Cựu TNXP xin đặc cách tốt nghiệp, Sở GDĐT nói gì?

Ông Minh (phải) và con trai Phạm Bá Giáp tại nhà trọ. Ảnh: K.N
Ông Minh (phải) và con trai Phạm Bá Giáp tại nhà trọ. Ảnh: K.N
TP - Một cựu thanh niên xung phong (TNXP) gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng đề nghị người con bị nhiễm chất độc hóa học của mình được xem xét đặc cách tốt nghiệp trung học phổ thông.

PV Tiền Phong đến khu nhà trọ thuộc phường Mỹ Đình 1 (Hà Nội) gặp bố con ông Phạm Bá Minh (quê thôn Trung Quý, xã Thượng Hiền, Kiến Xương, Thái Bình). Ông Minh theo con lên Hà Nội vài năm nay và vừa chuyển đến nơi trọ mới rộng hơn chục mét vuông được vài ngày. Nhìn con trai Phạm Bá Giáp nằm trùm chăn kín đầu, ông Minh cho biết: “Vài tháng nay, từ khi biết không đủ điểm tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT), cháu luôn ở trong trạng thái buồn nản như vậy”. 

Ông Phạm Bá Minh từng tham gia TNXP tại binh đoàn 23, Quân khu 7 thuộc vùng biên giới Việt Nam - Campuchia. Sau khi xuất ngũ trở về địa phương năm 1985, ông Minh lập gia đình, sinh được hai con Phạm Bá Vương (1994) và Phạm Bá Giáp (1995). Năm 1998, khi Vương và Giáp mắc bệnh, ông Minh đưa đi khám và biết hai con bị bệnh ung thư máu và suy tủy.

Một năm sau, ông Minh được Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả chất hóa học dùng trong chiến tranh Việt Nam (gọi tắt là UB 10-80) khám và xác định bị nhiễm chất độc hóa học, và chứng bệnh của hai con ông là do bố truyền sang. Từ năm 1998-2000, Vương và Giáp phải liên tục điều trị tại Bệnh viện K và Bệnh viện Nhi Trung ương. Tháng 4/2000, Vương không qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo, còn Giáp may mắn được cứu sống.

Tháng 5/2000, Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội có văn bản đề cập Phạm Bá Giáp bị tật nguyền do hậu quả chất độc hóa học, nên đề nghị Làng Hòa Bình (Thanh Xuân, Hà Nội) tiếp nhận nuôi dưỡng. Sống tại đây một thời gian, thấy Giáp bị bệnh về máu và thần kinh nhẹ, ông Minh xin chuyển con về Trung tâm Khuyết tật huyện Kiến Xương (Thái Bình) để gần nhà và đi học. 

Năm 2009, sau khi Giáp tốt nghiệp phổ thông cơ sở, ông Minh xin chuyển con lên tỉnh Vĩnh Phúc học lớp 10. Đến lớp 11 xin chuyển tiếp về một trường công lập tại Hà Nội học. Được lên lớp 12, nhưng trước kỳ thi tốt nghiệp chừng một tháng, do can mấy người bạn đánh nhau Giáp mắc vạ lây, bị đình chỉ thi. Sau đó, ông Minh xin chuyển Giáp về Trường THPT Dân lập Lê Thánh Tông học lại lớp 12. “Tại kỳ thi tốt nghiệp 2013-2014 vừa qua, Giáp đạt điểm xét tốt nghiệp là 4,4. Trong khi theo quy định diện nhiễm chất độc da cam phải có điểm xét tốt nghiệp THPT là 4,75, Giáp thiếu 0,35 điểm”- ông Minh cho biết.

Theo ông Minh, tuy con trai thuộc diện được hưởng trợ cấp nhiễm chất độc hóa học, nhưng thấy Giáp tiếp thu được, bao năm qua ông không tiếc công sức, tiền của cho con đi học để sau này có thể sống tự lập. Năm 2006, sau khi ly hôn, ông Minh vẫn nhận nuôi Giáp thuê nhà trọ ở cùng con từ năm 2009 đến nay. Ông Minh hiện làm xe ôm và đang nợ 46 triệu đồng sau nhiều năm nuôi con ăn học. “Hôm thi tốt nghiệp, Giáp bị đau đầu nên kết quả không được tốt. Sau hai năm học lớp 12 đều gặp sự cố, cộng thêm tiền sử bệnh tật, hiện Giáp bị ức chế, rất khó để thi lại thêm lần nữa. Tuy nhiên, nếu được xét đặc cách tốt nghiệp THPT, Giáp có thể thi vào một trường nào đó để sau này có một công việc phù hợp với sức khỏe”- ông Minh nói. 

Thời gian qua ông Minh đã làm đơn đề nghị các cấp có trách nhiệm xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho con. Theo quy chế tốt nghiệp THPT hiện hành, thí sinh bị khuyết tật sẽ được miễn thi. Giáp từng được nuôi tại nơi dành cho người khuyết tật (sau đó được chuyển sang diện nhiễm chất độc hóa học) nên có thể xem xét đặc cách tốt nghiệp cho Giáp.

Trả lời báo Tiền Phong, Thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản cho biết, Sở GD&ĐT thấy việc giải quyết đề nghị của ông Phạm Bá Minh xét đặc cách tốt nghiệp THPT cho con trai ông vượt quá thẩm quyền của Sở. 

Gia đình ông Minh có hoàn cảnh khó khăn, trường hợp thí sinh Phạm Bá Giáp thuộc diện chế độ chính sách cần quan tâm. Được biết, ông Minh và một số cơ quan đã có đơn, hồ sơ gửi Bộ GD&ĐT. Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ thực hiện đầy đủ, nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Bộ GD&ĐT (nếu có).


MỚI - NÓNG