Đại biểu Quốc hội đề xuất nghiên cứu điều chỉnh tiền lương theo GDP

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đồng tình với phương án điều chỉnh tiền lương lần này, song đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) đề nghị, tới đây nên xem xét đưa ra công thức tính tiền lương theo GDP. Theo đó, khi GDP tăng tới chừng nào thì tiền lương sẽ thay đổi tương ứng đến đó.

Chiều 26/6, thảo luận tại Quốc hội nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ 1/7/2024, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng, phương án mà Chính phủ nêu ra ở thời điểm này là phù hợp.

Tuy vậy, đại biểu Nguyễn Quang Huân cũng góp nhiều ý kiến để việc cải cách tiền lương sau này phù hợp hơn với quy mô của nền kinh tế. Cụ thể, đại biểu đoàn Bình Dương cho biết, từ năm 2003 đến khi Trung ương ban hành Nghị quyết 27 (năm 2018), nước ta đã trải qua 4 lần cải cách tiền lương. Ở thời điểm năm 2003, khi đó GDP của Việt Nam khoảng 45 tỷ USD, còn hiện nay là hơn 450 tỷ, tăng gấp 10 lần.

“Chúng ta nên đặt ra công thức, cứ GDP tăng tới chừng nào thì chúng ta thay đổi tiền lương tương ứng đến đó. Nói cách khác là tăng lương theo tăng GDP, vì rõ ràng việc cán bộ, công chức quản lý một nền kinh tế 45 tỉ USD với 450 tỉ USD rất khác nhau”, ông Huân góp ý.

Đại biểu Quốc hội đề xuất nghiên cứu điều chỉnh tiền lương theo GDP ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương). Ảnh: Như Ý

Còn nếu tiền lương “cứ tăng theo cách để chống lạm phát hoặc chỉ đặt mục tiêu để bảo đảm đời sống”, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, không khuyến khích được cán bộ, công chức, viên chức - những người làm việc ở khu vực công. Bởi những người làm việc ở khu vực công, ngoài việc họ tự hào về vị trí xã hội, họ còn phải được yên tâm về thu nhập thì mới gắn bó lâu dài.

“Đây chính là cách phòng, chống tham nhũng hiệu quả ngay từ đầu. Vì khi lương đủ lớn, cán bộ, công chức đủ để trang trải, nuôi gia đình, xứng đáng theo mức đóng góp GDP tăng trưởng thì lúc đó họ sẽ không muốn tham nhũng, và rất e ngại khi dính vào tham nhũng, bởi họ có thể sẽ mất thu nhập như trước đây”, ông Huân nói.

Để cải cách toàn diện vấn đề tiền lương, đại biểu tỉnh Bình Dương đề xuất phải đưa ra công thức tính và căn cứ theo GDP hằng năm.

“Có thể chúng ta không kịp làm lần này, nhưng về lâu dài phải làm như thế mới là giải pháp căn cơ. Nếu làm được thế, chúng ta cũng đỡ vất vả với việc phải đi tích trữ, huy động các nguồn ngân sách để dự trữ như hiện nay”, ông Huân nói.

Đánh giá mức dự trữ hơn 913 nghìn tỷ đồng để phục vụ tăng lương là nỗ lực "rất lớn", tuy nhiên, theo đại biểu, nguồn lực này vẫn “chưa đủ lớn”, bởi nếu đủ lớn thì sẽ không phải đưa ra những phần trợ cấp từ 2,055 triệu đồng tăng lên 2,789 triệu đồng, tức là con số "rất lẻ".

“Như vậy rất khó cho đơn vị thực hiện. Tại sao không quy về 2,700 triệu đồng hay 2,800 triệu đồng, hay vì một lý do nào đó? Tôi nghĩ nên xem xét để thuận lợi cho quá trình thực hiện”, đại biểu Nguyễn Quang Huân nói.

MỚI - NÓNG