Ðà Nẵng lấy lại sân Chi Lăng như thế nào?

Sân vận động Chi Lăng đã được Ðà Nẵng bán cho Phạm Công Danh từ năm 2011, sau đó bị chia thành 14 lô để cầm cố ngân hàng. Ảnh: Nguyễn Thành.
Sân vận động Chi Lăng đã được Ðà Nẵng bán cho Phạm Công Danh từ năm 2011, sau đó bị chia thành 14 lô để cầm cố ngân hàng. Ảnh: Nguyễn Thành.
TP - Ngày 19/7, tại cuộc họp báo 6 tháng đầu năm 2018 của UBND thành phố Ðà Nẵng, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi liên quan chủ trương Ðà Nẵng thương lượng lấy lại sân vận động (SVÐ) Chi Lăng đã bán cho Phạm Công Danh.

Nguyện vọng của nhân dân và lãnh đạo Ðà Nẵng

Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó giám đốc Sở TN&MT Ðà Nẵng thông tin: SVÐ Chi Lăng và khu đất 209 Trường Chinh hiện đang nằm trong tình trạng thi hành án. Thi hành án TPHCM đang ủy quyền cho Thi hành án Ðà Nẵng tiến hành thi hành án liên quan đến vụ án Phạm Công Danh. Tổng giá trị thi hành án 2 vị trí nói trên khoảng hơn 3.000 tỷ đồng. Hiện nay thành phố đang bàn việc đề đạt nguyện vọng lấy lại SVÐ Chi Lăng để xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.

Ông Vinh cho biết thêm: SVÐ Chi Lăng cũng nằm chung trong các dự án sai phạm đã nêu trong Kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ. Việc giao đất tại SVÐ này với thời hạn lâu dài là không đúng. Việc này sẽ thực hiện theo kết luận của Thanh tra Chính phủ và sẽ phải điều chỉnh thời hạn cấp đất không quá 50 năm theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Ðặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng cho biết: SVÐ Chi Lăng trước đây là thiết chế văn hóa, còn được gọi là “chảo lửa” và gắn bó lâu đời với người dân thành phố. Nguyện vọng của nhân dân và lãnh đạo thành phố mong muốn lấy lại SVÐ này. Mặc dù đang thi hành án, nhưng vừa qua thành phố có họp, thống nhất chủ trương giao cho các ngành, các đơn vị nghiên cứu đề xuất giải pháp lấy lại sân Chi Lăng cho thành phố. “Chúng tôi rất mong báo chí đồng hành với thành phố trong việc này, để cố gắng lấy lại được  SVÐ Chi Lăng như nguyện vọng của người dân”, ông Dũng nói.

Liên quan câu hỏi của phóng viên về kinh phí để lấy lại sân Chi Lăng, ông Ðặng Việt Dũng cho hay: Trước hết phải có ý chí, sau đó mới tính đến các phương án. Hiện nay các ngành chức năng thành phố đang tính toán về việc này.

Liệu có khả thi?

Luật sư Ðỗ Pháp (Văn phòng Luật sư Ðỗ Pháp, Ðoàn luật sư TP Ðà Nẵng), cho biết: Bất kỳ quan hệ pháp lý nào cũng phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên và cũng có những chủ thể tham gia quan hệ pháp lý đó. Trong vụ việc sân Chi Lăng, thành phố Ðà Nẵng đang là “chủ thể đặc biệt”, là một đối tác nhưng cũng là chủ quản. Khi chuyển nhượng, cấp quyền sử dụng, Tập đoàn Thiên Thanh cam kết xây dựng khu liên hợp dịch vụ liên hoàn. Tất cả các việc cấp sổ đỏ là để tạo điều kiện có nguồn vốn tập trung xây dựng, nguyên tắc không được xé lẻ SVÐ Chi Lăng ra. Thành phố chuyển nhượng với mục đích rõ ràng, làm trái mục đích thì thu hồi.

“Khi chuyển nhượng cam kết đầu tư xây dựng một khu liên hợp. Nếu làm trái mục đích, thành phố được quyền áp dụng Luật Ðất đai 2013 để thu hồi theo thẩm quyền. Nhưng trớ trêu thay vì thời gian điều chỉnh quan hệ pháp luật đó đã trôi qua và  SVР đã trở thành tang vật của vụ án”, ông Pháp cho biết.

Ông Pháp cho rằng, thành phố phải sử dụng quan hệ pháp lý là một “chủ thể đặc biệt” để điều chỉnh vấn đề này. “Tài sản trước khi trở thành tang vật của vụ án, ngân hàng đã bỏ vốn thu hồi. Vậy tài sản này có phải là của ngân hàng?", ông Pháp nói.

Trước đó, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HÐND thành phố Ðà Nẵng, cho biết: Chủ trương lấy lại sân Chi Lăng là chủ trương lớn của thành phố. Thành phố đang nghiên cứu luật để tính toán chuyện thương lượng lấy lại sân Chi Lăng phục vụ cho sự phát triển bền vững của thành phố cũng như những hoạt động công cộng của nhân dân. Tuy nhiên, lấy lại bằng cách nào, thành phố sẽ phải nghiên cứu và có quan điểm để báo cáo Chính phủ.
MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.