Cứu voi như cứu hỏa

Nài voi Y Mức cưỡi Cu Sứt Anh cắt dây trói dưới sự bảo vệ của voi bảo mẫu Bun Khăm. Ảnh: H.T.N
Nài voi Y Mức cưỡi Cu Sứt Anh cắt dây trói dưới sự bảo vệ của voi bảo mẫu Bun Khăm. Ảnh: H.T.N
TP - Voi nhà già yếu không đẻ được nữa; voi rừng vẫn bị sập bẫy và liên tục chết không rõ nguyên nhân; chưa có giáo trình thú y đi sâu chuyên ngành thú lớn như voi; vốn ngân sách bảo tồn voi sắp được rót về Đắk Lắk, Đồng Nai, Nghệ An… Làm thế nào để chặn đà suy giảm số lượng voi ở Việt Nam?

Kỳ I: Voi con ơi

Hiện nay, số voi nhà ở Đắk Lắk, địa phương có nhiều voi nhất Việt Nam, giảm 11 lần so với năm 1980; lượng voi rừng mấy năm qua cũng sụt khoảng một nửa. Số voi được cứu hộ, chăm sóc kỹ lưỡng không nhiều.

Không ngăn được đà suy giảm

Theo số liệu thống kê từ Đắk Lắk, năm 1980, tỉnh này có 502 voi nhà. Mới đây, Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk tính đếm tỉ mỉ - chỉ còn 45 con. Năm 2009, ước tính có khoảng 165 voi rừng; gần đây, Tổng cục Lâm nghiệp xác định còn 75-130 con trong nội địa và qua lại dọc biên giới phía Tây.

Năm 1996, Bộ NN&PTNT đề xuất Chính phủ ban hành Chỉ thị số 359 về những biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển các loài động vật hoang dã, trong đó đặc biệt chú ý đến loài voi. Nhiều hoạt động chấp hành chỉ thị này đã được triển khai: rà soát lại hệ thống rừng đặc dụng, xây dựng mới các khu bảo tồn thiên nhiên, tăng cường đầu tư, trợ giúp kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho nơi sống của voi; xây dựng, bổ sung những quy định pháp luật nhằm ngăn chặn việc săn bắt, mua bán động vật hoang dã và các sản phẩm liên quan; chỉ đạo các địa phương giải quyết cụ thể những vụ xung đột voi với người; tuyên truyền bảo tồn voi trên phương tiện thông tin đại chúng…

Thực tế không như mong đợi buộc nhà chức trách công nhận hiệu quả bảo tồn voi không cao. Chương trình không được duy trì thường xuyên; thiếu kinh nghiệm chuyên môn; quan điểm về bảo tồn voi và vùng sinh cảnh sống của voi nhiều bất cập, mâu thuẫn với quan điểm phát triển kinh tế - xã hội; việc thực thi pháp luật chưa nghiêm minh và kịp thời; việc săn bắn voi rừng, voi nhà để lấy ngà chưa được nghiêm trị; mức đầu tư cho chương trình còn hạn hẹp…

Nối tiếp Chỉ thị 359 là Kế hoạch hành động khẩn trương bảo tồn voi đến năm 2010. Sau 5 năm triển khai, 3 tỉnh Đắk Lắk, Đồng Nai, Nghệ An đã xây dựng tương đối hoàn thiện dự án bảo tồn cho cả voi nhà lẫn voi rừng. Tuy nhiên, bộ khung nhân lực ít ỏi mới hình thành chỉ đủ để tự nghiên cứu, tuyên truyền, tập huấn. Còn bọn “voi tặc” vẫn lộng hành, liên tục bắn, chém, giết, cắt ngà, chặt đuôi, nhổ lông… cả voi rừng lẫn voi nhà.

Các bên triển khai dự án lại nhận ra, nếu chỉ phân công cho 3 tỉnh Đắk Lắk, Đồng Nai và Nghệ An bảo tồn voi, thì mục tiêu cũng không đạt, vì khó theo dõi, điều phối, ghép đàn cho voi sinh sản, tạo lập các môi trường sống đủ lớn cho voi trên địa giới hành chính của nhiều tỉnh, thậm chí cần phối hợp với Lào, Campuchia để bảo tồn đàn voi hoang dã. Về voi nhà, phải có giải pháp ngăn chặn việc khai thác quá mức sức lao động của voi phục vụ du lịch, vận chuyển. Đồng thời phải mở rộng bãi chăn thả, khắc phục tình trạng thiếu thức ăn, thiếu vệ sinh, nguồn nước hạn chế mùa khô; cần có bệnh viện, bác sĩ thú y chuyên ngành về voi; ngăn chặn các hoạt động trao đổi, mua bán voi...

Trước thực tế cần có dự án tổng thể do Trung ương quản lý, Bộ NN&PTNT tiếp tục đề xuất Chính phủ cho triển khai kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn voi đến năm 2020. Tháng 5/2013, đề án được phê duyệt, với tổng kinh phí khái toán khoảng 278 tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước và các tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ. Mới đây, Trung tâm bảo tồn voi 3 tỉnh được thông báo mỗi tỉnh sẽ được cấp 15 tỷ đồng đợt đầu để triển khai đề án này.

Dù số voi còn lại quá ít, khả năng sinh sản mỏng manh, nhất là đàn voi nhà, nhưng có còn hơn không, muộn còn hơn không.

Cử nhân cắt cỏ nuôi voi

Tròn hai thập kỷ theo dõi đề tài bảo tồn voi, tôi thấy rõ, ở Việt Nam xưa nay chưa có chú voi rừng dính bẫy nào được cứu hộ và chăm sóc kỹ lưỡng như Cu Sứt Em. Sau hơn 1 tháng được cứu hộ, chú voi bé bỏng này vẫn chưa được đặt tên, nên tôi tạm gọi nó là Cu Sứt Em.

Cứu voi như cứu hỏa ảnh 1

Cu Sứt Anh thủng vòi sứt móng vì bị mắc bẫy

Trong những chuyến đi rừng theo dấu voi hoang dã, đầu năm 2015, nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk phát hiện một voi đực lạc đàn khoảng 3 tuổi, nặng cỡ 5 tạ đang bị thương rất nặng. Các móng chân trước bên trái của nó đều bong mất, bàn chân sưng tấy, có ổ mủ lớn, vòi thủng một lỗ. Sau nhiều bước chuẩn bị, liên hệ mời chuyên gia, ngày 26/2, Trung tâm phối hợp Vườn Quốc gia Yok Đôn và các chuyên gia Tổ chức Động vật châu Á bắn thuốc gây mê, đưa bé voi về rửa vết thương, phẫu thuật xử lý ổ mủ. Nó đang được Trung tâm nuôi dưỡng trong vạt rừng ngay sau trụ sở Vườn Quốc gia Yok Đôn, sẽ được thả về rừng khi vết thương lành hẳn.

Một sớm nắng gắt đầu tháng 4, đến thăm con voi thương tật, tôi nhận ra các vết thương đau đớn trên thân thể nó rất giống tình trạng voi Cu Sứt Anh mà Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cứu hộ, chăm sóc 1 tuần rồi thả về rừng hồi tháng 5/2013. Đó là bị sập vào cùng một loại bẫy thép. Khác chăng là vạt móng của voi này mất hết, trong khi Cu Sứt Anh chỉ mất 1 móng chân. Cu Sứt Anh nặng cỡ 8 tạ, ngà đã nhú hơn 1 tấc, chừng 5 tuổi.

Đi cùng tôi ra rừng thăm Cu Sứt Em, thạc sĩ thú y Phạm Văn Thịnh tiết lộ, hơn chục cán bộ, nhân viên Trung tâm (chỉ trừ giám đốc) đều được phân công thay nhau chăm sóc con voi tội nghiệp. Dưới túp lều căng bằng mảnh bạt xanh kê vừa 1 chiếc giường nhỏ là chỗ ngả lưng cho nhóm nhân viên thường trực chăm sóc Cu Sứt Em. Gần đó, nài voi Y Mức Kdoh căng chiếc võng giữa 2 gốc bằng lăng để dõi theo bà voi bảo mẫu 60 tuổi Y Khun được điều tới hỗ trợ, vỗ về Cu Sứt Em mỗi khi nó “làm mình làm mẩy”. 

Ngày hè 2 năm trước, tôi có dịp chứng kiến cảnh Y Mức dũng cảm cưỡi voi rừng Cu Sứt Anh, cắt đứt các múi dây trói trên gáy nó dưới sự bảo vệ khôn ngoan của bà voi bảo mẫu Bun Khăm, trong buổi Trung tâm Bảo tồn voi tổ chức thả Cu Sứt Anh vào rừng sau 1 tuần chăm sóc các vết thương dính bẫy. Cán bộ Trung tâm theo dõi, yên tâm thấy Cu Sứt Anh đã hòa nhập vào một đàn voi rừng sống giữa đại ngàn Yok Đôn. Nhớ nơi cứu hộ, thỉnh thoảng Cu Sứt Anh lại tách đàn, tha thẩn về thăm chốn cũ.

Ôm bao cỏ phóng xe máy về, áo ướt tới ngực, vừa thay nhau đút từng bó cỏ cho Cu Sứt Em vươn vòi cuốn lấy nhai ngon lành, đôi bạn Lê Văn Hồng (cử nhân chuyên ngành Quản lý tài nguyên rừng & Môi trường) và Phan Phú (tốt nghiệp Cao đẳng Công nghệ sinh học) vừa vui vẻ kể tôi nghe, trước đây chưa từng hình dung sẽ có lúc trở thành người chuyên cắt cỏ nuôi voi thế này.

Cu Sứt Em còn bé, sớm xa mẹ, vết thương lại hành đau nên khó tính, phải bồi dưỡng cho nó những thứ ngon và sạch nhất. Thay nhau ngày trực ngày nghỉ lo chuyện ăn cho Cu Sứt Em, hễ đến lượt là nhóm trực phải dậy sớm vào làng liên hệ mua các thức ăn voi khoái khẩu, rồi đi cắt cỏ. Mỗi ngày, khẩu phần cu cậu thường có 1 bao trái bắp tươi, 3 cây chuối ngọt, 2  bao cỏ rừng. Cỏ phải là loại mọc non tơ hoang dại dưới sông, chứ cỏ nông dân trồng cho bò sữa thì Cu Sứt Em chẳng thèm. Người lạ đút, nó cũng cảnh giác từ chối. Ngay trước mặt tôi, một du khách người Anh bắt chước anh Hồng chìa cỏ cho Cu Sứt Em, nó gườm gườm nhìn rồi vung vòi ngoảnh mặt.

Việc cứu chữa Cu Sứt Em hơn 1 tháng qua có sự hỗ trợ miễn phí của các chuyên gia nước ngoài đến từ Hiệp hội Voi nước Mỹ, Tổ chức Động vật châu Á. Sắp tới còn có thêm 4 chuyên gia đến từ Trung tâm Bảo tồn Voi Thái Lan. Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk, khẳng định, chưa có cuộc cứu hộ voi nào kỳ công đến thế. Cùng phận thương tật vì dính bẫy, Cu Sứt Em thật may mắn, nếu so với thân phận voi sứt Khăm Bun chết thảm hồi tháng 8/2010 trong nhà lồng của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

            (Còn nữa)

Kết quả thu thập, nghiên cứu của nhóm tác giả “Đề án tổng thể bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2013-2020” cho thấy, nếu không có những biện pháp bảo tồn tích cực, voi châu Á sẽ bị tuyệt chủng.

MỚI - NÓNG