Cựu Phó Chủ tịch TPHCM 'bút phê' gì trong vụ chuyển nhượng đất của SAGRI

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau khi kiểm tra kết luận thanh tra của Thanh tra TPHCM trong việc thanh tra toàn diện SAGRI, không nêu dự án khu nhà ở tại Khu phố 4, phường Phước Long B, Quận 9 có sai phạm, ông Trần Vĩnh Tuyến (Cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM) ký, ban hành quyết định chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ dự án này cho Tổng Công ty Phong Phú, gây thiệt hại hơn 672 tỷ đồng tại thời điểm khởi tố vụ án.

Biến đất chăn nuôi heo thành đất ở để bán

Theo kết luận điều tra, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn – TNHH Một thành viên (SAGRI) là doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do UBND TPHCM quản lý. Năm 2015, UBND TPHCM bổ nhiệm ông Lê Tấn Hùng giữ chức Tổng giám đốc. Từ đây hàng loạt sai phạm xảy ra tại đơn vị này…

Cựu Phó Chủ tịch TPHCM 'bút phê' gì trong vụ chuyển nhượng đất của SAGRI ảnh 1 Dự án nhà ở ở phường Phước Long B. Ảnh Thanh Quang

SAGRI không có chức năng kinh doanh bất động sản. Công ty này được UBND TPHCM giao quản lý, sử dụng 36.676m2 đất tại Khu phố 4, phường Phước Long B, Quận 9, TPHCM để làm cơ sở chăn nuôi heo. Tháng 10/2008, SAGRI ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Tổng Công ty Phong Phú (thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam) tại khu đất này để kinh doanh dự án khu nhà ở.

Tháng 2/2009, SAGRI có công văn gửi Thường trực UBND TPHCM về việc xin chuyển mục đích sử dụng khu đất trên và hợp tác đầu tư xây dựng khu nhà ở. Đề nghị UBND TPHCM chấp thuận cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất và hợp tác đầu tư với Tổng Công ty Phong Phú.

Một tháng sau, ông Nguyễn Trung Tín (Phó Chủ tịch UBND TPHCM) ký công văn chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất và hợp tác đầu tư theo đề nghị trên của SAGRI.

Đến tháng 11/2010, ông Nguyễn Thành Tài (Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM) ký quyết định về duyệt giá trị quyền sử dụng đất và giá trị công trình trên đất tại khu đất 36.676m2 theo giá thị trường để SAGRI thực hiện nghĩa vụ tài chính khi chuyển mục đích sử dụng đất, đầu tư xây dựng khu nhà ở với trị giá hơn 128 tỷ đồng.

Ông Trần Vĩnh Tuyến bút phê gì?

Tháng 11/2017, ông Lê Văn Thanh (Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM) bút phê “Chương xử lý” và giao toàn bộ hồ sơ đề nghị chấp thuận chuyển nhượng dự án nhà ở cho Nguyễn Thanh Chương (Trưởng phòng Đô thị thuộc Văn phòng UBND TPHCM) nghiên cứu, đề xuất. Sau đó, ông Thanh trình UBND TPHCM. Lúc này, ông Trần Vĩnh Tuyến (Phó Chủ tịch UBND TPHCM) bút phê “Chờ kết luận của Thanh tra Thành phố đối với TCT NN (Tổng Công ty Nông nghiệp – PV) xem có liên quan hay không?”.

Cựu Phó Chủ tịch TPHCM 'bút phê' gì trong vụ chuyển nhượng đất của SAGRI ảnh 2 Cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến. Ảnh CA

Sau khi kiểm tra kết luận thanh tra của Thanh tra TPHCM trong việc thanh tra toàn diện SAGRI, không nêu dự án khu nhà ở tại Khu phố 4, phường Phước Long B, Quận 9 có sai phạm. Nguyễn Thanh Chương chuyển hồ sơ kèm thông báo kết luận thanh tra đối với SAGRI tham mưu ông Trần Vĩnh Tuyến ký, ban hành quyết định chấp thuận cho chuyển nhượng toàn bộ dự án này cho Tổng Công ty Phong Phú.

Tháng 12/2017, ông Lê Tấn Hùng (Tổng giám đốc SAGRI) và ông Phạm Xuân Trình (Tổng giám đốc Tổng Công ty Phong Phú) ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án trên có giá trị chuyển nhượng là hơn 168 tỷ đồng.

Sau khi chuyển nhượng dự án trên không đúng quy định pháp luật, có nhiều thông tin phản ánh, tháng 7/2018, ông Lê Tấn Hùng và ông Phạm Xuân Trình ký biên bản thoả thuận có nội dung, hai bên cùng bàn bạc thống nhất thực hiện lập thủ tục điều chỉnh tiền sử dụng đất theo quy hoạch mới; ký phụ lục hợp đồng chuyển nhượng dự án theo giá chuyển nhượng đã điều chỉnh theo quy định.

Tháng 4/2019, ông Võ Văn Hoan (Chánh Văn phòng UBND TPHCM) ký thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong về kết luận thanh tra dự án và chuyển nhượng dự án trên của SAGRI, trong đó nêu báo cáo đề xuất UBND TPHCM xem xét chấp thuận để SAGRI thương lượng với Tổng Công ty Phong Phú huỷ hợp đồng chuyển nhượng dự án khu nhà ở nhằm tránh gây thiệt hại cho SAGRI.

Tháng 5/2019, ông Lê Tấn Hùng và ông Phạm Xuân Trình ký biên bản thống nhất huỷ hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án trên. Tháng 6/2019, ông Trần Vĩnh Tuyến (Phó Chủ tịch UBND TPHCM) ký quyết định thành lập tổ công tác hướng dẫn SAGRI huỷ hợp đồng chuyển nhượng dự án.

Cựu Phó Chủ tịch TPHCM 'bút phê' gì trong vụ chuyển nhượng đất của SAGRI ảnh 3 Phi vụ chuyển nhượng dự án nhà ở cho Tổng Công ty Phong Phú gây thất thoát tiền của nhà nước. Ảnh Thanh Quang

Ngày 19/6/2019, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Phó Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM) ký công văn nêu không thể thoả thuận huỷ bỏ hợp đồng chuyển nhượng mà phải yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp về hợp đồng dân sự, tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu. Việc đăng ký cập nhật biến động với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được thực hiện theo quy định, bản án của Toà án…

Kết luận điều tra nêu, ông Lê Tấn Hùng và đồng phạm thực hiện không đúng quy định của nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, xâm phạm trực tiếp, nghiêm trọng đến việc quản lý, sử dụng tài sản công. Cụ thể, các bị can không tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường gây thiệt hại cho nhà nước số tiền hơn 348 tỷ đồng (tại thời điểm chuyển nhượng), số tiền thiệt hại 672 tỷ đồng (tại thời điểm khởi tố vụ án).

Trong khi đó, ông Trần Vĩnh Tuyến trên cương vị được giao là Phó Chủ tịch UBND TPHCM cùng các bị can là cán bộ thuộc UBND TPHCM thực hiện không đúng quy định của nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thiệt hại số tiền như trên.

Kết luận điều tra nêu quá trình thực hiện hành vi phạm tội của các bị can có thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Trong đó quyết định chấp thuận chuyển nhượng toàn bộ dự án rồi mới giao cho các sở ngành có liên quan thực hiện các nghĩa vụ liên quan theo quy định pháp luật hòng trốn tránh trách nhiệm hình sự khi bị cơ quan pháp luật phát hiện.

Cơ quan CSĐT – Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn – TNHH Một thành viên (SAGRI) và chuyển hồ sơ sang Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố 16 bị can về các tội “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. 

MỚI - NÓNG
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
Hà Nội cần phải bố trí, sắp xếp gần 2.500 cán bộ, công chức
TPO - Ngày 13/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài – Trưởng Ban Chỉ đạo thành phố về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 đã ký ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Ban chỉ đạo thành phố về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thành phố.