Cựu tướng lĩnh quân đội nói gì về vụ đường bị 'nắn cong'?

Khu vực nhà ở, xây dựng cho thuê của các tướng lĩnh quân đội. ảnh: sỹ lực
Khu vực nhà ở, xây dựng cho thuê của các tướng lĩnh quân đội. ảnh: sỹ lực
TP - Thiếu tướng Phạm Ngọc Lan nói: “Đây là ơn nghĩa dành cho bộ máy đầu não bảo vệ vùng trời, chúng tôi không đồng ý với cách đặt vấn đề tránh nhà quan chức”.

Nhằm làm rõ thông tin xung quanh việc bẻ cong đường Trường Chinh, Tiền Phong có cuộc trao đổi với một số cựu tướng lĩnh, sỹ quan quân đội có đất tại tuyến đường này.

Cuộc làm việc có Thiếu tướng, Anh hùng quân đội Phạm Ngọc Lan (người bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên trên bầu trời Việt Nam); Đại tá Nguyễn Tâm Trinh, nguyên Tư lệnh Binh chủng Rada (Quân chủng Phòng không Không quân - PKKQ) và bà Nguyễn Thị Kim Chung - Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 40, phường Khương Thượng, quận Đống Đa (khu vực nhà ở của các tướng lĩnh, sỹ quan quân đội) - đối diện với Quân chủng PKKQ.

Trong dự án đường Trường Chinh, gia đình thiếu tướng Phạm Ngọc Lan bị giải tỏa 4m chiều sâu; hiện còn khoảng 20m chiều sâu, 5m chiều ngang mặt đường Trường Chinh. Thiếu tướng Lan cho biết, cạnh nhà, cùng dãy với gia đình ông cũng đều là tướng lĩnh cấp cao quân đội.

Trong đó có nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân; Trung tướng, Anh hùng phi công Phạm Tuân; Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; Đại tá Nguyễn Tiến Sâm, thuộc Quân chủng PKKQ sau là Thứ trưởng Bộ GTVT phụ trách hàng không. Phía sau và kéo dọc lên phía sông Lừ là đất cấp cho các sỹ quan cấp cao khác của Quân chủng PKKQ.

Thiếu tướng Lan cho biết, đường Trường Chinh thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ là đường nội bộ nằm trong khu vực Quân chủng PKKQ và Sân bay Bạch Mai. Để tạo chỗ ổn định, quân chủng cấp đất cho các tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp bên cạnh tuyến đường, đối diện cơ quan quân chủng. Sau hòa bình lập lại, quân đội mở rộng dần việc cấp đất cho dân sự, coi đây như một sự chia sẻ lợi ích.

Khi UBND TP Hà Nội có chủ trương mở rộng đường Trường Chinh, nhằm giữ ổn định đời sống cho tướng lĩnh, những người có đóng góp quan trọng nhất vào việc bảo vệ vùng trời của đất nước, quân chủng đề nghị UBND TP Hà Nội lấy vào phần đất của quân chủng, hạn chế lấy đất của nhà tướng lĩnh, sỹ quan.

Sau đó, vào năm 2007, Bộ Quốc phòng lại khẳng định điều này và thống nhất với UBND TP Hà Nội. “Khi biết Bộ Quốc phòng, quân chủng và Thành ủy, UBND TP Hà Nội quyết định như vậy, bản thân những người tham gia quân đội những ngày đầu rất cảm ơn vì được quan tâm”, Thiếu tướng Lan nói.

Bình luận về nghi vấn nắn đường vì tránh nhà quan chức, Thiếu tướng Lan nói: “Đây là ơn nghĩa dành cho bộ máy đầu não bảo vệ vùng trời, chúng tôi không đồng ý với cách đặt vấn đề tránh nhà quan chức. Hiện, nhiều anh em cấp tá, là cấp dưới của chúng tôi tuy cùng dãy nhà nhưng sắp bị giải tỏa (khu vực giải tỏa nằm trong đoạn vuốt nối để giảm độ gấp khúc - PV), bản thân tôi và các tướng lĩnh khác đã và đang đứng ra bảo vệ”, Thiếu tướng Lan nói. 

Bà Nguyễn Thị Kim Chung cũng xác nhận, chi bộ, bao gồm cả các tướng lĩnh cấp cao đã có các nghị quyết đề nghị các cấp bảo vệ chung khu vực đất đã cấp cho tướng lĩnh và sỹ quan quân đội.

Bẻ cong đường là do cơ quan thiết kế ?

Như Tiền Phong phản ánh, tuyến đường Trường Chinh hiện nay bị chia làm 3 đoạn, hai đoạn hai đầu được mở về phía Bắc; đoạn ở giữa có nhà của các tướng lĩnh sỹ quan PKKQ được mở về phía Nam, hình thành nên tuyến đường cong hình “ghi đông xe đạp”.

Vấn đề được đặt ra là vì sao khi quy hoạch đường Trường Chinh, các nhà quy hoạch lại không lấy tất cả về phía Nam như quân chủng PKKQ đề nghị để có một tuyến đường thẳng. Vấn đề này theo giải thích của Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội là do hai đầu đã xây dựng cầu vượt Ngã Tư Vọng và Ngã Tư Sở nên phải hướng đường Trường Chinh đi vào khoảng trống của hai cầu này.

Tuy nhiên, theo ý kiến của các tướng lĩnh, sỹ quan trong cuộc gặp với PV Tiền Phong nói trên, sai sót ở đây là do khi xây dựng hai cầu vượt này, cơ quan thiết kế không tính hết hướng tuyến của đường Trường Chinh; không tham khảo ý kiến của quân chủng. “Chủ trương của quân chủng PKKQ giữ lại phần đất của các gia đình sỹ quan trên được đưa ra từ năm 2000, lúc đó chưa có hai cây cầu vượt. Ở đây, các nhà thiết kế đã đặt mọi việc vào thế đã rồi”, Đại tá Nguyễn Tâm Trinh nói. 

 Trong đơn kiến nghị gửi PV Tiền Phong ngày 4/4 do bốn đại tá quân đội gửi đến cho biết: “Nếu điều chỉnh thiết kế quy hoạch đường Trường Chinh về phía Nam (so với thiết kế hiện tại) thì chi phí đền bù để giải phóng mặt bằng sẽ giảm đáng kể do phía Nam chủ yếu là đất của các đơn vị quân đội, các doanh nghiệp, nhiều công trình đã xây lùi xa đường, tiết kiệm cho ngân sách”.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.