Đã qua thời học tài thi phận

0:00 / 0:00
0:00
TP - Là kỳ thi lớn nhất trong 3 năm học THPT nhưng đến nay, với nhiều phương thức xét tuyển đại học, kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn cam go, “một mất một còn” như trước đây.

Từ tháng 5, nhiều phụ huynh, học sinh đã hồ hởi, phấn khởi khi nhận được kết quả xét tuyển đại học sớm. Kết quả này khiến không ít người thân bất ngờ, tò mò vì chưa tốt nghiệp THPT đã trúng tuyển đại học. Điều này chưa từng xảy ra đối với họ, những thế hệ 8x, 7x, muốn đỗ đại học phải trải qua ít nhất 2-3 kỳ thi và quan trọng nhất là phải thi tốt nghiệp rồi mới thi đại học hay thi 3 chung. Tôi vẫn còn nhớ mùa hè năm 1998, khi các thầy cô của trường báo tin một chị lớp 12 đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Văn năm đó mất cơ hội trúng tuyển vào ĐH vì thi tốt nghiệp môn Địa lý đạt điểm trung bình. Đây giống như một tiếng sét đối với chị và đối với lịch sử ngôi trường chuyên nổi tiếng thành Nam ngày đó. Sau cú sốc ấy, chị ấy đã lựa chọn học Trường viết văn Nguyễn Du (nay là khoa Khoa Sáng tác và Lý luận, Phê bình văn học trực thuộc Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) và không tham gia thi lại lần nào nữa.

Với gen Z ngày nay (thế hệ sinh từ những năm 2000), kỳ thi tốt nghiệp THPT đã giảm một nửa áp lực khi họ đã chắc trong tay tấm vé vào ĐH từ trước khi thi. Tốt nghiệp chỉ là điều kiện cần, không còn là điều kiện tiên quyết.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, những năm gần đây, phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ là 1 trong khoảng 20 phương thức được các trường đại học sử dụng để tuyển sinh. Như vậy chỉ 1/20 phương thức phụ thuộc hoàn toàn vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các con đường khác dẫn đến cánh cửa trường đại học của thí sinh rộng mở với các phương thức như xét học bạ, xét chứng chỉ ngoại ngữ, xét chứng chỉ đánh giá năng lực trong nước (do Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Quốc gia Hà Nội cấp) hay chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế (ACT, SAT)… Xét tuyển đại học đã đến gần hơn với phương thức chung của thế giới.

Tuy nhiên, phải thừa nhận quá trình học của học sinh vất vả hơn. Vì để có nhiều cơ hội xét tuyển, thí sinh phải tham gia nhiều kỳ thi hơn. Có thí sinh cảm thấy tẩu hỏa vì tham gia tới 3 kỳ thi trong thời gian ngắn. Nhưng nhờ tham gia nhiều kỳ thi, tình trạng “may rủi”, “học tài thi phận” không còn tồn tại. Số liệu hằng năm của Bộ GD&ĐT cho thấy, hơn 50% thí sinh có nhu cầu xét tuyển đại học đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm, chỉ gần 50% trúng tuyển bằng phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Việc xét tốt nghiệp với 30% số điểm được tính từ học bạ được coi là “phao cứu sinh” cũng giảm áp lực rất nhiều cho thí sinh. Cách tính điểm xét tốt nghiệp như hiện nay, nhiều thí sinh chỉ cần thoát điểm liệt là đỗ tốt nghiệp. Chính vì vậy, với những thí sinh đã trúng tuyển đại học bằng phương thức xét tuyển sớm, kỳ thi tốt nghiệp THPT giống như bài kiểm tra học kỳ hằng năm, không áp lực, không căng thẳng. Nhiều phụ huynh không khỏi sốt ruột khi thấy con không học hành, ôn tập gì dù ngày thi đã cận kề. Nhưng với xã hội, giảm áp lực cho học sinh cũng là cách để giảm những tác động tiêu cực, không đáng có lên cuộc sống hằng ngày. Sẽ đến lúc, thi cử trở về trạng thái bình thường, không còn hiện tượng nhà nhà đi thi, người đi thi như những mùa thi trước.

Nên chăng với những học sinh để trúng tuyển vào đại học sớm chỉ cần xét tốt nghiệp THPT, để giảm bớt gánh nặng chi phí tổ chức thi cử cho xã hội, và cha mẹ học sinh…?

MỚI - NÓNG