân làng sợ, nhất nhất quyết bỏ làng đi, không ai cản được. Hai nóc khác của thôn 1 là Măng Dí 3 và Măng Dí 1 cũng có 39 hộ dân đã chuyển chỗ ở mới vì trong làng liên tiếp có người chết xấu. Ông Hồ Văn Thuấn, chủ tịch UBND xã Trà Nam là người địa phương. Hỏi ông Thuấn chuyện dân bỏ làng đi, ông cũng chỉ biết lắc đầu: “Làm sao lấy pháp luật của mình mà ép dân được. Đi hay ở là quyền của họ, cán bộ sao cấm”.
Sống tạm bợ giữa rừng
Nơi ở mới của các hộ dân nóc Măng Dí 4 chênh vênh giữa lưng chừng đồi, xung quanh là cỏ tranh, lau sậy, không nước sinh hoạt, không điện, đường. Khu đất này tự dân làng chọn, tự mở đường, san đắp nền rồi về đây ở. Tất cả các nhà đều tạm bợ, nhiều nhà bằng tre nứa trên nền đất yếu, nguy cơ sạt lở vào mùa mưa lũ rất cao. Hỏi trưởng nóc Đinh Văn Mác, vùng đất dân làng chọn có tốt không, ông đáp: “Chưa biết. Phải ở một thời gian đã rồi mới biết. Nếu trong làng có người tự tử nữa thì phải chuyển đi nơi khác”.
Hồ Thị Diên có chồng là Hồ Văn Danh treo cổ tự tử, nhắc đến cái chết của chồng, Diên không hề biểu hiện sự đau khổ mà chỉ thấy ánh mắt đầy sợ hãi né tránh. Dân làng kể, hôm trước khi chết, Danh xách dao và dây ra bìa rừng để tự tử. Người nhà phát hiện, dẫn về khuyên ngăn đủ lời. Sáng sớm người nhà và dân làng tá hỏa vì Danh treo cổ chết trong nhà. Rùng rợn hơn là Danh treo cổ ngay chỗ treo xương thú, đầu heo nơi linh thiêng của gia đình mình. Với người dân Xê Đăng đó là điều hết sức tối kỵ. “Hai vợ chồng không có cãi vã, gây gổ gì hết. Nó uống rượu. Nó điên nên nửa đêm treo cổ. Ngủ dậy thấy nó treo cổ chết cạnh đầu heo, xương thú sợ lắm. Nó chết dân làng bảo phải cúng. Mình cúng 5 con gà rồi bỏ nhà đi với làng. Không đi sẽ có người chết nữa!”, Diên kể.
Qua nơi mới, Diên phải dựng tre, căng bạt làm nhà tạm bợ để 3 mẹ con ở. Bên trong trống trơn, ngoài chăn chiếu chỉ có ít xoong nồi nấu nướng của ba mẹ con. Hỏi Diên có tiếc nhà cửa đất đai ở nơi ở cũ không? Diên đáp lạnh lùng: “Tiếc gì mà tiếc. Nhà đó, khu đó bị ma ám rồi mà”.
Hồ Thị Diên bên căn nhà cũ bỏ hoang vì có chồng “chết xấu”.
Vợ chồng ông Trần Ngọc Loan và gia đình hai người con trai với hơn 10 nhân khẩu đang chen chúc trong căn nhà tạm bợ chật chội trên đồi. Con gái ông là Trần Ngọc Giang treo cổ tự tử hồi tháng 5. Ông theo dân làng ra đi, nhà cũ bỏ lại. “Chỗ cũ sướng hơn vì có điện có nước nhưng sợ quá nên phải đi. Giờ về nơi đây dân phải tự kéo điện, kiếm nguồn nước để dùng. Giờ phải chờ hết cữ, nếu trong làng có 2, 3 người tự tử trong một tháng là dân làng phải đi tìm nơi ở mới”, ông Loan cho biết.
Đất tốt hay xấu theo dân làng phải chờ hết cữ rồi mới quyết định. Nhưng nhìn những nóc nhà liêu xiêu bên vực sâu hun hút thì tốt xấu hay không chưa nghĩ, nghĩ đến mùa mưa bão tới đây thôi cũng đủ sợ và ớn lạnh rồi.
Rượu và hủ tục
Thượng tá Huỳnh Ngọc Thành, Phó trưởng Công an huyện Nam Trà My, cho biết: số lượng người treo cổ tự tử tăng đột biến trong năm 2015 do hủ tục, quan niệm lạc hậu của người dân không biết quý trọng mạng sống. Khi xảy ra sự việc lực lượng công an có mặt điều tra nhưng người dân sợ không ai nói gì. Họ bảo đó là chết xấu, không ai làm gì cả.
Theo ông Thành, nguyên nhân chủ yếu vẫn do quan niệm lạc hậu cùng với nạn rượu chè dẫn đến mâu thuẫn cá nhân, vợ chồng gây gổ, uất ức rồi tìm đến cái chết. Tuy nhiên có trường hợp như Hồ Thị Thêm, là đảng viên, cán bộ xã Trà Nam, là người có trình độ nhưng vẫn ăn lá ngón tự tử một cách khó hiểu. Ngồi nói chuyện, hỏi Hồ Thị Diên có biết uống rượu không, Diên lắc đầu: “Không có uống”. Ấy nhưng miệng tỏa mùi rượu nồng nặc.
Nghe chúng tôi bảo về nơi ở cũ chụp hình, Diên xin đi cùng, rồi bảo: “Mình về thăm nhà, chứ đi cả tháng rồi chưa về, cũng thấy nhớ”. Ông Phó chủ tịch xã, rỉ tai: “May nhờ có mấy anh, có men rượu trong người mới dám về đó. Chứ bình thường thì không dám quay lại đâu. Dân đây sợ ma quỷ lắm”. Quay về nhà cũ, nhưng Diên chỉ đứng bên ngoài hiên, không dám vào trong. Xong rồi đi một mạch ra quán mua bịch rượu mang về làng.
Những căn nhà tạm bợ ở nơi ở mới.
Hôm chúng tôi lên, ở nơi ở mới, dân làng Măng Dí 4 vừa tổ chức cúng xong. Bao nhiêu rượu dân làng mang ra uống. Gái trai, già trẻ ai cũng uống. Ông Loan và con cùng nhau ngồi uống rượu hả hê. Vợ ông, bà Hồ Thị Thiên và con dâu là Hồ Thị Vái cũng ngồi uống. Họ uống rượu bằng tô nhựa to đùng, mồi chỉ là một xiên thịt nướng qua lửa. Vợ ôm tô, chồng ôm tô đầy rượu cứ thế mà uống. Uống vào một lúc ai cũng say nói lè nhè. Nhìn cảnh dân làng ngồi uống rượu say sưa thì ma quỷ đâu chẳng thấy, chỉ thấy ma men hiện hình.
Những ngày ở Nam Trà My, tôi nghe câu chuyện có thật về ông Hồ Văn Reo, nguyên là Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam là người dân tộc Xê Đăng ở xã Trà Linh. Ông làm đến chức vụ thế kia, ít ai ngờ lúc về hưu về lại Trà Linh, vợ chết, ông Reo vẫn theo hủ tục nối dây xa xưa của dân làng, lấy em vợ. Nhiều cán bộ huyện lắc đầu: “Không thể hiểu nổi”.
Ông Trần Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Trà Nam kể, trong số các vụ tự tử bằng lá ngón trong năm 2015 có 3 vụ đã được cứu sống. Trong đó, trường hợp ông Hồ Văn Liêm ở thôn 5, là con rể của Bí thư chi bộ thôn 5. Liêm bực tức chuyện gia đình, trong cơn say ra sau vườn hái lá ngón ăn. Người nhà phát hiện kịp thời, y tế thôn bản vào đập mấy quả trứng gà cho ăn, để nôn và khoanh độc tố, rồi đưa xuống huyện súc ruột nên được cứu sống. Trở về từ cõi chết, Liêm sợ khiếp vía. Hỏi Liêm có dám nữa không, Liêm lắc đầu, khiếp đảm. Tất cả cũng chỉ vì rượu mà ra.