Đặc khu Hong Kong có gì đặc biệt?

Đặc khu Hong Kong có gì đặc biệt?
TPO - Dù trở về Trung Quốc từ ngày 1/7/1997, hệ thống hiến pháp riêng giúp Hong Kong giữ lại quyền tự trị rất cao, ngay cả trong các vấn đề về ngoại giao và quân đội.

Năm 1842, hoàng đế Trung Quốc nhượng đảo Hong Kong cho Anh để chấm dứt Chiến tranh Thuốc phiện lần thứ nhất. Trung Quốc sau đó nhượng đảo bán Cửu Long (một trong ba khu vực lớn nhất của Hong Kong) cho Anh năm 1860, chấm dứt Chiến tranh Thuốc phiện lần thứ hai. Năm 1898, sau chiến tranh Trung – Nhật lần thứ nhất, Trung Quốc cho Anh thuê vùng đất Tân giới (Hong Kong) trong 99 năm.

Đầu những năm 1980, các cuộc đàm phán giữa Anh và Trung Quốc dẫn đến Tuyên bố chung Trung – Anh năm 1984, mở đường cho việc trao trả Hong Kong về Trung Quốc năm 1997. Từ đó, Hong Kong trở thành khu hành chính đặc biệt của Trung Quốc với mức độ tự trị cao.

Theo nguyên tắc “Một đất nước, hai chế độ”, Hong Kong có hệ thống kinh tế và chính trị riêng với Trung Quốc. Ngoại trừ các vấn đề quân sự và đối ngoại, Hong Kong duy trì quyền tư pháp, lập pháp và hành pháp độc lập. Bên cạnh đó, Hong Kong cũng phát triển quan hệ trực tiếp với nước ngoài và các tổ chức quốc tế trong nhiều lĩnh vực phù hợp.

Hong Kong là một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới và liên tục được xếp hạng là một trong những thực thể kinh tế cạnh tranh và tự do nhất thế giới, với đồng tiền được giao dịch nhiều thứ 13 trong số các đồng tiền trên thế giới. Hong Kong cũng là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Hong Kong có mức thu nhập bình quân đầu người ở mức cao nhất thế giới.

Cấu trúc chính quyền

Chính quyền hiện tại của Hong Kong kế thừa từ mô hình chính quyền thuộc địa Anh có từ những năm 1850. Tuyên bố chung Trung – Anh năm 1984 quyết định “Hong Kong sẽ được hưởng quyền tự trị cao trong mọi lĩnh vực trừ các vấn đề quốc phòng và ngoại giao”. Do đó, Hong Kong vẫn duy trì hệ thống kinh tế tư bản và bảo đảm các quyền và tự do cho người dân trong ít nhất 50 năm sau thời điểm chuyển giao năm 1997. Những bảo đảm đó được ghi lại trong Luật cơ bản – văn bản tương đương hiến pháp của Hong Kong.

Lãnh đạo cao nhất của Hong Hong là Trưởng đặc khu, được bầu bởi một ủy ban gồm 1.200 thành viên qua bầu cử và thường do Chính phủ Trung Quốc bầu ra. Các trục cột trong chính quyền Hong Kong gồm Hội đồng hành pháp, Hội đồng Lập pháp, Cơ quan Công vụ và Tư pháp.

Quy trình hoạch định chính sách trước tiên được thảo luận tại Hội đồng lập pháp do Trưởng đặc khu đứng đầu, sau đó được chuyển đến Hội đồng Lập pháp để ban hành luật.

Cải cách chính trị và bầu cử

Trong Luật cơ bản của Hong Kong, hiệu lực từ ngày 1/7/1997, có 2 điều đáng chú ý nhất là Điều 23 (về “an ninh quốc gia”) và bầu cử chọn Trưởng đặc khu. Các dự luật cải cách về bầu cử đạt được một chút tiến bộ trong việc mở rộng ủy ban bầu cử trưởng đặc khu (từ 600 lên 800 năm 2007 và lên 1.200 năm 2012) và Hội đồng lập pháp (từ 60 lên 70 ghế).

Những tranh cãi liên tiếp giữa phe thân Bắc Kinh và phe đòi dân chủ là đặc điểm nổi bật nhất trong đời sống chính trị đương đại của Hong Kong từ khi thành phố này chuyển từ quyền quản lý của Anh về Trung Quốc. Bên cạnh những xung đột về hàng loạt chính sách xã hội, phúc lợi và kinh tế, chủ đề gây tranh cãi nhất là phổ thông đầu phiếu. Những khác biệt về tư tưởng dân chủ hóa cũng đã phủ bóng các dự luật về cải cách chính trị trong các năm 2004, 2009, 2012 và 2015.

Ngoại giao

Luật cơ bản của Hong Kong quy định tất cả các vấn đề ngoại giao đều do Bộ Ngoại giao Trung Quốc xử lý, nhưng đặc khu này vẫn giữ lại các quyền phát triển quan hệ với các tổ chức quốc tế, các cơ quan hợp tác và quyền tham dự các sự kiện thể thao và văn hóa.

Với tên gọi “Hong Kong, Trung Quốc”, Hong Kong đang là đối tác của các nước trong WTO, APEC, Ủy ban Olympic quốc tế, Liên đoàn bóng đá quốc tế (FIFA), Liên đoàn bóng rổ quốc tế (FIBA). Các văn phòng đại diện của Hong Kong ở nước ngoài xử lý hàng loạt lĩnh vực gồm kinh tế, thương mại, tài chính, vận tải biển, viễn thông, du lịch, văn hóa và thể thao.

Do có mức độ tự trị cao, Hong Kong cũng có chính sách hải quan và xuất nhập cảnh độc lập với Trung Quốc. Hong Kong vẫn giữ biên giới quốc tế với Trung Quốc thông qua hệ thống 5 trạm kiểm soát biên giới trên bộ, 3 điểm kiểm soát trên biển và sân bay quốc tế. Tuy nhiên, các đơn xin nhập cảnh lại do sứ quán Trung Quốc ở Hong Kong xử lý.

Quân đội

Từ tháng 7/1997, trách nhiệm duy trì quân đội ở Hong Kong được chuyển từ Anh sang lực lượng đồn trú của quân đội Trung Quốc ở Hong Kong. Lực lượng đồn trú này gồm lục quân, hải quân và không quân, đều phải báo báo tình hình cho Quân ủy Trung Quốc.

Luật cơ bản Hong Kong bảo vệ tất cả các công dân và các vấn đề dân sự trước bất kỳ sự can thiệp nào của lực lượng đồn trú. Khi đóng quân ở Hong Kong, tất cả các quân nhân đều phải ở trong doanh trại. Khi ra khỏi danh trại, tất cả những quân nhân này đều phải tuân theo luật Hong Kong. Cảnh sát đặc khu chịu trách nhiệm duy trì trật tự công cộng. Nhưng trong những tình huống bất thường như xảy ra thảm họa, cảnh sát Hong Kong có thể đề nghị quân đồn trú Trung Quốc hỗ trợ. 

MỚI - NÓNG