Để rộng đường dư luận, Tiền Phong đăng phát biểu của một đại diện luồng ý kiến này, sau bài Monsoon- thành công kèm thương mại hóa.
1/ Liên hoan Âm nhạc Quốc tế Gió mùa năm ngoái và lần thứ hai vừa qua có thể coi là thành công về âm nhạc bên cạnh xu hướng thương mại hóa rõ nét. Thực tế Gió mùa đã tạo không khí âm nhạc sôi động hợp số đông khán giả. Trong 4 đêm diễn có mưa nhỏ, khán giả vẫn ùn ùn khoác áo mưa nối gót vào Hoàng Thành tạo nên biển người, khuấy động không chỉ Hoàng Thành mà cả một khu vực phố phường yên tĩnh.
Bình thường, khách tham quan Hoàng Thành thường gặp biển báo “Không dẫm lên cỏ”, “Không sờ vào hiện vật”. Sân khấu Gió mùa nay được dựng hoành tráng đồ sộ giữa Hoàng Thành. Bốn đêm liền, hàng vạn đôi chân nhảy nhót, dẫm đạp vô tư thảm cỏ trong tiếng nhạc kinh thiên động từ chập tối đến khuya!
Ban tổ chức sử dụng tới 68 thùng loa chuyên dụng, công suất lớn, chuyên dành cho các sự kiện âm nhạc lớn. Rút kinh nghiệm năm ngoái, ngoài việc dàn đều phía trước mặt sân khấu, hệ thống loa còn được đặt ở hai giàn giáo cuối khán đài để đảm bảo âm thanh phân phối tốt hơn tới hàng vạn khán giả. Thế nên, người dân ở quảng trường Ba Đình và các phố cách sân khấu Gió mùa vài trăm mét cũng nghe rõ mồn một tiếng nhạc bừng bừng kèm những âm thanh khác.
Gió mùa năm ngoái và năm nay chủ yếu thu hút khán giả trẻ, nhiều cặp vợ chồng mang theo con nhỏ. Khán giả qua cửa an ninh nếu đem nước lọc đóng chai thì phải bỏ lại, hóa ra không phải để đảm bảo an ninh mà là do phía trong có quán uống ăn nhanh phục vụ khán giả, một cốc nước kèm đồ ăn 30.000 đồng. Có hẳn khu vực dành cho người tàn tật, và khu cho VIP 1,5 triệu đồng/4 đêm, bù lại khán giả loại này có chốn riêng, đồ uống miễn phí.
Trong khi hàng ngàn, vạn khán giả phía gần sân khấu hò hét, nhảy tưng tưng cùng nghệ sĩ, thì phía sau, nhiều cặp tình nhân trải áo mưa ngồi thảm cỏ âu yếm trao nhau nụ hôn lãng mạn và các cử chỉ tình tứ khác. Nhiều em nhỏ có lẽ không chen chân nổi hoặc do người thân mải mê với không khí âm nhạc náo nhiệt nên cứ tự do chạy nhảy đùa giỡn.
2/ Từng nghe kể ở nước nọ, sau khi đầu tư phục dựng Hoàng Cung - khuôn viên ước tính rộng gấp 3 - 4 lần Hoàng Thành Thăng Long, chính phủ cũng cho tổ chức sự kiện văn hóa nghệ thuật tại khuôn viên, các sự kiện đó đều có nguồn gốc từ cung đình. Họ làm vậy để người dân và du khách khi thưởng thức báu vật di sản phi vật thể có thể hiểu thêm về giá trị truyền thống, nguồn cội.
Hoàng Thành Thăng Long của ta, được biết không thể phục dựng vì không ai biết Hoàng Thành xưa cột kèo, hiên mái ra sao? Nó mới chỉ được tái tạo bằng công nghệ 3D, phát hành trên mạng để ai xem được thì xem, hiểu được gì thì hiểu. Nhiều đề án, hội thảo về việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị Hoàng Thành từng được mở ra, cả việc xây nhà Quốc hội bên cạnh Di sản Văn hóa Thế giới này cũng tốn nhiều giấy mực của báo chí bởi nó quá nhạy cảm. Trong khi đó, Hoàng Thành vẫn được trưng dụng vào những mục đích xa với “giữ gìn, bảo tồn”. Được biết, nhạc sĩ Quốc Trung - Tổng đạo diễn Liên hoan Âm nhạc Quốc tế Gió mùa đã phát biểu với báo chí: “Chúng ta tiếp tục đồng hành để xây dựng Monsoon của Hà Nội - Việt Nam thành sự kiện văn hóa tầm cỡ quốc tế”!
Vì sao Gió mùa không nổi ở SVĐ Quốc gia Mỹ Đình, Cung thể thao Quần Ngựa, SVĐ Hàng Đẫy hay Trung tâm Hội nghị Quốc gia chẳng hạn? Phải chăng một phần vì những địa điểm này khiến khán giả chỉ có thể ngồi một chỗ trên khán đài, không thể nhún nhảy, hò hét vang cả góc trời? Và tổ chức ở nơi gọi là Di sản Thế giới cũng có độ oách của nó?