Xóa hủ tục, tuần tra biên giới

ĐVTN Hà Giang ngày càng khẳng định sức trẻ trên những rẻo cao. Ảnh: Xuân Tùng
ĐVTN Hà Giang ngày càng khẳng định sức trẻ trên những rẻo cao. Ảnh: Xuân Tùng
TP - Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Giang Vương Ngọc Hà nói rằng, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) Hà Giang luôn chung tay góp sức xóa bỏ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, đồng thời tham gia tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc…

Xóa bỏ hủ tục

Là người La Chí, có điều kiện gắn bó với các dân tộc khác sinh sống ở Hà Giang, với vai trò là Bí thư Tỉnh Đoàn, chị có trăn trở gì về hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống?

Hà Giang có 19 dân tộc anh em cùng chung sống, có những nét văn hóa khác nhau. Bên cạnh những phong tục, tập quán đẹp, thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng, vẫn còn những hủ tục tác động rất lớn tới giới trẻ, trong đó nghiêm trọng nhất là tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Khoa học đã nghiên cứu và kết luận, tảo hôn, đặc biệt là hôn nhân cận huyết có nhiều hệ lụy dẫn đến thế hệ sau thấp, còi, thậm chí mang nhiều bệnh tật, ảnh hưởng đến cuộc sống và thế hệ kế cận. 

Là người La Chí, tôi hiểu, việc kết hôn cận huyết, tảo hôn là do điều kiện sống và tư tưởng của người dân. Họ kết hôn sớm vì muốn có người về chăm sóc gia đình, làm lụng phát triển kinh tế. Rất nhiều em gái bỏ học, chấp nhận lấy chồng sớm để làm lụng cho chồng đi học, hoặc trở thành lao động chính ở nhà chồng. Tình trạng hôn nhân cận huyết vì tư tưởng lạc hậu, muốn tác hợp người trong nhà để gần gũi, thân thiết hơn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới ĐVTN đồng bào dân tộc. 

Do đó, Tỉnh Đoàn Hà Giang nhận thấy cần thiết phải phát huy vai trò xung kích của ĐVTN vận động, giải thích để nhân dân hiểu và chung tay xóa bỏ hủ tục. 

Hiện nay, mô hình phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở Bản Phùng (Hoàng Su Phì) bước đầu đạt kết quả rất tốt. Chị đánh giá mô hình này và việc tiếp tục triển khai ra sao?

Xóa hủ tục, tuần tra biên giới ảnh 1 Bí thư tỉnh Đoàn Hà Giang Vương Ngọc Hà 

Để giải quyết tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết, điều quan trọng là phải thay đổi nhận thức của người dân. Tỉnh Đoàn chọn xã Bản Phùng làm mô hình điểm. Tại đây, ĐVTN phối hợp với các cơ quan, ban ngành của xã, bản vận động thanh niên ký cam kết không tảo hôn, kết hôn cận huyết; tuyên truyền không đi ăn cưới trường hợp tảo hôn, không giúp đỡ nhà có đám cưới tảo hôn. 

Bên cạnh đó, vận động những người già trong làng, bản không xem ngày cưới, không nhận làm lễ cho những người tảo hôn. Theo kế hoạch, thời gian tới, mỗi huyện sẽ có một xã tổ chức mô hình điểm. Đến năm 2015 sẽ triển khai đồng loạt trong toàn tỉnh, hy vọng sẽ giải quyết được hủ tục này.

Dốc sức bảo vệ biên cương

Ngoài kết quả tích cực trong xóa bỏ hủ tục, Hà Giang cũng làm rất tốt việc huy động ĐVTN các xã biên giới tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Xin chị cho biết hướng đi của mô hình này thế nào?

Hiện nay, đã có 45 xã vùng biên tại các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Xín Mần… thành lập các đội thanh niên xung kích vì an ninh Tổ quốc. Việc thành lập các đội này xuất phát từ tình hình thực tế của vùng biên có nhiều vấn đề như: vượt biên sang Trung Quốc làm thuê trái phép; tội phạm buôn bán người; trộm cắp gia súc; truyền đạo trái pháp luật… Tỉnh Đoàn đã phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự, Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh… tổ chức tập huấn những kỹ năng, kiến thức cần thiết cho ĐVTN tham gia vào Đội xung kích. 

Thời điểm ban đầu khi thực hiện tại một số nơi cho thấy mô hình có nguy cơ thất bại. Các đội hoạt động mà không có nguồn kinh phí hỗ trợ. Các thành viên tham gia theo kiểu “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, trong khi rất cần có thu nhập để đảm bảo cuộc sống. 

Giải quyết khó khăn này, Tỉnh Đoàn có lập Đề án 05 về hoạt động của đội xung kích an ninh gắn với phát triển kinh tế. Mục đích nhằm phát huy sức trẻ của thanh niên cống hiến để bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ đường biên, đồng thời là những người phát triển kinh tế giỏi để đủ nuôi gia đình và yên tâm cống hiến. 

Đến nay, một số đội đã huy động được nguồn vốn để tặng hàng chục dê, bò giống cho các đội. Việc lồng ghép hoạt động này giúp đỡ gia đình thanh niên tăng thêm thu nhập, qua đó, thuyết phục thanh niên trong bản và bà con hiểu, ngoài thực hiện nghĩa vụ với quê hương, Tổ quốc, thanh niên cũng có những quyền lợi nhất định để tiếp tục phấn đấu, cố gắng, duy trì hoạt động bền vững, hiệu quả. Các thành viên trong đội sẽ là hình mẫu về phát triển kinh tế để các thanh niên khác và đồng bào học tập, góp phần giảm tình trạng thanh niên sang Trung Quốc lao động trái phép. 

Tỉnh Đoàn có những kế hoạch gì để phát huy sức trẻ, vai trò của cán bộ Đoàn trong việc dẫn dắt thanh niên bước qua nghèo nàn, lạc hậu, phát triển vươn lên?

Việc phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên vùng cao khó gấp nhiều lần khu vực đồng bằng, thành phố. Một phần do kiến thức, kinh nghiệm không có, phần vì điều kiện, đường sá đi lại rất khó khăn. 

Tỉnh Đoàn đã và đang phối hợp với nhiều đơn vị, trong đó có Ngân hàng Chính sách xã hội để có cán bộ tư vấn, hỗ trợ thanh niên vay vốn hiệu quả; phối hợp với các phòng Nông nghiệp thành lập CLB kỹ sư nông nghiệp trẻ tư vấn cho ĐVTN kỹ thuật nuôi, trồng. 

Tỉnh Đoàn cũng tổ chức các mô hình kinh tế điểm như nuôi cá rô phi, nuôi bò, dê, liên kết với các đơn vị bạn tặng bò, dê cho các đội thanh niên xung kích, tình nguyện… 

“Việc gì của xã hội có liên quan đến thanh niên phải luôn nghĩ đó là việc của mình để tham mưu hoặc trực tiếp giải quyết. Nói đi đôi với làm, khi đề ra chương trình cả hệ thống cùng vào cuộc, khâu tổ chức phải có sức hiệu triệu và chạm đến trái tim thanh niên”.

Bí thư tỉnh Đoàn Hà Giang Vương Ngọc Hà 
ĐVTN và bà con trên này phải nhìn tận mắt thì mới tin và làm theo. Có như thế, ĐVTN mới hăng hái tham gia vào các nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự làng bản, gìn giữ biên cương, đồng thời tham gia bài trừ các hủ tục như tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Mặt khác, Tỉnh Đoàn cũng sẽ chỉ đạo rà soát lại các mô hình tốt, cách làm hay để tôn vinh, biểu dương và nhân rộng. 

Mọi chương trình đến nay đều ổn vì ĐVTN đã thấu hiểu, nhưng để chuyển biến thành hành động là việc không dễ, phải có lộ trình. Tôi luôn quan niệm rằng, nói đi đôi với làm, cả hệ thống cùng vào cuộc, khi đã tổ chức phải có sức hiệu triệu và chạm đến trái tim thanh niên. Việc gì của xã hội có liên quan đến thanh niên phải luôn nghĩ đó là việc của mình để tham mưu hoặc trực tiếp giải quyết, tránh tình trạng “chém gió”, tuyên bố xong rồi bỏ đấy.

Cảm ơn chị.

Đến nay, Hà Giang có gần 100 trang trại và khoảng 500 mô hình sản xuất, chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ triển khai có hiệu quả, giải quyết việc làm cho đại bộ phận lao động là thanh niên nông thôn với nhiều hình thức như làm đổi công, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc thường xuyên, đã có khoảng một nửa số trang trại, mô hình thuê lao động từ 5 đến 10 người/năm.

MỚI - NÓNG