Đá bóng trách nhiệm

Đá bóng trách nhiệm
TP - “Ở Việt Nam, việc quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) liên quan tới ba bộ. Ông bộ trưởng Nông nghiệp nói lại sợ ông bộ trưởng Công Thương mất lòng, ông bộ Công Thương lại sợ bộ trưởng Y tế mất lòng.

> Kiểm soát chặt chất lượng rượu, sữa ngoại nhập
> Vịt chết thối thành… ‘vịt quay Bắc Kinh’ thơm giòn

Dường như các quy định xuất phát từ quyền lợi của các cơ quan này, chứ không phải từ người dân”. Câu nói này của ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) tại hội nghị về ATTP diễn ra hôm qua có lẽ đã lột tả chân thực và sống động về thực trạng quản lý miếng ăn miếng uống và rộng ra là sức khỏe, tính mạng của người dân ở nước ta.

ATTP vẫn là chủ đề nóng bỏng bao năm qua trên các diễn đàn và đáng buồn thay là tình hình dường như chưa có biến chuyển gì đáng kể. Các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn liên tiếp diễn ra, báo chí vẫn liên tục phát hiện những vụ việc kinh sợ.

Theo các chuyên gia, liên quan đến ATTP và có trách nhiệm quản lý là ít nhất ba bộ gồm NN&PTNT, Công Thương, Y tế. Cơ quan chức năng cũng cho ra đời có tới bốn bộ luật, 17 thông tư hướng dẫn. Nhưng thực tế cho thấy, “lắm thầy” trong trường hợp này đúng là dẫn đến việc quản lý vệ sinh ATTP cứ rối mù, thêm vào đó là tình trạng nể nang, tránh né như đã nói ở trên.

Theo ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT): “Nếu mua hóa chất, phụ gia độc hại mà ra chợ Kim Biên (TPHCM - PV) hỏi là có ngay, thì chúng ta chưa thể nói về quản lý ATTP tốt được”. Nhưng việc lộn xộn trong buôn bán hóa chất ở chợ Kim Biên và nhiều chợ khác trên cả nước đã diễn ra nhiều năm mà tình hình đâu có cải thiện. Vị cục trưởng cũng không thẳng thắn chỉ đích danh ra ai là người phải chịu trách nhiệm chính.

Ngay như vấn đề thực hiện những quy định trong sản xuất rau an toàn, một ông phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng có quá nhiều văn bản, rối rắm, phức tạp, tính khả thi thấp. Hậu quả là rau an toàn vẫn chưa thực sự chiếm lĩnh thị trường, người dân vẫn phải thấp thỏm dùng rau không đảm bảo chất lượng.

Nhưng điều người dân cần là cơ quan chức năng phải làm gì để tạo điều kiện cho rau an toàn có chỗ đứng chứ không phải đến hội nghị chỉ để than khó. Bởi ra văn bản cũng là cơ quan công quyền, thực thi việc quản lý cũng là họ.

Nhưng có lẽ vấn đề lớn hơn cả là dù nói nhiều, những bất cập, chồng chéo và kém hiệu quả trong việc quản lý ATTP vẫn tồn tại, việc làm ăn gian dối, bất chấp sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng vẫn chưa được nhận thức đầy đủ.

Đã có nhiều đề xuất cần xem vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh ATTP phải được xem là tội hình sự. Nhưng cho đến nay, đề xuất này vẫn “treo” trong khi ATTP đang ngày ngày gây hại cho sức khỏe, tính mạng, sâu xa hơn là nòi giống dân tộc. Chưa có thống kê đầy đủ về các bệnh và thiệt hại kinh tế liên quan đến ATTP nhưng chắc chắn đây là mối hiểm họa to lớn và lâu dài.

Có lẽ, đã đến lúc cần những động thái mạnh mẽ về vấn đề vệ sinh ATTP. Chúng ta đã có ủy ban quốc gia về an toàn giao thông, cũng nên xem xét có một ủy ban tương tự đối với vấn đề ATTP.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG