Chị em cùng tảo hôn
Chiều xuống, núi rừng Phước Thành (Phước Sơn, Quảng Nam) âm u như đôi mắt u buồn của 2 chị em Hồ Thị Hít và Hồ Thị Hí (cùng trú tại thôn 2). Người nhà khẳng định Hí sinh năm 2001, năm nay vừa 14 tuổi, nhưng con gái Hí đã kẹp được nách. Năm ngoái, nghỉ hè, Hí có bầu với Hồ Văn Song (19 tuổi) người cùng làng. Vì không đủ tuổi đăng ký nên Hí và Song không tổ chức đám cưới mà dẫn nhau về cùng sống trong căn nhà tạm hai gia đình dựng lên ngay đầu làng. Hai “vợ chồng” âm thầm sống với nhau và đứa bé chào đời. Vì mang bầu nên Hí phải nghỉ học. Ngoài Hí, tại xã Phước Thành còn có hai trường hợp nữ sinh khác cùng độ tuổi phải nghỉ học để lấy chồng.
Hỏi Hí có muốn đi học nữa không? Em cúi gầm mặt: “Em muốn đi học nhưng giờ có con rồi ai giữ con cho mà đi. Giờ đến lớp xấu hổ với bạn bè lắm”. Dân làng bảo, Hí vốn là đứa trẻ ngoan và ham học. Chuyện tình cảm giữa Hí và Song nảy sinh, rồi Hí có bầu khiến dân làng ai cũng bất ngờ vì cũng đã khá lâu người dân thôn 2 mới có người tảo hôn sớm vậy. Hỏi Hí và người nhà em rằng, chính quyền có biết không? Có nói gì không?. “Biết chứ. Chúng em ra xã xin đăng ký nhưng xã không cho vì chưa đủ tuổi. Lỡ có bầu, nên dắt nhau về sống, bao giờ đủ tuổi thì kết hôn, giống chị em vậy”, Hí vừa trả lời vừa đưa mắt nhìn về phía Hít đang thẫn thờ vì nhớ con.
Hít vừa từ Thanh Hóa về lại Phước Thành sau khi chia tay chồng và xa con thơ. Hít năm nay tròn 20 tuổi, dáng người nhỏ con hơn em mình, nhưng con đầu đã gần 4 tuổi. Hít ôm mặt khóc nức khi nhắc đến chuyện chồng, con. “Em nhớ con lắm. Chia tay, tòa không cho con ở với em vì em nghèo, không có công ăn việc làm, không đủ sức để nuôi con”, Hít nói trong nghẹn ngào.
Cuộc đời và chuyện tình cảm, gia đình của Hít buồn, đẫm nước mắt. Học đến lớp 5, hoàn cảnh nghèo khó Hít phải nghỉ học theo đoàn cõng chuyến gùi hàng thuê vào các bãi vàng mưu sinh. Năm 16 tuổi, trong những lần cõng chuyến giữa rừng sâu, Hít gặp và quen chàng trai quê ở Thanh Hóa rồi nảy sinh tình cảm. Chuyện tình yêu giữa rừng sâu, phận gái gửi thân, Hít có bầu ngoài ý muốn. Chàng trai kia không phũ phàng như các phu vàng khác mà dẫn Hít về ra mắt gia đình đàng hoàng. Vì không đủ tuổi kết hôn nên hai vợ chồng dẫn nhau về sống ở Thanh Hóa.
Cứ ngỡ đời Hít sẽ vẹn toàn, êm ấm. Ai ngờ hạnh phúc chóng đổ vỡ. Hít kể trong nước mắt rằng: Năm 2012 em về nhà chồng sinh con, khi đủ tuổi 2 vợ chồng mới dẫn nhau đi kết hôn. Dù có vợ, có con nhưng chồng Hít đi theo người con gái khác. Trong khi đó cuộc sống nhà chồng cũng không lấy gì khá giả, Hít bị đối đãi, làm việc như một nô lệ. Không chịu được, Hít quyết định ly hôn. Cách đây mấy tháng, tòa xử ly hôn và chia cắt Hít và con. Hít khăn gói về quê, về đến nhà thấy em gái mình tay cũng đã bồng con. Hai chị em chỉ biết ôm nhau khóc mà thương cho phận đời của nhau.
“Em đã trót dại. Ai ngờ em mình cũng vậy. Giờ mọi việc đã rồi. Em chỉ biết động viên em mình cố gắng nuôi con. Mai này, sướng khổ ráng chịu”, Hít tâm sự.
Học sinh trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Phước Sơn ăn ở sinh hoạt tại trường. Tuy nhiên, dịp hè về lại nhà nhiều em đã phải nghỉ học vì phải lấy chồng và có bầu.
Học sinh nghỉ học vì… có bầu
Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Phước Sơn bước vào năm học này vừa vắng đi 8 nữ sinh gồm Hồ Thi Phiêu, Hồ Thị Thừa, Hồ Thị Tư, Hồ Thị Mào, Hồ Thị Gời, Hồ Thị Lan, Hồ Thị Hiệp, Hồ Thị Nia. Cầm danh sách 8 học sinh nữ nghỉ học trong đó có 2 em đã có bầu, cô Phạm Thị Thứ, Hiệu trưởng nhà trường không giấu được nỗi buồn: “Dịp hè, nhà trường tổ chức bàn giao học sinh về cho địa phương và gia đình quản lý. Bước vào năm học mới, học sinh không đến lớp, tổ công tác của nhà trường lặn lội vào đến tận nơi thì mới hay các em đã lấy chồng, có em đã có bầu. Giáo viên, nhà trường vận động nhưng các em không quay lại vì xấu hổ với bạn bè, vì nhà chồng không cho đi. Tất cả các em đều chưa đủ tuổi kết hôn”.
Cũng theo cô Thứ, tình trạng học sinh bỏ học, tảo hôn tái diễn rải rác trong những năm gần đây và không riêng gì trường Phổ thông dân tộc nội trú mà ngay cả trường THPT Khâm Đức ngay đối diện cũng có. Nguyên nhân chủ yếu là do tập tục của người dân còn lạc hậu, tục “bắt vợ”, “bắt chồng” vẫn chưa thể xóa bỏ, các em học sinh về hè không có người quản lý.
Theo cô Thứ, chuyện tảo hôn ở các xã vùng cao huyện Phước Sơn không chỉ xảy ra trong năm nay mà âm ỉ nhiều năm trước đó. Tuy nhiên, vào đầu năm học 2015-2016 số lượng học sinh nghỉ học để lấy chồng, mang bầu tăng khiến nhà trường rất lo ngại và ảnh hưởng đến thành tích thi đua, nỗ lực đạt chuẩn của nhà trường.
Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Phước Sơn.
Tiền tỷ có ngăn được tảo hôn?
Bà Đinh Thúy Mai, Giám đốc Trung tâm Dân số và kế hoạch hóa gia đình huyện Phước Sơn, dè dặt cung cấp con số tảo hôn trong hai năm 2014 và 2015, với 89 trường hợp. Trong đó, năm 2015 có 34 trường hợp tảo hôn.
Theo bà Mai, từ năm 2014 sau khi xảy ra trường hợp 3 trẻ tử vong chỉ trong một ngày, mà cả 3 người mẹ đều mới 17 tuổi. Ngành chức năng Phước Sơn tiến hành khảo sát thì phát hiện năm đó có 55 trường hợp tảo hôn trong tổng số 292 trường hợp kết hôn. Đa số các trường hợp tảo hôn đều là con em người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, cũng có vài trường hợp là người Kinh sống ngay thị trấn Khâm Đức. Tình trạng tảo hôn vẫn xảy do phong tục tập quán của người dân chưa thay đổi, cùng với đó là sự kém hiểu biết về pháp luật. Ngành chức năng đã vận động, tuyên truyền nhưng chưa cải thiện được nhiều.
Cũng theo bà Mai, hiện nay việc tảo hôn nghe qua tưởng chừng là phần trách nhiệm của ngành Dân số kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, một mình Trung tâm không thể làm được vì nguồn kinh phí cho hoạt động ngăn chặn tảo hôn từ trước tới nay không có. Trung tâm chỉ có thể lồng ghép và tận dụng các nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, chương trình khác mà thôi. Trong khi đội ngũ cán bộ rất hạn chế. Về lâu dài để hạn chế nạn tảo hôn ắt phải có sự chung tay của các ban ngành, cộng đồng, không riêng gì ngành dân số như hiện nay. Khó khăn là kinh phí để đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân. “Chúng tôi đề nghị tăng kinh phí. Nhưng có tiền rồi cũng cần có cả thời gian. Nhận thức của người dân không thể thay đổi trong ngày một ngày hai. Tuyên truyền, vận động để ngăn chặn thôi, chứ hết hẳn thì khó”, bà Mai cho biết.
Trước vấn nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết xảy ra ở vùng cao, tháng 10/2015, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020”(giai đoạn I), với tổng kinh phí thực hiện hơn 10,2 tỷ đồng. Đề án sẽ được thực hiện từ năm 2015 đến năm 2020, trên địa bàn 73 xã của 10 huyện có đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Tuy nhiên, liệu đề án tiền tỷ trên có ngăn được nạn tảo hôn đang âm ỉ ở những bản làng hẻo lánh kia hay không, thì chưa ai dám chắc!
“Năm nào nhà trường cũng phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tiến hành các chương trình ngoại khóa, tuyên truyền giáo dục về giới tính, sức khỏe sinh sản nhưng xem ra chưa hiệu quả. Sau khi kết thúc năm học về lại làng bản, không người quản lý theo dõi, các em yêu nhau rồi mang bầu mà không hay. Nhiều trường hợp, gia đình bắt ép lấy chồng theo tục bắt vợ, bắt chồng. Lúc nhà trường và chính quyền phát hiện thì đã lỡ rồi, các em đành nghỉ học về nhà chồng”, cô Phạm Thị Thứ, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Phước Sơn, cho biết.