Chuyện đã buồn cười lắm rồi nhưng hôm sau anh lại tự quay đoạn phim, lần này mục đích xin lỗi, thanh minh hộ kẻ thứ ba, rằng đó là người khác chứ không phải người tên như thế làm ở bộ như thế, như anh đã tưởng. Khỏi phải nói mặt anh trong hai đoạn phim đó trông thế nào.
Đời này có phải ai cũng khôn đâu, mà có phải cứ người dại là xấu đâu. Nhưng hành xử khác thường như thế lại nắm giữ chức này chức nọ dù to nhỏ, thì quả là sản phẩm thời đại. Mạng xã hội giờ cũng trở thành phương tiện, cứu cánh (mục đích cuối cùng) của một số người. Để trả thù, để tiêu khiển (những người chứng kiến, quay phim rồi tung lên mạng), làm tất cả những gì có thể. Sắp tới luật “ngoại tình phạt 3 triệu đồng” mà được thông qua, facebook hẳn càng phát tác. Tội nghiệp Hồ Tây phải làm bối cảnh của tấn trò đời nọ - ngoài ông đánh ghen còn một đám xúm quanh hội thảo khuyên răn các kiểu, đều buồn cười như nhau.
Phim Mỹ rất giỏi làm về nhân vật vô duyên, vụng về. Ví dụ mấy nhân vật phụ trong “Đồi Notting” (Hugh Grant và Julia Roberts đóng chính). Cô Jones trong “Nhật ký tiểu thư Jones” mà không thú vị à. Là biên tập viên, cô hơn một lần ăn mặc, hành xử lố bịch. Loại nhân vật đó nói lên gì? Trước hết, đó chính là cuộc đời, muôn màu muôn vẻ, làm gì có ai giống ai. Và điều này nữa: Những người thua thiệt đường giao tiếp ứng xử, ngoại hình hạn chế vẫn có thể có cuộc sống hạnh phúc như ai, bởi hạnh phúc không chỉ thuộc về những kẻ may mắn, hiển đạt. Tuy nhiên, những con người hạnh phúc một cách bình dị đó, sâu thẳm bên trong họ đều trong sáng, lương thiện, có vẻ đẹp tâm hồn, chỉ là trời không cho duyên dáng, đúng mực. Các vị vừa làm ô uế mặt gương Tây Hồ trên kia, đồ rằng không chỉ vụng về đối nhân xử thế mà vấn đề nằm ở nơi sâu xa hơn. Đội này đông lắm, khắp nơi, mà thủ đô ta chỉ là một địa bàn, khổ thế đấy.