Vụ “rút ruột” tượng đài Điện Biên Phủ:

Cứu tượng đài, cách nào?

Cứu tượng đài, cách nào?
TP - Như Tiền phong đã thông tin, tượng đài  Điện Biên Phủ đã bị gỉ sét, nhiều điểm đã bị thủng lỗ chỗ... Có cách nào để cứu tượng đài? Tiền phong trao đổi với ông Nguyễn Văn Khanh - Chủ tịch Hiệp hội đúc Ý Yên (Nam Định).

Ông Khanh cho biết riêng về chất lượng đúc đòi hòi người đúc phải có khả năng phân tích, đánh giá, thẩm định chất lượng đồng. Nếu không có kiến thức sâu về đồng thì khó đảm bảo chất lượng đúc đồng tốt. Có nghĩa: nguyên liệu là số một, sau đó là kỹ thuật đúc, công thức pha chế đồng.

Không biết pha chế đồng?

Cụ thể, để đúc được bức tượng đồng tốt thì đòi hỏi phải có loại đồng nào?

Trước hết phải có đồng M1 - đồng đỏ của Nga. Tuy nhiên, không đòi hỏi sản phẩm phải được đúc 100% đồng này mà phải pha chế  giữa đồng đỏ, đồng vàng, đồng nồi và cả thiếc. Tỷ lệ pha phụ thuộc vào bí quyết và vào từng sản phẩm đúc cụ thể.

Tượng đài Điện Biên Phủ nay đã bị gỉ sét, thấm nước… Nguyên nhân do đâu, thưa ông?

Theo tôi trước hết đó là việc pha chế không đúng công thức. Tức là tỷ lệ các loại đồng không phù hợp.

Việc tượng đài được đúc từ đồng phế liệu có là nguyên nhân quan trọng làm cho công trình xuống cấp nhanh?

Đồng phế liệu cũng là đồng. Nếu như thứ đồng phế liệu đó là đồng của Nga thì vẫn rất tốt. Vấn đề là phế liệu của loại đồng cấp thấp hay đồng cấp cao. Cần phân tích đồng phế liệu đó thuộc loại gì và tỷ lệ pha chế đồng ra sao.

Ví dụ đồng tốt chiếm 70%, đồng trung bình 20% và loại thấp là 10% thì sản phẩm mới đạt được độ dẻo, độ cứng, độ dai. Nếu tỷ lệ đồng cấp thấp quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tượng đài.

Với tượng đài Điện Biên Phủ, theo ông tỷ lệ đồng đỏ của Nga phải đạt bao nhiêu phần trăm là tốt?

Ít nhất phải đạt 50%, còn lại là các loại đồng khác.

Nhồi bê tông vào trong là một sai lầm?

Nếu như ông nhận thi công công trình này thì công việc cần thiết để đảm bảo tượng đài vừa đẹp lại bền vững trước thời gian là gì?

Trước hết phải tính toán đến lực: Lực của gió, trọng lực.

Vậy còn đế, bệ tượng?

Đây là phần đặc biệt quan trọng. Nếu bệ vững chắc bao nhiêu thì ở trên được giữ tốt bấy nhiêu. Nếu bệ lún, không ổn định sẽ kéo rách tượng và phá vỡ kết cấu.

Có ý kiến cho rằng việc đổ bê tông trực tiếp vào trong ruột tượng là nguyên nhân làm tượng bị rỉ nước, rạn vì bê tông có độ co ngót khác đồng và thường đổ mồ hôi?

Đấy là yếu tố hoàn toàn có thể làm cho tượng bị rỉ nước, rạn và bị kéo rách. Có thể thấy, với một bức tượng có quy mô như vậy nếu được xử lý tốt phần móng, kết cấu đảm bảo và tỷ lệ pha chế đồng phù hợp thì không nhất thiết phải nhồi bê tông vào bên trong.

Việc có một sản phẩm đúc đồng của Ý Yên kém chất lượng như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến uy tín của làng nghề đúc?

Những ai không nắm vững thì nghĩ rằng việc này ảnh hưởng đến uy tín làng nghề. Tuy nhiên, Cty Đoàn Kết không nằm trong Hiệp hội đúc.

Cách nào?

Nếu đề xuất phương án khắc phục sự cố tượng đài Điện Biên Phủ ông sẽ đưa ra giải pháp nào?

Việc khắc phục bây giờ là rất khó khăn bởi lẽ đồng không thể hàn kín mối như hàn thép được. Và vì thế những vết thủng, rỉ nước vẫn không thể khắc phục được, công trình sẽ tiếp tục xuống cấp.

Có nghĩa là cách khắc phục tốt nhất là hạ tượng đài xuống đúc lại?

Đó là phương án tốt. Đúc lại được và đúc đẹp hơn. Nếu đúc lại sẽ tiến hành đúc tại Điện Biên. Khi đó cần có đơn vị giám sát tốt để đảm bảo chất lượng đồng và công thức pha chế.

Đồng thời, phải tính toán làm sao để bệ tượng tốt có thể giữ vững được bức tượng. Bệ tượng được coi như móng nhà, nếu móng không tốt thì nhà có tốt mấy cũng không thể tồn tại bền vững.

Xin cảm ơn ông.

Phùng Sưởng (thực hiện)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Nguyễn Viết Huệ -  Chuyên gia về ăn mòn kim loại, Viện Khoa học Vật liệu; Email: ngviet_hue@yahoo.com

Rất cẢm ơn Quý báo đã cung cấp cho xã hội những thông tin đầy đủ và khá chi tiết về môt sai phạm "lịch sử" đối với tượng đài ĐBP. Đọc bài trả lòi phỏng vấn của ông Chủ tịch Hội Đúc Ý Yên, tôi chưa thấy thoả đáng về giải pháp "cứu tượng đài".

Theo tôi, đây là vấn đề khoa học thực sự khó, để không lại"vứt tiền qua cửa sổ" cần có việc làm nghiêm túc. Cần có một Hội đông nhà nước để xem xét phương án tổng thể sữa chữa tượng đồng này.

Các công trình bằng đồng để ngoài trời ở VN thì dùng loại đồng gì, có thể dùng đồng phế liệu không?. Ảnh hưởng của các tạp chất trong phế liệu thế nào? Công nghệ đúc phải thế nào? Viêc lắp ghép và tính toán trọng lực, bệ đỡ, ảnh hưởng của thời tiết, gió bão (và cả động đất) như thế nào, không một Cơ quan nào của VN bây giờ có thể làm được đâu. Trong bài trước của tôi đã nói: Hãy rút kinh nghiệm từ ngay Đài Liệt sỹ Bắc sơn Ba Đình, tượng Lê Chân (Hải Phòng), tượng Vua Lý Thái Tổ... 

MỚI - NÓNG
Doanh nghiệp đua nhau báo lỗ
Doanh nghiệp đua nhau báo lỗ
TPO - Công ty CP VNG, Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, Nhà Thủ Đức, Thép Pomina, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc… đua nhau báo lỗ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng trong quý đầu năm.