Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ |
"Xem xét lại quy trình cấp phép"
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ cho rằng, vừa qua xảy ra nhiều vụ cháy nghiêm trọng, đặc biệt vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương vừa qua. "Đến giờ đã có 32 người thiệt mạng, đó là thảm họa", ông Hạ nói và cho rằng, trước hết cần xem xét trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương, cũng như trách nhiệm của cơ quan cấp phép.
“Rõ ràng phải xem xét quy trình cấp phép đã thực sự đảm bảo chưa, hiệu quả chưa. Vụ việc vừa qua xảy ra là rất nghiêm trọng. Nhiều vụ cháy xảy ra, thậm chí vụ sau còn nghiêm trọng hơn vụ trước, đây là dấu hiệu phải cảnh báo. Bây giờ, các cơ quan chức năng phải rà soát ngay tại địa bàn mình, để kiểm tra lại, đánh giá lại, xem đơn vị nào không đủ tiêu chuẩn phải đóng cửa ngay, trước hết là phải đảm bảo an toàn, an ninh trước đã”, ông Hạ nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tạ Văn Hạ, cần phải nâng cao nhận thức, trước hết là chủ hộ kinh doanh, chủ cơ sở quán karaoke, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương; đồng thời tuyên truyền, trang bị thông tin, kỹ năng thoát hiểm, ứng phó trong các tình huống sự cố cháy nổ.
“Vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương, nhiều nạn nhân là nhân viên phục vụ. Vậy bao nhiêu nhân viên được trang bị kỹ năng phòng cháy chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm? Người ta phải tự có những kỹ năng để thoát hiểm, tự bảo vệ mình, cũng như bảo vệ khách hàng”, ông Hạ cho hay.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng cho rằng, có thể những quy định hiện giờ không còn phù hợp, phải rà lại các tiêu chí, tiêu chuẩn xem đã tuyệt đối an toàn chưa, đảm bảo chưa. “Khâu tuyệt đối an toàn là quan trọng và giấy phép được cấp đấy đã đảm bảo chưa, đây là vấn đề phải xem xét kỹ”, ông Hạ nêu.
Theo ông Hạ, cần tính toán, có quy định phòng cháy chữa cháy nghiêm ngặt hơn, cao hơn đối với cơ sở karaoke, ví dụ như yêu cầu phải có các mặt nạ chống ngạt khói tại các phòng hát, có tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn, đặc biệt hơn.
Đại biểu cũng cho rằng, trong các vụ cháy, không thể nói không có chuyện buông lỏng quản lý, nhưng vấn đề đặt ra là đã xử lý được ai chưa? “Khi kiểm tra, phát hiện ra sai phạm phải xử lý và xử lý nghiêm, không thể xem nhẹ điều này”, ông Hạ nói.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An |
Vụ hỏa hoạn ở Bình Dương là thảm họa
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh đánh giá, diễn biến cháy nổ thời gian qua gây thiệt hại lớn về người và tài sản. “Vụ hỏa hoạn ở Bình Dương không chỉ là cháy thông thường mà là thảm họa”, ông An cho hay.
Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, cần siết lại công tác quản lý, tiêu chuẩn kỹ thuật phòng cháy chữa cháy, nhất là ở các địa phương có khu công nghiệp, thành phố lớn, cơ sở kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là karaoke. “Thật ra, những vụ cháy này ban đầu chỉ là cháy nhỏ, nhưng nếu không dập nhanh và xử lý sớm, sẽ gây thảm họa như ở Bình Dương”, ông An cảnh báo.
“Một cơ sở karaoke chỉ có một đường lên và xuống như vậy là không đảm bảo. Tất cả lại rào khung thì khi xảy ra cháy chắc chắn không thể cứu hộ được", đại biểu Trịnh Xuân An.
Về mặt pháp luật có luật, nghị quyết của Quốc hội, tuy nhiên, theo ông An, khâu quản lý, ý thức tuân thủ của người dân và cơ sở kinh doanh, khu công nghiệp lớn, nhà xưởng cần nâng cao.
“Lực lượng công an cần kiểm tra kỹ về giấy phép và tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy”, đại biểu lưu ý.
Ông An đề nghị các địa phương, đặc biệt với các thành phố lớn, phải rà soát lại toàn bộ. “Quán karaoke dùng nhiều vật liệu dễ cháy như xốp, mút, cách âm… mà để thành khung và ống, sẽ biến đây thành những quan tài khi xảy ra cháy”, ông An cảnh báo.
Ông An cho rằng: "Quán karaoke 10 tầng cũng được nhưng phải có cầu thang thoát hiểm, đường thông hơi và hệ thống phòng cháy chữa cháy chủ động như quy chuẩn. Do vậy quan trọng nhất là khâu quản lý, rà soát. Tuy nhiên điều này tạo ra sức ép cho lực lượng phòng cháy chữa cháy, nhưng khó cũng phải làm".
“Một cơ sở karaoke chỉ có một đường lên và xuống như vậy là không đảm bảo. Tất cả lại rào khung lại thì khi xảy ra cháy chắc chắn không thể cứu hộ được. Đối với khu công nghiệp, kho xăng dầu, khu phố cổ, khu dân cư cũ lâu nay chúng ta bỏ quên cũng cần rà soát lại hết”, ông An nói.
Đáng lưu ý, đa phần các vụ cháy nguyên nhân do chập điện, do vậy cũng có trách nhiệm của ngành điện và cơ quan quản lý về hệ thống, thiết bị điện.
"Phải đánh giá lại Nghị quyết về phòng cháy chữa cháy của Quốc hội đã được Chính phủ thực hiện ra sao. Thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc cháy rất lớn khiến Ủy ban Quốc phòng – An ninh rất sốt ruột khi xảy ra hậu quả như vậy”, đại biểu An cho hay.
Cũng theo đại biểu, để xảy ra vụ việc lớn phải đánh giá lại khâu quản lý, ai sai phạm hoặc có yếu tố tiêu cực thì phải xử nghiêm. Kể cả ý thức trách nhiệm, chủ quan của người dân cũng cần phải đánh giá.