20h, chị Trần Thị Lam Giang (30 tuổi, cán bộ trường Cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn) về nhà trên đường Kinh Dương Vương (quận 6, TP HCM). Đường khá vắng, các cửa hàng hai bên cũng nghỉ sớm.
Đang chạy khá nhanh, chị Giang bỗng thấy một người đàn ông chừng hơn 40 tuổi, ăn mặc lịch sự đi xe Air Blade biển số 67, từ phía sau vọt lên. Anh ta đi song song với chị một đoạn ngắn rồi quay sang hỏi: "Về Long An đi đường nào hả em?". Thấy cô gái không trả lời mà rồ ga chạy nhanh hơn, người đàn ông đuổi theo, hỏi tiếp: "Hướng về An Lạc đi thẳng hả em?".
Lam không trả lời, chỉ gật đầu nhẹ. Ngay lập tức, hắn chửi thề và quát to: "Tao hỏi mà không trả lời hả mày" rồi nhanh chóng ép xe cô gái vào lề, đứng sát bên. "Có nhiêu tiền móc hết ra", gã đàn ông gằn giọng.
Chị Lam bắt đầu hoảng loạn, vội lấy trong túi áo khoác bên trái tờ 500.000 đồng, run run đưa cho hắn. "Còn nữa, móc ra. Phía sau mày còn 2 thằng kìa. Tao kêu tụi nó xử mày bây giờ. Hay mày muốn tao chích mày một mũi", hắn quát và nhứ nhứ bàn tay trái có kẹp ống tiêm về phía cô gái.
Đến lúc này chị Lam mới nhận thấy cách đó không xa còn có hai thanh niên chở nhau trên chiếc xe máy, dừng bên đường. Thấy không thể kêu cứu, lại bị dí kim tiêm, chị đành lôi hết 2,5 triệu đồng đưa cho hắn.
"Hắn trông không có vẻ gì là nghiện ngập, ngược lại còn khá lịch sự. Nếu có người chạy qua thấy hắn đứng cạnh tôi chắc cũng nghĩ là bạn bè. May mắn là chiếc iPhone và một điện thoại khác còn ở túi áo bên phải không bị hắn lấy mất", chị Lam nói và cho biết sau đó đã đến Công an phường 13, quận 6 trình báo thì được cảnh sát cho hay cũng có vài người gặp cảnh tương tự.
Cũng gặp tình huống hoảng hồn vì người nghiện, song chị Thảo Nghi (25 tuổi) may mắn hơn khi không bị mất tài sản. Chị kể, tối 20/10 sau khi hết giờ làm việc ở quận 7 chị đi xe máy về và ghé vào một tiệm in ấn trên đường Lý Thái Tổ (quận 3). Khoá xe cẩn thận, chị vào trong nói chuyện với cô nhân viên cửa hàng thì bất chợt thấy một người đàn ông mặc sơ mi xám, bộ dạng luộm thuộm đang chễm chệ trên yên xe mình. Cô gái sợ đến nỗi không thở được khi hắn đưa tay chỉ vào xe và ra hiệu đưa chìa khoá cho hắn. "Tôi thất kinh hồn vía khi nhìn hắn lờ đờ, gương mặt rất dại", chị Nghi cho hay.
"Chị ra giữ xe đi, nó nghiện đó, nó lấy xe đó", cô nhân viên cửa hàng la toáng lên khiến chị Nghi cũng hét theo và chạy gần đến chiếc xe. Gã đàn ông bỗng nhiên chắp tay lạy và giơ 2 tay lên cho cô gái xem. “Lúc này tôi mới nhìn kỹ, 2 tay và người hắn loang lổ vết máu”, chị Nghi kể, giọng vẫn run run.
Sợ tên này có ống tiêm trong người, chị Nghi không dám lại gần mà chỉ đứng hô hoán. Lúc này, một nam thanh niên trong cửa hàng in cầm chiếc ghế sắt lao ra giương về phía gã đàn ông doạ nạt. Gã thanh niên không tỏ vẻ sợ sệt mà chỉ lừ đừ bước xuống xe, lẳng lặng quay đi như không có chuyện gì.
“Với tình hình nghiện ngập tràn lan ở Sài Gòn, tôi từng chuẩn bị tinh thần, cách phản ứng nếu bị người nghiện cướp xe bằng kim tiêm. Nhưng quả thật, có đụng chuyện mới biết không thể bình tĩnh, chỉ biết kêu cứu", chị Nghi nói.
Tệ nạn nghiện ma túy, vô tư chích hút từ khu trung tâm cho đến các con hẻm được lãnh đạo TP HCM đánh giá là "chưa bao giờ kinh khủng như hiện nay". Dù rất sốt ruột, song chính quyền không thể làm gì bởi vướng thủ tục. Không chỉ người dân hoảng loạn khi cứ ra đường là gặp người nghiện với kim tiêm lăm lăm trên tay mà ngay cả Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cũng bất an khi đối diện với người nghiện.
“Hôm đó tôi xuống quận 2 làm việc, ngay chỗ cây cầu sắt. Thấy một anh người thì xăm trổ, tay cầm ống tiêm ngồi trên cầu tôi cũng hoảng, không dám bước xuống xe", ông Quân cho biết tại cuộc họp với các sở ngành, quận huyện.
Hay trước đó, cũng trong một buổi họp, vị giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thuật lại câu chuyện "giám đốc trung tâm cai nghiện bị con nghiện xin tiền" khiến nhiều người giật mình. Tình huống xảy ra khi ông Hoàng Liên Sơn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Phú Nghĩa về nhà. Gặp người từng là học viên cai nghiện ma túy trước cổng, ông Sơn dừng lại hỏi thăm cuộc sống của người này thì nhận được câu trả lời: "Tái nghiện hết trơn rồi. Chú cho con mượn năm chục (50.000 đồng)".
Dân sau khi tỉnh táo tại cơ quan công an. Ảnh: H.V/ VnExpress
Chỉ ra nguyên nhân khiến tình hình an ninh trật tự đang diễn biến phức tạp, thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm nói: "TP HCM là nơi đông người nghiện nhất cả nước. Có đến 60% các vụ phạm pháp hình sự là do người nghiện gây án".
Hồi giữa tháng 8, Kiều Công Dân (36 tuổi, ngụ Hải Phòng) sau khi phê ma tuý đá đã lững thững đi đến phòng bảo vệ của bến xe khách Hoàng Long tại phường Hiệp Bình Chánh “kiếm chuyện”. Hắn la hét, đe doạ đuổi hết bảo vệ rồi chốt cửa lại. Ít phút sau, tên này trèo lên bồn nước tầng hai của văn phòng và chui vào trong bồn nằm đến tối.
Khi thanh tra của bến xe khách trèo lên yêu cầu Dân phải xuống, gã đàn ông nổi giận, chửi bới rồi bắt đầu chạy nhảy, giẫm đạp làm hư hại mái nhà. Hắn nhặt một đoạn sắt trên nóc, đập phá nhiều thiết bị của văn phòng bến xe. Nhận được tin báo, cảnh sát đã đến thuyết phục suốt nhiều giờ nhưng tên này không hợp tác, tiếp tục đập phá đồ đạc. Đến rạng sáng hôm sau, sau khi “quậy tưng” trên nóc, người đàn ông này trượt ngã và bị cảnh sát khống chế.
Tỉnh lại ở trụ sở công an, Dân khai do sử dụng ma tuý đá, gây ảo giác nên quậy phá. Cảnh sát xác định, người này từng làm bảo vệ tại đây nhưng do nghiện ngập nên bị đuổi việc. Từ đó hắn sống lang thang trên các đường phố Sài Gòn. Công an quận Thủ Đức đã cáo buộc người này về tội Huỷ hoại tài sản.
Cũng gây án trong cơn nghiện, mới đây, Đặng Văn Tuấn (44 tuổi) đã khoá cửa, đánh nhiều cái vào đầu người tình rồi siết cổ đến khi nạn nhân tắt thở. Hai ngày sau, khi thi thể cô gái bắt đầu phân huỷ, Tuấn kéo vào nhà vệ sinh, phân xác rồi bỏ vào 2 túi nylon dán kín miệng, cho vào bao tải đem vứt đầu hẻm 592 đường Võ Văn Kiệt (phường Cầu Kho, quận 1). Riêng phần đầu, tên này đem đến khu đất trống cỏ mọc um tùm dưới chân cầu Lò Gốm, phường 10, quận 6, để chôn giấu.
Người đàn ông nghiện ma tuý gây án. Ảnh: H.P
Báo cáo trong buổi làm việc của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với UBND TP HCM chiều 6/10, Phó giám đốc Công an TP HCM Phan Anh Minh cho biết, thành phố hiện có hơn 19.000 người nghiện, tăng hơn 7.000 so với năm trước. Từ đầu năm đến nay, thành phố không đưa được người nào đi cai do vướng Luật xử lý vi phạm hành chính (ban hành ngày 1/1).
Theo văn bản này, để đưa người nghiện đi cai phải thông qua nhiều cửa gồm: y tế, công an, lao động và cuối cùng tòa án sẽ lập hồ sơ quyết định. Cơ sở y tế chứng nhận làm chứng nhận cho người nghiện phải có chứng chỉ riêng của Chính phủ. Nhưng theo ông Minh, hiện cả TP HCM không có cơ sở y tế nào đạt tiêu chuẩn như vậy. Do không được đưa đi cai, người nghiện tụ tập thành băng nhóm, tổ chức các vụ phạm pháp hình sự.
Trước vướng mắc này, ngày 21/10, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội trong kỳ họp Quốc Hội, đoàn Đại biểu TP HCM đã kiến nghị Quốc Hội giao cho thành phố quản lý cắt cơn, giải độc, tư vấn tâm lý cho người cai nghiện trong khi chờ thành lập hồ sơ đưa tòa án xem xét ra quyết định đưa đi cai nghiện tập trung.
Theo Quốc Thắng - Hữu Công