Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), số dự án thua lỗ, không hiệu quả đã lên tới 72 dự án. Đây là vấn đề được đại biểu quốc hội đặt ra vào chiều 2/10, khi Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình triển khai thực hiện Luật đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020.
Đề cập đến việc quản lý nhà nước trong đầu tư công, ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Tạ Văn Hạ đặt câu hỏi: Cơ quan nào chịu trách nhiệm theo dõi chính về nguồn vốn đầu tư nhà nước? Theo ủy viên Tạ Văn Hạ, Luật này phải xác định rõ trách nhiệm chính thuộc về cơ quan nào.
Ông Hạ cho rằng vì không rõ trách nhiệm nên việc kiểm tra giám sát buông lỏng, chưa thực hiện hết trách nhiệm. "Cứ phân bổ là xong, còn đồng vốn đi đến đâu, hiệu quả thế nào lại không rõ ràng, không đi đến cùng. Đây cũng là nguyên nhân của 72 dự án (gần 43 nghìn tỷ) đầu tư không hiệu quả", ông Hạ nói.
Không đồng tình với nhận định trên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết, luật đã phân cấp rõ trách nhiệm của từng cơ quan đơn vị, trong đó Bộ KH&ĐT phân bổ vốn và thực hiện giám sát vấn đề này.
Chưa thỏa mãn với một số nội dung giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi: Luật quy rõ trách nhiệm rồi vậy thì những tồn tại, hạn chế thời gian qua, trách nhiệm thuộc về ai? Bộ KH&ĐT có trách nhiệm gì, bộ ngành khác có trách nhiệm gì?
Trước đó, căn cứ vào báo cáo gửi về từ các bộ ngành địa phương, Bộ KH&ĐT cho biết, tính đến 25/8, có 43 dự án của các doanh nghiệp nhà nước thuộc các bộ, 21 dự án thuộc các địa phương, 8 dự án thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước với tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng khoảng 42.744 tỷ đồng, là các dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả.
Trong tổng số 72 dự án không hiệu quả này, có tổng vốn ban đầu 33.725 tỷ đồng và tổng mức đầu tư được phê duyệt sau cùng là 42.744 tỷ đồng, tăng hơn 9 nghìn tỷ đồng.