Phải nâng vị thế của đại biểu QH
Đại biểu (ĐB) Lê Thanh Vân (Hải Dương) nói: “Ở nhiều nước, các đại biểu QH là những chính khách, có quyền lực nhất định, nhưng ở Việt Nam các đại biểu QH chỉ có quyền kiến nghị”. Hiện nay, khi đại biểu QH phát hiện ra một sai phạm nào đó thì chỉ có quyền kiến nghị, nếu kiến nghị không được chấp nhận thì kiến nghị lên cấp cao hơn, mà không có quyền đình chỉ vụ việc.
“Như vụ việc tại Vinashin, nhiều đại biểu QH phát biểu yêu cầu làm rõ, nhưng thông tin đã không được cung cấp kịp thời. Do vậy, vấn đề quan trọng nhất là nâng cao vai trò, vị trí, quyền lực của các đại biểu QH lên một tầm cao mới”, ông Vân nói.
Về quy định có 20% đại biểu QH đề xuất thì mới bỏ phiếu tín nhiệm một vị trí do QH bầu và phê chuẩn, ĐB Lê Thanh Vân nói: “Đại biểu QH có thể trình luật ra Quốc hội thì có thể đề xuất với QH để bỏ phiếu tín nhiệm một ai đó.Từ đề xuất đó, QH có thể cho bỏ phiếu hay không bỏ phiếu tín nhiệm, đó sẽ là ý chí chung của toàn thể các đại biểu QH”.
Các đại biểu QH cho rằng, các cơ quan của QH hiện kiêm nhiệm quá nhiều việc. Do vậy, cần phân chia ra thành nhiều tiểu ban chuyên trách để việc giám sát được thực tiễn và hiệu quả hơn. Đại biểu Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận) cho rằng, Ủy ban Kinh tế của QH có thể tách ra thành nhiều tiểu ban như: Tiểu ban nông nghiệp - nông thôn, Tiểu ban công nghiệp… để việc giám sát hiệu quả và thực chất hơn.
ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, dự luật cần đảm bảo đáp ứng được 3 yêu cầu được thể hiện trong Hiến pháp về vị trí, vai trò của QH gồm: Cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và cơ quan lập pháp. Ông Quyền đề nghị dự thảo luật cần nâng cao vai trò, vị trí, phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của đại biểu QH.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội). Ảnh: Hồng Vĩnh
Đánh giá cao điểm mới trong dự thảo lần này, quy định về hoạt động giải trình, ĐB Nguyễn Đình Quyền đề nghị nên dùng từ “điều trần” thay cho “giải trình” để phù hợp với thông lệ của nghị viện thế giới, đồng thời cần tiếp tục cụ thể hơn nữa giá trị, hiệu lực pháp lý của các phiên điều trần nhằm góp phần hoàn thiện, khắc phục những kẽ hở của cơ chế chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Tăng số lượng đại biểu chuyên trách
Về số lượng đại biểu, một số ý kiến đồng tình quy định tổng số đại biểu QH không quá 500 người. Tuy nhiên, nếu quy định cứng, sẽ khó khả thi, nhất là khi không bầu đủ lại phải bầu bổ sung rất phức tạp. “Rất lâu rồi, QH mới bầu được đủ 500 đại biểu như khóa này. Nếu quy định cứng là 500 đại biểu thì khó thực hiện. Khi bầu không đạt, việc bầu lại thực hiện ra sao, sẽ vừa tốn kém, phức tạp”, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) phát biểu.
Tán thành quy định nâng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách tối thiểu ở mức 35%, ĐB Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) nói rằng, chúng ta mong muốn tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách nhiều hơn, tuy nhiên, quan trọng phải là chất lượng đại biểu được nâng lên như thế nào.
ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) đề nghị, dự thảo Luật nên quy định theo hướng bổ sung số lượng đại biểu chuyên trách tăng dần theo từng khóa, trong đó ấn định cụ thể tỷ lệ phần trăm cho số lượng đại biểu chuyên trách Trung ương và địa phương có tính đến các yếu tố dân tộc, các giai tầng trong xã hội.
Ông Hùng cũng kiến nghị dự thảo cần định lượng cụ thể thời gian hoạt động cũng như bổ sung quyền, nghĩa vụ cụ thể của các đại biểu không chuyên trách trước, trong và sau kỳ họp. Dự thảo cũng cần đổi mới hơn nữa các hình thức tiếp xúc cử tri một cách rộng rãi, linh hoạt hơn.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc, cần quan tâm, có quy chuẩn để có thể chọn được ĐB có đủ chất lượng. Hiện nay, một người gánh mấy cơ cấu thì không hiệu quả, chất lượng hoạt động không cao và vì thế phải quan tâm đến chất lượng đại biểu, coi đây là gốc của vấn đề.
ĐB Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) cho rằng, chất lượng đại biểu QH là đặc biệt quan trọng. Nếu chất lượng không tốt, sẽ hạn chế hoạt động của QH một cách đáng kể. “Đại biểu QH không nên theo dạng chính sách mà phải là người thực sự trí tuệ, năng lực và kiến thức để tham gia ý kiến thật xác đáng”, ông Cự nói.
Một số đại biểu đề nghị làm rõ vai trò của chức danh Tổng Thư ký QH. ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nói: “Không nên có chức danh Tổng Thư ký QH, nếu nó chỉ là sự thay đổi tên Chủ nhiệm Văn phòng QH hiện nay. Ông này sẽ là công chức hành chính cao nhất của QH, còn Văn phòng QH là cơ quan phục vụ. Vậy, các Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH có phải sẽ trở thành Phó Tổng thư ký hay không?”, ĐB Minh băn khoăn.