Lá thư bất ngờ của một đồng đội
Tại tỉnh Ninh Bình, chúng tôi có dịp trò chuyện với Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Đãi, hiện là Chủ tịch Hội đồng Thương bệnh binh Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan. CCB Nguyễn Văn Đãi cho biết, trong quá trình chiến đấu, ông từng bị thương nặng, có đồng đội tưởng ông đã hy sinh. “Gần 30 năm sau trận đánh ác liệt khiến tôi bị thương, tôi mới biết mình được lập bia mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ (LS) huyện Bến Lức, tỉnh Long An”, CCB Nguyễn Văn Đãi cho biết.
CCB Nguyễn Văn Đãi (bìa phải) cùng một số CCB - thương binh đang điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Nho Quan |
CCB Nguyễn Văn Đãi kể, năm 1999, ông nhận được lá thư của đồng đội cũ Cao Ngọc Viên, gửi từ thành phố Hồ Chí Minh. Nhận thư, ông ngạc nhiên khi thấy bì thư đề “Kính gửi gia đình LS Nguyễn Văn Đãi”. Vội mở thư đọc, ông Đãi thảng thốt khi thấy đồng đội cũ báo tin cho gia đình ông biết hài cốt của ông hiện được quy tập tại Nghĩa trang LS huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Trong thư, CCB Cao Ngọc Viên còn kể lại quá trình chiến đấu và hy sinh của đồng đội Nguyễn Văn Đãi. Ông Viên để lại địa chỉ và số điện thoại để gia đình đồng đội nhận thư có thể hồi âm cho ông.
Bất ngờ trước thông tin trên, CCB Nguyễn Văn Đãi vội gọi điện thoại cho ông Viên. Khi nghe ông Đãi nói “Viên ơi, Đãi đây” thì ông Viên rụng rời, không tin ở tai mình. Lát sau bình tĩnh lại, ông Viên mừng rỡ khi biết đồng đội còn sống. Hôm đó, hai đồng đội cũ ở hai đầu đất nước nói chuyện với nhau rất lâu, cùng ôn lại những kỷ niệm trong quân ngũ, đặc biệt là trận đánh ác liệt với quân địch mà ông Viên ngỡ ông Đãi đã hy sinh.
CCB Nguyễn Văn Đãi cho biết, mùa hè năm 1972, hai người lính Đãi và Viên cùng ở Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, thuộc Tỉnh đội Long An. Đơn vị của họ đóng quân ở vùng Đồng Tháp Mười, nơi có dòng sông Vàm Cỏ Đông chảy qua, là điểm kết nối giữa hai chiến trường Đông và Tây Nam bộ. Tại đây thường xuyên có những cuộc đụng độ lớn giữa ta và địch. Trong những năm chiến đấu tại chiến trường này, đôi bạn Nguyễn Văn Đãi và Cao Ngọc Viên thường tâm sự với nhau về hoàn cảnh gia đình, hẹn ngày chiến thắng sẽ về thăm quê của nhau.
Một lần, trong lúc trò chuyện, Cao Ngọc Viên cho bạn xem bức ảnh mình chụp chung với mẹ và một người cháu. Thấy đồng đội thích tấm ảnh, Cao Ngọc Viên bèn ghi tên và địa chỉ vào sau ảnh để tặng Đãi, với lời hẹn sau ngày giải phóng sẽ đón Đãi khi về thăm quê mình. Nguyễn Văn Đãi cẩn thận bọc tấm ảnh trong ni lông, cất kỹ vào ba lô.
Sau lần trao tấm ảnh đó là một trận đánh lớn, diễn ra tháng 5/1972. Khi đó, quân địch dồn lực lượng đánh vào khu vực đóng quân của Đại đội 2. Trong trận đánh này, Chính trị viên phó Đại đội 2 Nguyễn Văn Đãi chỉ huy một kíp chiến đấu trong công sự để ngăn chặn một đợt tấn công của đối phương. Cách đó không xa, Cao Ngọc Viên cũng chiến đấu ở một công sự khác. Lúc trận chiến diễn ra cam go nhất, một xe tăng địch chồm đến nghiền nát công sự của Nguyễn Văn Đãi. Tận mắt chứng kiến hình ảnh đó, Cao Ngọc Viên ngỡ rằng bạn đã hy sinh.
CCB Nguyễn Văn Đãi (phải) và CCB Cao Ngọc Viên đứng bên nhau tại Dinh Độc Lập. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Tấm ảnh kết nối hai người lính
Nhờ sự kết nối của CCB Nguyễn Văn Đãi, chúng tôi có dịp nói chuyện với CCB Cao Ngọc Viên. Ông Viên cho biết, sau trận đánh trên, ông chuyển về đơn vị mới, vẫn luôn day dứt về sự hy sinh của người đồng đội thân thiết Nguyễn Văn Đãi. Sau ngày miền Nam giải phóng, ông Viên không trở về quê (xã Nghĩa Trụ, Văn Giang, Hưng Yên) mà sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1999, ông Viên được người thân báo tin có một bức thư gửi cho ông theo địa chỉ ở quê, nay sẽ chuyển lại cho ông.
“Người gửi cho tôi bức thư đó là quản trang Nghĩa trang LS huyện Bến Lức. Qua nội dung trong thư, người quản trang cho biết nghĩa trang vừa quy tập một số LS, trong đó có LS Nguyễn Văn Đãi. Khi quy tập, ba lô của LS Đãi cũng được đưa tạm về đây. Với những đồ vật có trong ba lô, có thể xác định đây là tư trang của LS Đãi, nhưng không rõ địa chỉ, quê quán ở đâu.
Thấy trong ba lô có một bức ảnh, phía sau đề tên và địa chỉ của tôi, nên người quản trang đã viết thư cho tôi với hy vọng tôi sẽ biết quê quán của LS Đãi để báo cho gia đình của anh biết hài cốt đã được tìm thấy và đưa về đây”, CCB Cao Ngọc Viên cho biết.
Ngôi mộ ghi tên LS Nguyễn Văn Đãi (giữa) tại Nghĩa trang LS huyện Bến Lức |
Nhận được tin này, CCB Cao Ngọc Viên vội tới Nghĩa trang LS huyện Bến Lức, đứng lặng người trước ngôi mộ ghi tên LS Nguyễn Văn Đãi. Tại đây, ông Viên được biết, cách đây chưa lâu, một CCB trong lần đào đất tại khu vực rừng tràm Bà Vụ (huyện Bến Lức) đã phát hiện có hai bộ hài cốt cùng ba lô bên cạnh.
Một chiếc ba lô được xác định của liệt sĩ Trần Mậu và ba lô còn lại của LS Nguyễn Văn Đãi. Hài cốt của hai LS sau đó được đưa về an táng tại Nghĩa trang LS huyện Bến Lức.
Từ nghĩa trang trở về, ông Viên lập tức viết thư báo cho gia đình đồng đội Nguyễn Văn Đãi tại xã Đồng Phong (Nho Quan, Ninh Bình) biết tin. Đến khi nghe ông Đãi gọi điện thoại cho mình, ông Viên xúc động trào nước mắt khi biết đồng đội vẫn còn sống. CCB Nguyễn Văn Đãi cho biết, trong trận đánh năm đó, ông bị thương nặng, thủng mắt trái, được đồng đội đưa về tuyến sau để một đồng đội khác thay vị trí.
Sau đó, xe tăng của đối phương tràn lên nghiền nát công sự chiến đấu của Nguyễn Văn Đãi như Cao Ngọc Viên đã chứng kiến. Do khi được đưa về tuyến sau, chiếc ba lô của ông Đãi không được mang đi cùng, nên sau này khi tìm thấy hài cốt của LS khác bên cạnh chiếc ba lô này dẫn đến việc xác định đó là LS Nguyễn Văn Đãi.
Bức thư của CCB Cao Ngọc Viên gửi gia đình đồng đội Nguyễn Văn Đãi |
CCB Nguyễn Văn Đãi cho biết, sau cuộc nói chuyện trên, ông và đồng đội Cao Ngọc Viên thường xuyên liên lạc với nhau. Năm 2010, CCB Nguyễn Văn Đãi có dịp vào thành phố Hồ Chí Minh và gặp lại CCB Cao Ngọc Viên. “Để lưu lại cuộc gặp sau gần 40 năm diễn ra trận đánh vào năm 1972 khiến chúng tôi rời xa nhau, hai anh em đã tới Dinh Độc Lập chụp bức ảnh làm kỷ niệm”, CCB Nguyễn Văn Đãi cho biết.
(Còn nữa)