Đà Nẵng 'vượt rào' đưa người nghiện ma túy đi cai

Đà Nẵng 'vượt rào' đưa người nghiện ma túy đi cai
TP - Đà Nẵng lại thêm một lần “sáng tạo, vượt rào” với Trung ương khi đưa ra quy chế đưa người nghiện ma túy vào cai tại trung tâm có nhiều nét khác biệt so với Luật xử lý vi phạm hành chính của Trung ương. Mặc dù vậy, lần “vượt rào” này được nhiều địa phương hưởng ứng và học tập.

Đà Nẵng 'vượt rào' đưa người nghiện ma túy đi cai ảnh 1 Ông Lê Minh Hùng
Không thực tế, viển vông

Ông Lê Minh Hùng - Chi Cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTBXH Đà Nẵng) là một trong những thành viên sọan thảo uy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy riêng, không tuân theo Luật xử phạt vi phạm hành chính của Trung ương. Sở dĩ phải soạn thảo, theo ông Hùng là bởi hiện này Đà Nẵng 1.888 người nghiện có hồ sơ quản lý. Đây là con số chính thức, còn rất nhiều người nghiện lang thang ngoài đường, người từ địa phương khác tới… khiến tình hình vô cùng phức tạp.

“Trước đây không như thế, Đà Nẵng với mục tiêu 5 không 3 có, trong đó không có người nghiện trong cộng đồng đang được phấn đấu tốt. Bình thường những năm trước, tỷ lệ người tái nghiện ở Đà Nẵng khoảng 40%, trong khi đó cả nước là 80%. Đây là con số ấn tượng. Nhưng kể từ khi Luật mới ban hành, tình hình loạn cả lên. Vì thế chúng tôi bắt buộc phải soạn quy chế khác. Phải hiểu quy chế này chỉ là làm khác đi, linh hoạt hơn chứ không trái luật. Chúng tôi luôn tâm niệm, cái gì không mất quyền lợi của dân thì không trái luật. Mà quy chế này, không ai bị thiệt thòi cả” - ông Hùng nói.

“Khi đề án được đưa ra thảo luận, có rất nhiều ý kiến trái chiều, lo ngại sẽ bị Trung ương tuýt còi vì trái luật. Tuy nhiên, UBND thành phố cũng như Bí thư thành ủy Trần Thọ rất ủng hộ. Quan điểm của chúng tôi là không mất quyền lợi của dân thì không trái luật”.

Lê Minh Hùng - Chi Cục trưởng Chi cục
phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTBXH Đà Nẵng)

Nhận xét về Luật xử phạt hành chính, ông Hùng cho rằng, đây là Luật Nhân đạo, dành cho một đất nước, một xã hội tiến bộ, có điều kiện kinh tế xã hội, có nhận thức của người dân rất cao. “Nói thế không phải cho rằng đất nước ta chưa tiến bộ, nhưng thực tế mà nhận xét, nhận thức của chúng ta, của người dân chưa thể áp dụng được. Nó rất xa rời thực tiễn, không thể áp dụng được”.

Ông Hùng lấy ví dụ: Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định thì giao cho tổ chức xã hội quản lý trong thời gian chờ lập thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, mà tổ chức xã hội lại là những người làm việc ở các đoàn thể làm gì có chuyên môn điều trị, cắt cơn giải độc, đâu phải trạm xá nào cũng có 3 phòng kiên cố chống trốn thoát, chống thẩm lậu ma túy, chống nguy cơ tự sát hoặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người điều trị, các bệnh nhân khác…

“Đà Nẵng chỉ có 56 xã phường mà đã búi rồi, không thể làm được. Cứ thử tính TP HCM chẳng hạn, hoặc nhân rộng ra cả nước, chung ấy xã phường, chưa kể phòng ốc, lấy đâu ra con người trông coi. Nhìn thấy người nghiện, có khi sợ muốn bỏ chạy rồi, ai ngồi đó mà trông coi để chờ làm hồ sơ, đưa ra tòa. Đó là chưa nói đến thù lao trông coi, vô cùng nguy hiểm mà không chế độ, không công cụ hỗ trợ… ” - ông Hùng nhận xét.

Ngoài ra, một bất cập nữa được ông Hùng chỉ ra, đó là khi phát hiện người nghiện, công an lập xong hồ sơ, chỉ quản thúc 24 giờ, còn bên y tế cho phép thời gian của người nghiện được theo dõi 72 giờ. Vậy thời gian dư thừa họ làm gì? “Bởi thế, chúng tôi thấy những quy định đó là rất viển vông, thiếu thực tế”.

Đà Nẵng 'vượt rào' đưa người nghiện ma túy đi cai ảnh 2

 Một con nghiện đang chích ma túy. Ảnh: Ng. Khánh

Rút ngắn thời gian, lập cơ sở quản lý

Điểm sáng tạo của Đà Nẵng, theo ông Lê Minh Hùng là rút ngắn thời gian lập hồ sơ đưa người nghiện vào trung tâm một cách sớm nhất có thể chứ không tuân theo mốc thời gian như Luật ban hành.

“Đà Nẵng không chờ đến 72 tiếng để xác định nữa mà khi phát hiện, chúng tôi mời ngay y tế, gia đình đến chứng kiến rồi đọc hồ sơ luôn. Luật cho người nghiện có 5 ngày để đọc hồ sơ, nhưng ở đây, chúng tôi có đầy đủ các bộ phận, đặc biệt có sự chứng kiến của gia đình, người thân” – ông Hùng nói.

Nếu test xong có kết quả dương tính, người này sẽ được test ngay với sự có mặt của người có thẩm quyền, nếu có kết quả dương tính sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật: Phạt tiền nếu vi phạm lần đầu; lập hồ sơ đề nghị bắt buộc cai nghiện nếu từng có hồ sơ chứng minh liên quan đến sử dụng ma túy dưới 4 năm; giao cho gia đình quản lý trong khi chờ lập thủ tục nếu có nơi cư trú ổn định. Được biết, hiện Đà Nẵng đã lập một cơ sở quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định trong thời gian đưa ra tòa xét xử. Cơ sở này đóng ở Hòa Bắc, sát ngay trung tâm 05 - 06.

“Đóng ở đó để tòa xử xong đưa vào cho nhanh. Đầu năm đến nay Đà Nẵng mới chỉ lập được 7 hồ sơ, tòa xử 5 trường hợp, tất cả đều phải vào trại. Nói thẳng ra, đã đưa ra tòa thì chắc chắn vào trại cai nghiện. Nếu chưa đến tầm đi cai, các bộ phận lập hồ sơ họ đã loại ra từ bên dưới rồi, chưa đến mứ phải ra tòa” – ông Hùng khẳng định. Một điểm mới ở Đà Nẵng là thời gian rút gọn từ 3 ngày để chuyển ra tòa thay vì 17 ngày theo Luật. Tòa đưa ra xem xét phán quyết từ 5 - 7 ngày thay vì 15 ngày.

Ông Huỳnh Đức Thơ - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, đây là cách làm mới và rất hay của Đà Nẵng và sẽ quyết tâm theo đuổi, làm quyết liệt đến cùng. “Vì sao luật có hiệu lực từ 1/1 mà đến nay cả nước không đưa được người nghiện nào vào trung tâm? Đó là lỗ hổng.

Trước khi thực hiện quy chế mới, Đà Nẵng cũng đã thăm dò ý kiến Trung ương và các Bộ, ban ngành, nói chung chưa thấy ai phản đối”. Còn Bí thư thành ủy Trần Thọ cho hay, ông động viên, khuyến khích cách làm này và sẽ chịu trách nhiệm báo cáo, giải trình với Trung ương.

MỚI - NÓNG