Ngày 19/4, Sở TN&MT TP Đà Nẵng tổ chức họp báo giới thiệu đề án "Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường" giai đoạn 2021-2030.
Theo Sở TN&MT, nội dung đề án này với quan điểm bảo vệ môi trường làm nền tảng xây dựng thành phố sinh thái là nhiệm vụ được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết sách; phát triển hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng quy luật tự nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.
Về giải pháp, bảo vệ môi trường được lồng ghép trong các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0; Chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm, cấp bách; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, kết hợp với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Huy động các nguồn lực trong xã hội kết hợp với tăng chi ngân sách; áp dụng hiệu quả nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý và bồi thường thiệt hại; người hưởng lợi từ các giá trị do công tác xử lý, duy trì bảo vệ môi trường phải trả phí tương xứng; tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng và người dân trong bảo vệ môi trường; Phát huy nội lực và hợp tác quốc tế; tăng cường quản lý nhà nước đi đôi với nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của toàn xã hội....
Đề án Xây dựng Đà Nẵng thành Thành phố môi trường giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu khai thác hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản, nguồn nước, rừng, đảm bảo cân bằng sinh thái, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng các quy trình, hệ thống thông minh cho việc quản lý các nguồn tài nguyên và thiên nhiên. Các mục tiêu cụ thể được chia thành 4 nhóm: Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường; Cải thiện môi trường, giải quyết các vấn đề môi trường trọng tâm, trọng điểm; Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường… Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 15.000 tỷ đồng dự kiến từ các nguồn ngân sách Nhà nước, vốn ODA và vốn xã hội hóa.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng trả lời báo chí tại buổi họp báo |
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, cho biết: Để Đà Nẵng trở thành Thành phố môi trường phải tiếp cận ở nhiều giải pháp, đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi được nhận thức của người dân và chung tay của cộng đồng. Bởi dù TP bỏ ngân sách lớn để đầu tư các công trình nhưng không có sự chung tay của doanh nghiệp và người dân thì đề án hay như thế nào đi nữa cũng không thể thành công.
Theo ông Hùng, hiện nay quy định xử phạt hành chính vi phạm liên quan đến vấn đề môi trường đã có. Tuy nhiên, để phạt được là vấn đề không đơn giản. Hiện nay Sở TN&MT đã mạnh dạn đề xuất những giải pháp và xin ý kiến chủ trương của TP như thông qua hệ thống camera phát hiện vi phạm, hay mua tin người dân phản ánh kèm hình ảnh để có căn cứ xử lý và người phản ánh sẽ có mức thưởng riêng….
Tại buổi họp báo, Giám đốc Sở TN&MT cũng thừa nhận việc phát triển nóng về đô thị thời gian qua đã để lại nhiều hệ lụy. Đơn cử như ô nhiễm ở bãi rác Khánh Sơn, ở âu thuyền Thọ Quang là những điển hình về vấn nạn ô nhiễm môi trường mà Đà Nẵng đang phải đối diện.
Liên quan đến một số dự án lấn sông, lấn biển dư luận quan tâm, ông Hùng cho biết: Thành phố đã điều chỉnh dự án công viên ở Sơn Trà thành công viên chuyên đề, không còn phần lấn biển. Riêng 2 dự án lấn sông Hàn, thời gian tới thành phố sẽ thuyết phục các chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch, giữ lại đất trồng cây xanh để làm mềm lại cảnh quan dọc hai bờ sông. Kết quả cuộc thi quốc thiết kế cảnh quan hai bờ sông Hàn trước đây đã được tích hợp vào bản điều chỉnh quy hoạch của TP vừa được thông qua.