Sai phạm hoá đổi đất công:

Cựu Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Tài và nữ ‘đại gia’ Bạch Diệp khai gì?

0:00 / 0:00
0:00
Cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM - bị cáo Nguyễn Thành Tài tại phiên tòa.
Cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM - bị cáo Nguyễn Thành Tài tại phiên tòa.
TPO - Trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX), bà Bạch Diệp bác bỏ toàn bộ cáo buộc của Viện Kiểm sát và cho rằng mình bị ‘gài bẫy’. Còn ông Tài thừa nhận hành vi như cáo trạng.

Chiều nay (15/3), tại phiên tòa xét xử vụ hoán đổi nhà, đất 185 Hai Bà Trưng gây thiệt hại cho nhà nước, HĐXX đã tiến hành xét hỏi các bị cáo.

Là người đầu tiên bước lên bục khai báo, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Cty Diệp Bạch Dương) cho rằng: “Cáo trạng vu oan cho tôi...”.

Cựu Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Tài và nữ ‘đại gia’ Bạch Diệp khai gì? ảnh 1 Bà Dương Thị Bạch Diệp tại phiên tòa.

Bà Diệp khai, Cty Diệp Bạch Dương của bà thành lập vào năm 2002 với vốn điều lệ 900 tỷ đồng. Năm 2007, bà Diệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng Agribank chi nhánh TPHCM. Đến tháng 10/2008, bà có dùng căn nhà 181 Hai Bà Trưng thế chấp vay 14.000 lượng vàng. Đến 31/12/2008, dư nợ tín dụng của bà tại ngân hàng này là 67.000 lượng vàng bằng 3 hợp đồng tín dụng.

Bị cáo cho rằng, cáo trạng quy buộc mình sử dụng mối quan hệ với nhiều người để thực hiện hành vi hoán đổi và chiếm đoạt khu nhà đất 185 Hai Bà Trưng là không đúng.

“Khi nào thì bà thế chấp 57 Cao Thắng, quận 3 cho ngân hàng và vay bao nhiêu tiền” - Chủ tọa Phạm Lương Toản hỏi bà Diệp. “Tôi chưa bao giờ thế chấp cái nhà này, hợp đồng công chứng thế chấp nhà đất này là giả, trên hệ thống của phòng công chứng không có hợp đồng này” - Bà Diệp khẳng định.

Giải thích về việc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 57 Cao Thắng đang bị Agribank chi nhánh TPHCM giữ thì bị cáo Diệp trả lời lòng vòng rồi cho rằng mình "bị ngân hàng gài bẫy và lừa".

Về quan hệ với Trung tâm ca nhạc nhẹ, bà Diệp trình bày, thông qua người hàng xóm mà bà quen biết ông Vy Nhật Tảo (Giám đốc Trung tâm), khi biết Trung tâm ca nhạc nhẹ đang có nhu cầu xây mới nhưng không có kinh phí đã kêu gọi nhiều nhà đầu tư nhưng chưa được, bà Diệp đã nói chuyện với ông Tảo để được hoán đổi. Bà đã bàn với ông Tảo về việc hoán đổi và tìm bất động sản phù hợp.

Sau khi mua được nhà 57 Cao Thắng và làm xong giấy chứng nhận quyền sở hữu với khu đất này, bà mới làm đơn gửi các cơ quan chức năng về phương án hoán đổi của mình.

Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM) xác định cáo trạng truy tố hành vi của ông là đúng nhưng có một số điểm chưa rõ. Ông Tài khai, với cương vị Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM thì ông mong muốn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Trước khi về hưu thì căn nhà số 185 Hai Bà Trưng vẫn còn là tài nhà nước và bị cáo đã nỗ lực làm việc để tránh sai sót. Ông Tai cho rằng, mình không trực tiếp thẩm định tính pháp lý của căn nhà số 57 Cao Thắng vì tin tưởng cấp dưới.

Ông Vy Nhật Tảo trả lời HĐXX, thừa nhận cáo trạng truy tố là đúng hành vi sai phạm của mình. Bị cáo khẳng định không biết giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã bị bà Diệp thế chấp tại ngân hàng và ngay khi biết sự việc đã liên tục đòi bà Diệp trả giấy chứng nhận, nhưng bà này chỉ hứa hẹn. Ông Tảo thừa nhận một phần trách nhiệm thiếu sót, để việc chuyển đổi tài sản không thành khiến nhà nước bị thất thoát tài sản.

Các bị cáo còn lại trong vụ án thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng quy kết.

Trước đó, HĐXX cũng bác kiến nghị về thay đổi kiểm sát viên tại phiên tòa và bác các yêu cầu triệu tập thêm những người liên quan.

Tại phiên tòa này, công Nguyễn Thành Tài cùng 8 cựu cán bộ lãnh đạo Văn phòng UBND TPHCM, lãnh đạo các sở cùng bị xét xử về tội “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Nữ ‘đại gia’ Dương Thị Bạch Diệp bị xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Cáo trạng mà VKS công bố tại phiên tòa sáng nay cho rằng, Cty Diệp Bạch Dương do bà Dương Thị Bạch Diệp làm đại diện theo pháp luật, và Trung tâm ca nhạc nhẹ TPHCM (trực thuộc Sở VH-TT&DL TP.HCM) được giao quản lý trụ sở tại 185 Hai Bà Trưng.

Năm 2007 Trung tâm ca nhạc nhẹ và Cty Diệp Bạch Dương gặp nhau và bàn bạc, hợp tác đầu tư và nâng cấp trụ sở.

Phía bà Diệp đề xuất tìm một bất động sản khác tương đương để đổi và nhận khu đất 185 Hai Bà Trưng và hợp nhất với các thửa đất hiện tại để xây dựng tổ hợp khách sạn nhà hàng. Cty Diệp Bạch Dương sẽ hỗ trợ trung tâm xây dựng Trung tâm ca nhạc nhẹ  tại một địa điểm khác phù hợp. Ông Vy Nhật Tảo đã chấp nhận phương án hoán đổi này.

Tháng 2/2008 bà Diệp đã tìm được thửa đất tại 57 Cao Thắng và làm đơn xin hoán đổi tài sản gửi UBND TPHCM và các cơ quan liên quan, đề nghị đổi đất 57 Cao Thằng lấy đất 185 Hai Bà Trưng và Cty Diệp Bạch Dương sẽ hỗ trợ Trung tâm ca nhạc nhẹ 20 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thành Rum (Giám đốc Sở VH TT&DL) đã họp lãnh đạo Sở và thống nhất chủ trương hoán đổi.

Bà Diệp gặp ông Nguyễn Thành Tài đề nghị trình bày về phương án hoán đổi, sau đó ông Tài gặp ông Lê Hoàng Quân (Chủ tịch UBND TPHCM) để xin ý kiến. Ông Quân đã chấp thuận.

Sau khi thống nhất việc hoán đổi, Cty Diệp Bạch Dương nhận mặt bằng 185 Hai Bà Trưng và giấy tờ liên quan nhưng bà Diệp không bàn giao giấy tờ nhà đất tại 57 Cao Thắng cho Trung tâm, dẫn đến nhà nước thiệt hại 186 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.