Nên dừng việc 'bẻ cong đường Trường Chinh' để xem xét

Công trường xây dựng đường Trường Chinh. ẢNH: như ý
Công trường xây dựng đường Trường Chinh. ẢNH: như ý
TP - Kiến trúc sư (KTS) Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, cho rằng: Người phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường Trường Chinh phải đứng ra giải thích; nếu có nhiều vấn đề chưa rõ cần dừng dự án để xem xét.

Đoạn bị nắn tránh nhiều nhà quan

Như Tiền Phong phản ánh trong các số báo trước, tuyến đường Trường Chinh bị chia thành 3 khúc, hình thù như ghi đông xe đạp. Tại đoạn cong ở giữa, phần phía bắc tuyến đường (được giữ nguyên) hiện có rất nhiều nhà của cán bộ nguyên là quan chức quân đội (chủ yếu là tướng lĩnh thuộc Quân chủng Phòng không Không quân - PKKQ) và có cả quan chức về hưu của Bộ GTVT. 

Có những nhà quan chức được xây cao hơn 10 tầng để cho thuê làm văn phòng, bệnh viện. Điều này được chính những người nguyên là sỹ quan thuộc quân chủng phòng không không quân như đại tá Nguyễn Tâm Trinh - nguyên Phó tư lệnh Quân chủng PKKQ (ở tại số 10 ngõ 150 Trường Chinh) xác nhận.

Một chuyên gia giao thông am hiểu tuyến đường này cho rằng, lý do thiết kế tuyến đường Trường Chinh cong để tiết kiệm tiền giải phóng mặt bằng (như cách giải thích của Ban Quản lý các dự án trọng điểm) chỉ là một cách giải thích một chiều; nguyên nhân chính cần xem xét là tuyến đường có bị bẻ cong vì né các nhà quan “rất to” tại đây hay không. 

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam cũng cho rằng, khu đất đối diện Quân chủng PKKQ vốn được cấp đất ở cho các nhà quan chức quân đội và “trong trường hợp này, các cán bộ quân đội phải gương mẫu vì lợi ích chung của xã hội” - ông Thanh nói.

Lãnh đạo Hà Nội cần giải thích rõ ràng

PGS. TS. KTS Trần Trọng Hanh là người từng phụ trách nhóm công tác quy hoạch Hà Nội qua nhiều thời kỳ. Trong đó, lúc còn là Vụ trưởng Vụ Kiến trúc Quy hoạch của Bộ Xây dựng, KTS Hanh làm tổ trưởng tổ quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 (được Chính phủ phê duyệt năm 1998). 

Ông Hanh cho biết: Tuyến đường Trường Chinh trong quy hoạch được kẻ thẳng. Tuy nhiên đây mới chỉ là xác định hướng tuyến; khi đi vào thiết kế chi tiết, tuyến đường có thể sai khác tuỳ vào công năng tuyến đường, tình hình giải phóng mặt bằng, mỹ quan, tổ chức giao thông. “Tuy nhiên, mọi quyết định phải tổng hòa một cách hợp lý các yếu tố đó” - KTS Hanh nói.

Về nghi vấn “nắn đường tránh nhà quan”, KTS Hanh cho rằng, để làm rõ vấn đề, người phê duyệt chỉ giới đường đỏ (lãnh đạo UBND TP Hà Nội - PV) phải đứng ra giải thích. Muốn đi đến cùng, xem có tiêu cực hay không phải có kết luận của cơ quan chức năng. 

“Thông thường, tuyến đường phải đi cong khi gặp các đình chùa, công trình văn hoá. Trong trường hợp có đất của quốc phòng cũng có khó khăn. Lúc này, Hà Nội đương nhiên phải hỏi lãnh đạo Bộ Quốc phòng; tuy nhiên khi thấy ý kiến chưa hợp lý, Hà Nội nên trao đổi lại” – KTS Hanh nói. 

KTS Hanh cho rằng: “Một khi dư luận còn nhiều thắc mắc, nếu thầy cần thiết có thể cho dừng dự án lại để làm rõ vấn đề. Và có thể hồi tố”.

TS Nguyễn Quang Tuấn, Phó viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT cũng cho rằng, trong trường hợp này, Bộ Quốc phòng cũng nên có giải thích vì sao lại đồng ý với phương án thiết kế đường cong như vậy.

Theo Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, việc bẻ cong đường Trương Chinh sẽ tiết kiệm được khoảng 130 tỷ đồng giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, đầu năm 2014, UBND TP

Hà Nội phải bổ sung kế hoạch đấu thầu cho dự án này 123 tỷ đồng để di chuyển hệ thống thông tin, đường điện, thoát nước.

MỚI - NÓNG