Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho rằng, chất lượng đá vỉa hè được quy định chặt chẽ tại Quyết định số 1303 ngày 21/3/2019 của UBND thành phố Hà Nội. Trước đó, mỗi quận đều tự làm nên không theo quy chuẩn. Từ thời điểm 2019 đến nay, chất lượng đá vỉa hè đã được cải thiện rất nhiều.
Tuy vậy, sau khi đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng đi thực tế thì vẫn còn nhiều thiếu sót trong quá trình thực hiện lát đá vỉa hè. Cụ thể, Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm tra 21 dự án lát hè trên địa bàn 5 quận: Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình và Tây Hồ. Một số hồ sơ thiết kế chưa quy định được rõ cường độ vật liệu đá lát hè, mạch lát (quận Ba Đình, Hai Bà Trưng); Theo kết quả lấy mẫu, thí nghiệm thì một số tuyến chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4732:2016 về đá ốp, đá tự nhiên…
Ông Nguyễn Quang Huy cho biết thêm, ngoài chất lượng đá, chất lượng thi công thì công tác bảo quản là rất quan trọng. “Hàng ngày xe máy, ô tô leo trèo lên vỉa hè thì rất khó đảm bảo được chất lượng. Nhiều nơi tăng độ dày của đá thì chịu được cả ô tô 2 tấn leo lên, nhưng có thời điểm máy xúc, cẩu cũng leo lên hè để thi công thì không đá nào chịu được”, ông Huy nhận xét.
Do đó, trách nhiệm của UBND địa phương, tổ dân phố thực hiện giám sát cộng đồng là rất quan trọng để bảo đảm vỉa hè bền đẹp. Bên cạnh đó, Sở Xây dựng Hà Nội cũng có đề nghị các quận khi đăng ký lát đá vỉa hè cần tuân thủ các tiêu chuẩn mẫu UBND thành phố Hà Nội đã đưa ra.
Cần có trách nhiệm với… vỉa hè
Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thành phố giao cho ban quản lý dự án các quận làm chủ đầu tư tổ chức thực hiện dự án, tổ chức đấu thầu và lựa chọn đơn vị nhà thầu từ bước khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát thi công và xây dựng công trình.
Do vậy, trách nhiệm chính trong việc thi công, vận hành vỉa hè thuộc về các quận, huyện. Trong đó, phòng quản lý đô thị các quận là cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu và đôn đốc việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng lát hè trên địa bàn quận đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật công trình theo quy định.
“Quá trình quản lý chất lượng thi công vỉa hè còn có sự tham gia của Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, song, quá trình thanh tra thường diễn ra theo kế hoạch. Thêm đó, các cơ quan thuộc sở thường thanh, kiểm tra ở các dự án lớn, bao quát từ hạ tầng, đường sá, cấp thoát nước. Việc kiểm tra từng tuyến vỉa hè cụ thể mỗi năm chỉ có thể tiến hành trên vài chục dự án, không thể bao quát hết các tuyến đường trên toàn thành phố. Do vậy, việc quản lý chất lượng vỉa hè trước và sau khi thi công phụ thuộc chính vào UBND các quận”, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho hay.
PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, để thực hiện được việc bảo trì vỉa hè phải có văn hóa ứng xử với vỉa hè, gắn liền với nếp sống của người dân Thủ đô. Vỉa hè nên được trả lại đúng chức năng phục vụ người đi bộ. Đối với những nhà mặt phố được hưởng lợi ở vỉa hè phải có trách nhiệm giữ gìn, thực hiện đúng theo quy định, quy chế của thành phố khi sử dụng vỉa hè làm dịch vụ buôn bán.